6 giờ cân não giành giật sự sống cho một sĩ quan Công an

Thứ Ba, 15/05/2018, 16:50

Trong chuyến công tác ra Hà Nội, tối 9-5, anh Đỗ Mạnh T. (55 tuổi, ở Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắk Lắk) -một sĩ quan Công an - đã phải vào cấp cứu tại Bệnh viện E tình trạng vô cùng nguy kịch. Nhưng anh đã may mắn khi được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E quyết tâm cứu sống và đã thành công.



Khi ra Hà Nội công tác, anh T. bị đau ngực nên đã đến khám và điều trị tại Bệnh viện 198 (Bộ Công an). Tại đây, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp động mạch vành và xác định bị tổn thương 3 thân động mạch vành nên đã tiến hành can thiệp nhánh vành phải (RCA) thành công. 

Bệnh nhân tiếp tục được can thiệp đặt stent LAD thì xuất hiện lóc tách động mạch chủ ngực. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E trong tình trạng tối cấp cứu vì đau ngực dữ dội, nhịp tim đập nhanh, huyết áp tụt… Kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị lóc tách từ xoang động mạch vành trái vào động mạch chủ.

Nhận thông tin bệnh nhân trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm, hôm đó đúng ngày Hà Nội có mưa dông, nhiều đoạn đường ngập nước, nhưng Ths. Nguyễn Công Hựu – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đã lập tức đến bệnh viện, trực tiếp thăm khám, đồng thời, xin hội chẩn cấp cứu với GS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện, lúc đó đang đi công tác tại Lai Châu. GS Thành quyết định phải khẩn trương tổ chức kíp bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch sau khi được phẫu thuật

GS. Lê Ngọc Thành cho biết đây là trường hợp đặc biệt bởi bệnh nhân đã rơi vào tình trạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao và tỉ lệ tử vong lại tăng dần theo thời gian chờ mổ. Các bác sĩ đã phải lên các phương án khác nhau để phòng tình huống xấu nhất.

Với sự chuẩn bị khẩn trương, ca mổ cấp cứu diễn ra ngay sau đó, do Ths. Nguyễn Công Hựu trực tiếp phẫu thuật. Ths. Hựu cho biết, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải mở màng ngoài tim, động mạch chủ lên tụ máu mặt sau và cạnh tĩnh mạch chủ trên phải nhiều, tiến hành lấy huyết khối đang rất nhiều trong thành động mạch chủ, khâu lại các lớp áo động chủ, sử dụng keo sinh học, thay đoạn động mạch chủ lên và một phần xoang valsava trái bằng động mạch nhân tạo. Sau đó tiếp tục bắc cầu động mạch chủ - nhánh động mạch phân giác bằng đoạn tĩnh mạch hiển đảo chiều.

Sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt (ảnh chụp chiều 15-5)

Sau 6 giờ căng thẳng, giành giật sự sống cho bệnh nhân, ca mổ đã thành công. Khỏi phải nói hết niềm vui của các bác sĩ, điều dưỡng tham gia phẫu thuật vì đây là một trường hợp rất nguy kịch, chỉ cần chậm một chút là có thể hết cơ hội sống. Và rồi, sau gần 1 tuần, bệnh nhân đã có những diễn biến tích cực.

Trong niềm vui vô tận khi chồng đã hồi sinh một cách kỳ diệu, chị Nguyễn Thị Phương, vợ anh T, đã viết những cảm xúc của mình vào lá thư gửi lãnh đạo Bệnh viện E: “Bệnh viện E quả đã có được đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, giỏi và quan trọng hơn là chữ “tâm” trong từng y bác sĩ...". 

Chị Phương cũng chia sẻ: Chứng kiến các bác sĩ thức trắng đêm, giành giật sự sống cho chồng tôi, mới cảm nhận hết tấm lòng cao cả của người thầy thuốc và người thân của chúng tôi mới có cơ hội sống, gia đình mới có ngày hôm nay…


Thanh Hằng
.
.
.