Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Bảo hiểm y tế và an toàn thực phẩm là 2 vấn đề nóng hiện nay

Thứ Hai, 29/12/2014, 09:36
Hàng loạt vấn đề nóng, liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, đang được dư luận đặc biệt quan tâm, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2015 và vấn đề đảm bảo VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đã được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” trên VTV1 tối 28/12. Câu trả lời của Bộ trưởng sẽ giải đáp nhiều thắc mắc của người dân:

PV: Thưa Bộ trưởng, Luật BHYT mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều điểm đổi mới có lợi cho người bệnh, nhất là người nghèo. Bộ Y tế chuẩn bị triển khai luật như thế nào để đáp ứng mong mỏi của người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Sắp tới, Bộ Y tế sẽ kiểm tra khoảng 20 tỉnh, thành phố, tập trung vào 10 tỉnh có tỷ lệ BHYT dưới 60%; đồng thời tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác bảo hiểm để tiến tới BHYT toàn dân. Một việc hết sức quan trọng nữa với ngành Y tế, là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giảm tải BV. Thời gian qua, thực hiện đề án giảm tải BV, bước đầu đã có kết quả khi số giường bệnh bình quân đã tăng lên 28,4/10.000 dân, một số BV TW sẽ không còn tình trạng nằm ghép… Ngành Y tế cũng chỉ đạo ngành dọc giảm bớt các thủ tục hành chính khi người dân tham gia khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Hiện nay, thời gian chờ đợi khám trung bình đã giảm 50 phút. Bộ đặc biệt chú trọng đến thái độ ứng xử của nhân viên y tế để làm hài lòng người bệnh. Bộ đã thành lập đường dây nóng trong toàn quốc, nhằm giải quyết những thắc mắc của người dân; đã xử lý khoảng 130 cán bộ với nhiều hình thức: cách chức, nghỉ việc, cảnh cáo, khiển trách, chuyển công tác và trừ thưởng… Bộ cũng đã ban hành Thông tư quy định quy tắc ứng xử nghề nghiệp, góp phần nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế.

Với Luật BHYT mới, người dân nghèo sẽ được thụ hưởng nhiều nhất ở việc BHYT đã bỏ hẳn chế độ cùng chi trả. Ngoài ra, mở thông tuyến kỹ thuật đối với tuyến xã, huyện trong địa bàn tỉnh. Đối với người nghèo, sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, khi thông tuyến, kể cả tuyến tỉnh, tuyến TW đều không phải đồng chi trả.

Luật BHYT mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều điểm đổi mới có lợi cho người bệnh, nhất là người nghèo.

PV: Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ trưởng có chỉ đạo như thế nào để kiểm soát tình hình vệ sinh ATTP, đảm bảo sức khỏe cho người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, BCĐ liên ngành của TW về ATTP và chính quyền các cấp đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi và tập huấn cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu họ tuân theo luật và các quy định hiện hành, vì pháp luật là thượng tôn và sức khỏe của người dân là trên hết. Tết năm ngoái, ở cấp TW, tỉnh, huyện, xã đã tổ chức hàng chục ngàn đợt kiểm tra, lấy hơn 130 ngàn mẫu để thử và kiểm tra mức độ vi phạm ATTP và các cơ sở vi phạm bị xử lý rất nghiêm với mức phạt tiền lên tới 100 - 200 triệu, số tiền phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa…; đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các cơ sở sản xuất, tên sản phẩm đã vi phạm, để người dân không sử dụng các sản phẩm đó; hoặc rút giấy phép lưu hành sản phẩm...

PV: Bộ trưởng đã có những chỉ đạo quyết liệt như thế nào đối với các thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, để người dân ăn Tết được an tâm?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ban Chỉ đạo liên ngành sẽ phát động tháng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và tổ chức kiểm tra nhiều hơn về cả số đoàn, lần số mẫu kiểm tra tăng hơn 10%. Đặc biệt, với những tỉnh, thành phố lớn, tỉnh biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm, sẽ tăng thêm mức xử phạt. Tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, các báo chuyên ngành thông tin rộng rãi về sản phẩm, nhà sản xuất vi phạm vệ sinh ATTP; người dân cần kiên quyết từ chối không sử dụng các sản phẩm đó, sẽ góp phần để có một cái Tết an toàn, không có sự cố về ATTP xảy ra.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Hằng (lược ghi)
.
.
.