Bộ Y tế hướng dẫn xử lý các trường hợp bị sốt, ho, khó thở tại trường học

Thứ Bảy, 14/03/2020, 19:25
Nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 trước diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế vừa có công văn về việc hướng dẫn xử lý các trường hợp bị sốt, ho, khó thở tại trường học…


Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tình hình dịch trong nước tuy vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ lây nhiễm đối với học sinh, sinh viên và giáo viên, người lao động trong trường học vẫn có khả năng xảy ra.

Để tăng cường biện pháp phòng chống dịch tại trường học, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, an toàn dạy và học cho học sinh, sinh viên và giáo viên, người lao động, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn xử lý các trường hợp bị ho, sốt, khó thở tại trường học.

Học sinh được đo thân nhiệt trước khi vào lớp.

Cụ thể, tại trường học, khi phát hiện có học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, cán bộ công nhân viên, người lao động có một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở (người nghi ngờ) tại trường học, nhà trường cần thực hiện theo các bước:

1. Đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác.

2. Nhân viên y tế, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế sạch khuẩn. Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi ngờ.

3. Khai thác tiền sử tiếp xúc của người nghi ngờ:

Đối với giáo viên, sinh viên, học viên thì hỏi trực tiếp; Đối với học sinh thì mời cha mẹ học sinh đến trường để phối hợp hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và thực hiện các biện pháp xử lý.

Hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và cách xử trí: Trong vòng 14 ngày trước đó có đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, địa điểm cụ thể nếu có. Trong vòng 14 ngày có tiếp xúc gần với những người đi về từ vùng dịch, người nghi ngờ hoặc xét nghiệm có dương tính với COVID-19.

Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc đơn vị y tế địa phương theo quy định để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Nếu cần thiết mời cán bộ y tế khu vực, tuyến huyện, tuyến tỉnh đến hỗ trợ.

4. Xử trí sau khi hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ:

Trường hợp nghi ngờ không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ: Điều trị các triệu chứng ho, sốt, khó thở. Nếu cần thiết đưa học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên bị ốm đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời. Ghi lại các thông tin vào sổ theo dõi sức khỏe.

Trường hợp nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ: Cần vận chuyển đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị, việc vận chuyển phải thực hiện đúng theo quy định về phòng, chống lây nhiễm.

Tại trường, đối với trường hợp có tiếp xúc gần hoặc có liên quan khác thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương. Thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cho học sinh nghỉ học ngay. Khử khuẩn môi trường, thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Hướng dẫn cũng đặt ra 6 yêu cầu đối với phòng, khu vực cách ly tại trường học với các điều kiện y tế cần đảm bảo. Các trường học nhất thiết phải thiết lập một phòng, khu vực cách ly này để phòng cho mọi trường hợp.

V.Cường
.
.
.