Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên ngổn ngang nỗi lo trước ngày hoạt động

Thứ Tư, 20/02/2019, 09:22
Sau gần 9 năm ì ạch xây dựng, cuối cùng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đến ngày đưa vào hoạt động. Bệnh viện này được kỳ vọng không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân toàn vùng, mà còn phục vụ cả bệnh nhân nước bạn Lào và Campuchia khi có nhu cầu điều trị chất lượng cao.

Thế nhưng, chưa mừng đã lo, bệnh viện hiện vẫn bề bộn các công trình đang thi công, ngổn ngang những bất cập, khó mà đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân... 

Được khởi công xây dựng ngày 19-7-2010, trên diện tích rộng 12ha, thuộc đường Trần Quý Cáp, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có quy mô 800 giường bệnh theo quy chuẩn. Dự án do Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Bệnh viện này được xác định là nơi triển khai các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh của nhân dân. Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã xây dựng Đề án đào tạo kỹ thuật cao cho Bệnh viện.

Trong công tác khám chữa bệnh, các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại sẽ được triển khai thực hiện tại bệnh viện, như: chấn thương chỉnh hình, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, phẫu thuật nội soi ngoại, nội, sản, điều trị ung bướu, vi phẫu, cấp cứu hồi sức chuyên sâu, cận lâm sàng… Tuy nhiên, từ khi khởi công tới nay, do nhiều nguyên nhân mà tiến độ thi công, bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào hoạt động bị chậm tới... 5 năm.

Những ngày này, các cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc men... đã được đưa về bệnh viện lắp đặt, chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân tới khám, điều trị bệnh. Thế nhưng, thực tế Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vẫn đang tồn tại quá nhiều bất cập, việc thiết kế, xây dựng không khoa học, có thể ảnh hưởng xấu tới việc khám, chữa bệnh khi được đưa vào hoạt động. Đó là chưa kể nhiều hạng mục, công trình hiện vẫn đang thi công dở dang hoặc phải tháo dỡ, phá bỏ để xây dựng lại do xuống cấp, không hợp lý, mặc dù chưa từng được đưa vào sử dụng ngày nào.

Cụ thể, suốt những ngày qua, cùng với việc chuyển dọn các cơ sở vật chất, lắp đặt thiết bị y tế là cảnh xây sửa, điều chỉnh lại cho phù hợp với công năng sử dụng thực tế lại diễn ra khắp công trình nghìn tỉ. Trong mấy trăm điểm hư hỏng, xuống cấp, bất hợp lý mà bộ phận tiếp nhận công trình đã liệt kê kín cả chục trang giấy, tới nay vẫn còn nhiều điểm không xử lý nổi.

Một minh chứng cho việc thiết kế không khoa học đó là Khoa Chống nhiễm khuẩn bị xây dựng cách rất xa phòng mổ, cạnh bể xử lý nước thải và nhà xác ở mãi dưới cuối dốc, gần hàng rào, là nơi rất dễ xảy ra nhiễm khuẩn, xung quanh đất đỏ bụi mù. Bể chứa nước thải của bệnh viện với dung tích chỉ 350m3, trong khi bệnh viện cũ trước đây bể chứa 500m3 vẫn nhiều lần bị Sở TN&MT Đắk Lắk phạt nặng vì để nước bẩn tràn lan, gây ô nhiễm.

Sau khi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động (dự kiến ngày 26-2), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ chấm dứt sứ mệnh của mình. Toàn bộ cơ cấu, tổ chức  bộ máy, hoạt động và biên chế của bệnh viện cũ được “bê” nguyên trạng sang Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa tiếp nhận đã phải đập phá vẫn ngổn ngang để xây dựng lại vì quá nhiều bất cập.

Thực chất, bệnh viện này chỉ là quy mô cấp tỉnh, trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk trước đây có quy mô 1.400 giường nhưng vào thời gian cao điểm vẫn xảy ra cảnh quá tải nghiêm trọng. Nay Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sắp được đưa vào sử dụng có 800 giường bệnh, tức chỉ hơn một nửa số giường so với bệnh viện cũ. Viễn cảnh bệnh nhân quá tải trầm trọng ở bệnh viện mới dù chưa đi vào hoạt động đã hiện hữu khiến người dân địa phương không thể không lo lắng khi phải tới bệnh viện này khám, điều trị bệnh.

Cách khắc phục bất cập này được UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra là bán bệnh viện cũ, lấy tiền xây thêm Trung tâm điều trị Ung Bướu và Trung tâm Sản Nhi trong khuôn viên của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, để tách các khoa phòng này ra khỏi khối nhà điều trị sẽ bị quá tải. Tuy nhiên, đó là tính toán cho tương lai mà chưa biết khi nào trở thành hiện thực. Trong khi đó, dự kiến từ ngày 20-2, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ chính thức tiếp nhận bệnh nhân, khi đó chắc chắn sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải.

Trước những vấn đề bất cập trên, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang khẩn trương đưa ra những giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, hầu hết những giải pháp này đều mang tính tạm thời, giải quyết vấn đề bất hợp lý trước mắt. Như, trong khi chờ hoàn thành nhà xử lý rác, hằng ngày rác thải sẽ phải tập kết cạnh “Nhà Đại thể”, chờ xe chở về bệnh viện cũ để xử lý. Các hành lang vừa dốc, vừa trơn trượt nối giữa các tòa nhà dự kiến được rải một lớp thảm nhựa tạo ma sát chống trơn trượt...

Để giải quyết căn cơ những vấn đề tồn tại này, sắp tới Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lại phải xin thêm kinh phí để xây dựng một loạt hạng mục, như Khu Chống nhiễm khuẩn cao 3 tầng, cạnh khu phẫu thuật, có hành lang nối vào phòng mổ; bể xử lý nước thải; hành lang có mái che nối giữa các khu nhà; thay hệ thống ống dẫn nước thải. Hiện hệ thống nước chôn âm tường do quá nhỏ nên dù bệnh viện còn chưa đưa vào hoạt động đã xảy ra cảnh sàn các khoa Sản, Ngoại tổng quát ngập lênh láng nước do bị tắc.

Ngoài ra, bệnh viện còn phải xin kinh phí để tiếp tục đập phá xây lại, bởi cả đống máy giặt, máy sấy đang chất trước Khoa Chống nhiễm khuẩn, vì cửa quá hẹp không thể vận chuyển vào được. Đó là chưa kể đến lô máy tính 111 chiếc quá date, giá hơn 23 triệu đồng/máy mà bệnh viện phải nhận bàn giao từ Ban quản lý Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khi mở ra thấy toàn kiến, mối làm tổ…

Như vậy, bệnh viện mới được giới thiệu là tiên tiến, hiện đại chậm tiến độ tới hơn 5 năm nay được đưa vào hoạt động lại phải đối mặt với hàng loạt tồn tại, bất cập mà bệnh nhân chính là người đầu tiên chịu thiệt thòi. Bệnh viện mới, chưa mừng đã thấy ngổn ngang nỗi lo!..

Khắc Lịch
.
.
.