Bộ Y tế đề nghị quy định cụ thể biện pháp quản lý rượu thủ công

Thứ Tư, 29/03/2017, 15:56
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có ý kiến gửi Văn Phòng Chính phủ góp ý về dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu (gọi tắt là dự thảo Nghị định). 


Người đứng đầu Bộ Y tế cho rằng, cần có Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính để làm rõ nội dung quy định về thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép sản xuất rượu, giấy phép phân phối, giấy phép bán buôn rượu, giấy phép bán lẻ rượu. 

Dự thảo Nghị định cần lưu ý đến trách nhiệm liên ngành của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL. Trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật nhất là các nội dung quy định về quản lý chất lượng rượu, quy hoạch..việc giao Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch chưa đảm bảo tính khách quan vì chưa phù hợp với yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu và đồ uống có cồn.

Nạn nhân ngộ độc rượu có methanol

“Cần bảo đảm và nhất quán quan điểm thực hiện đồng bộ 3 giải pháp chiến lược về kiểm soát rượu và cần được lồng ghép tại các quy định cụ thể của dự thảo Nghị định đó là: kiểm soát nguồn cung, kiểm soát nhu cầu và biện pháp can thiệp giảm tác hại của rượu, bia.”- Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Bộ Y tế đề nghị số lượng Giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu được xác định trên nguyên tắc số dân. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị bổ sung một chương riêng về quản lý đối với rượu thủ công, trong đó có quy định cụ thể biện pháp quản lý đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (bán cho doanh nghiệp để sản xuất) và rượu thủ công sản xuất cho mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình.

Trong đó cần quy định cụ thể về quản lý chất lượng, đăng ký sản phẩm với chính quyền cấp xã, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công bảo đảm chất lượng.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay rượu tự nấu chiếm tỷ lệ 70%, do đó cần quản lý chặt loại rượu này. Thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho hay, 80% lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường hiện không được dán tem thuế. Nghĩa là 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng, gây hệ lụy nghiêm trọng.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 34 trường hợp bị ngộ độc rượu có cồn công nghiệp (methanol), trong đó có 9 trường hợp đã tử vong, nhiều trường hợp đã bị di chứng, ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp này đều uống loại rượu mua tại các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ, rượu tại quán nhậu…

Riêng tại Hà Nội, chỉ trong 3 tuần từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3-2017, đã có tới 25 trường hợp bị ngộ độc rượu có methanol, trong đó 3 bệnh nhân đã tử vong. Số người ngộ độc rượu tập trung nhiều ở quận Đống Đa (10 ca) và Cầu Giấy (10 ca)… Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu có methanol, Hà Nội đã lập 700 đoàn thanh tra liên ngành để thanh, kiểm tra các loại rượu nấu thủ công nhằm phát hiện rượu có methanol. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hơn 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu huỷ hơn 2.200 lít rượu không rõ nguồn gốc đồng thời, xử phạt các hành vi vi phạm gần 700 triệu đồng. Hoạt động thanh, kiểm tra sẽ kéo dài đến giữa tháng 3-2017.


Thanh Hằng
.
.
.