Người đàn ông suýt mất mạng vì nuốt vội cọng rau đắng

Thứ Hai, 22/05/2017, 17:10

Vài ngày trước khi nhập viện, ông C. có ăn rau đắng. Do cọng rau cứng nên ông C. nuốt vội không nhai kỹ, dẫn đến khối xơ rau đắng kết chặt lại, kẹt ở van hồi manh tràng. 

Ngày 22-5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho biết, vừa lấy thành công dị vật (búi xơ rau đắng) kẹt ở van hồi manh tràng cho bệnh nhân P.V.C (53 tuổi, quê Trà Vinh).

Theo đó, bệnh nhân C., nhập viện cấp cứu với tình trạng đau bụng cấp. Bệnh nhân khai, 2 ngày trước nhập viện đau quặn bụng từng cơn tăng dần, mỗi cơn đau kéo dài vài phút; cơn đau gây lạnh người, vã mồ hôi, tiến triển không thuyên giảm nên đi khám bệnh.

Thăm khám ghi nhận bệnh nhân có những cơn đau lan dọc theo khung đại tràng; ấn chẩn đau vùng hông và hố chậu; cùng lúc có cơn đau thỉnh thoảng nổi khối gò đại tràng. Sau đó, bệnh nhân C. được chỉ định nội soi đại tràng tầm soát. 

BS Phạm Hữu Dũng, đang khám cho bệnh nhân C.

Kết quả nội soi khiến các bác sỹ (BS) bất ngờ khi phát hiện dị vật (khối xơ thức ăn) kẹt tại van hồi manh tràng. BS Phạm Hữu Dũng -  Phó Khoa tiêu hóa, trực tiếp nội soi đại tràng cho bệnh nhân; dùng dụng cụ kéo khối dị vật qua khỏi van hồi manh tràng đưa vào đại tràng. 

Sau xử lý khối dị vật, bệnh nhân đã hết đau bụng, đi tiêu bình thường. Khai thác bệnh sử, ông C. cho biết, vài ngày trước có ăn rau đắng, do cọng xơ cứng nên nuốt vội không nhai kỹ. Khối dị vật của ông C là khối xơ rau đắng kết chặt lại.

Van hồi manh tràng là van ngăn cách giữa ruột non và ruột già. Là nơi hẹp của ống tiêu hóa nên cũng là một trong những vị trí các dị vật tiêu hóa dễ mắc lại. Các vị trí dễ kẹt dị vật đường tiêu hóa là thực quản, van hồi manh tràng, đại tràng. 

Dị vật thường gặp là các vật cứng như xương, tăm xỉa răng, răng giả… khi kẹt lại sẽ gây triệu chứng bán tắc ruột hoặc tắc ruột, đôi khi còn gây thủng tạng rỗng. Trường hợp của ông C. khá hy hữu vì đây là khối xơ thức ăn mắc lại. 

Theo BS Phạm Hữu Dũng, mọi người nên cảnh giác với các dị vật đường tiêu hóa vì khá thường gặp, ngay cả khi đó là thức ăn. 

Đối với trẻ em, người lớn tuổi, người mang răng giả, hoặc người mất răng, khả năng nghiền thức ăn kém nên ăn chậm nhai kỹ, thức ăn mềm, dễ tiêu, rau củ nên được cắt nhỏ. 

Đức Văn
.
.
.