Ca mổ tim "lách qua cửa tử" cứu sống người phụ nữ bị nhiễm HIV

Thứ Năm, 18/05/2017, 19:45
Lần đầu tiên ở Việt Nam, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công một bệnh nhân nhiễm HIV bị lóc động mạch chủ type A. Đây là thông tin được PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) cho biết trong cuộc trao đổi với báo giới vào chiều 18-5.


Đó là một nữ bệnh nhân nữ, 42 tuổi, mắc hội chứng Marphan, đã được phát hiện bị HIV từ năm 2005 và đang được điều trị thuốc ARV. Đây là căn bệnh cấp cứu rất nguy hiểm, khi chỉ trong vòng mấy giây đã có thể xé đôi mạch chủ từ tim đến chân. Có tới 90% tử vong trong 4 ngày đầu nếu không can thiệp.

Xác định đây là ca mổ khó trong phẫu thuật tim mạch, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước đã hội chẩn cùng GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và một số chuyên gia khác. Các chuyên gia đều tiên lượng đây không chỉ là ca phẫu thuật rất phức tạp, nguy cơ tử vong cao, mà còn vì bệnh nhân đang bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch bị suy giảm, nên nguy cơ nhiễm trùng cao. 

Đồng thời, ca mổ sẽ kéo dài nhiều tiếng, trong khi rất đông người tham gia, dụng cụ phẫu thuật, đồ bảo hộ lao động nhiều, nguy cơ phơi nhiễm rất khó tránh. Chỉ cần sai một tích tắc là có thể dẫn đến lây nhiễm chéo.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước chia sẻ về những khó khăn của ca phẫu thuật

Trên thực tế, Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực đã mổ nhiều trường hợp HIV, nhưng bệnh lý nhẹ, vỡ phồng động mạch do chích ma túy hoặc gẫy xương… nên thời gian phơi nhiễm tiếp xúc giữa thầy thuốc và người mổ ngắn, chăm sóc nhẹ nhàng. Còn đây là ca đầu tiên phẫu thuật lóc A ở bệnh nhân bị HIV, thời gian mổ kéo dài, nên nhiều người rất lo. 

Vì thế, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước đã nhận trách nhiệm trực tiếp phẫu thuật ca này để giảm áp lực cho các bác sĩ, y tá tham gia ca mổ. Ông chia sẻ, đây là một thử thách rất lớn buộc các bác sĩ phải vượt qua chính mình, phải tổ chức tốt các biện pháp bảo hộ cho từng nhân viên y tế trong suốt quá trình mổ vì thời gian mổ kéo dài nên nguy cơ phơi nhiễm giữa người bệnh với phẫu thuật viên càng nhiều, nhất là khi máu bệnh nhân phải rút ra rồi lại bơm vào để tuần hoàn nhiều lần. 

Tất cả dụng cụ đều phải để riêng, dùng một lần nên chi phí cho ca mổ tăng cũng cao.

Bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt sau mổ

TS. Phạm Tiến Quân, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trưởng phòng hồi sức sau mổ tim, cho biết: Ekip phải tuân thủ nguyên tắc bảo hộ tuyệt đối để tránh lây nhiễm, đồng thời, không để chất thải dẫn từ người bệnh ra môi trường nước hoặc lẫn vào rác thải y tế khác, vô tình khiến người khác bị phơi nhiễm.

Với nỗ lực của từng người, ca phẫu thuật thành công sau 8 tiếng liên tục. Bệnh nhân đã được kiểm soát nguy cơ về nhiễm trùng chặt chẽ và sử dụng kháng sinh liều cao, phổ rộng hơn. Chỉ 1 ngày sau bệnh nhân đã được rút máy thở và sau 3 ngày đã được bỏ thuốc trợ tim. Vì người bệnh nhiễm HIV nên khâu chăm sóc cũng rất tốn kém. Bình thường, một điều dưỡng ở phòng hồi sức chăm nhiều bệnh nhân, nhưng bệnh nhân này phải điều trị cách ly hoàn toàn nên phải có một kíp riêng chăm sóc đặc biệt và theo dõi sát sao. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong tuần tới.

 Cùng với kết quả của ca mổ, việc không để xảy ra phơi nhiễm trong bối cảnh nguy cơ cao là một thành công của các thầy thuốc.

Thanh Hằng
.
.
.