Bệnh viện 19-8 lần đầu thực hiện nối liền ngón tay đứt lìa

Thứ Ba, 05/05/2015, 21:11
Ngày 5/5, Thượng tá Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương và bỏng Bệnh viện 19-8 trực thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an cho biết các cán bộ, bác sĩ của Khoa lần đầu tiên đã thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối thành công ngón tay cái bị đứt lìa cho một bệnh nhân nam.

Cụ thể, ngày 26/4 vừa qua, bệnh nhân Nguyễn Tiến Khu, 19 tuổi ở Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội, trong lúc lao động đã bị máy cắt giấy cuốn vào làm đứt lìa ngón cái bàn tay phải. Bệnh nhân đã được sơ cứu, bảo quản ngón tay cái đứt lìa và lập tức được chuyển đến Bệnh viện 19-8 Bộ Công an cấp cứu.

Sau 8 giờ vi phẫu nối lại mạch máu, thần kinh cũng như gân cơ, các bác sỹ Khoa Chấn thương và bỏng, dưới sự hướng dẫn của GS.TS Nguyễn Việt Tiến đã nối thành công ngón tay cái cho bệnh nhân.

Thượng tá Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương và bỏng Bệnh viện 19-8 Bộ Công an kiểm tra tiến trình hồi phục của bệnh nhân Khu.

Đến nay, sau 10 ngày điều trị, theo dõi, bệnh nhân Nguyễn Tiến Khu đã ổn định, có thể đi lại bình thường, ngón cái được nối đã hồng ấm, các mạch máu đã lưu thông trở lại và đã có thể vận động nhẹ.

Các bác sĩ của Bệnh viện 19-8 khuyến cáo, việc cấp cứu nối lại chi thể chỉ có thể thực hiện được khi bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất, phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách như: Trường hợp có tổn thương đứt rời, nên cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó, đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín rồi bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.

Còn nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương. Đặc biệt, không dùng banh kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi xử lý nối.

Trần Xuân
.
.
.