Ca tử vong thứ 2 do sốt xuất huyết tại Hà Nội:

Báo động khi bệnh nhân tự làm “bác sĩ”

Thứ Năm, 03/09/2020, 08:37
Hà Nội ghi nhận ca tử vong thứ 2 do sốt xuất huyết chỉ trong vòng nửa tháng, điều đáng nói là cả hai ca bệnh đều không đến viện, tự chữa ở nhà. Ca tử vong thứ 2 vào ngày 1/9 sau khi sốt, bệnh nhân tự mua thuốc về điều trị, đến ngày thứ 5 thì biến chứng suy gan, suy thận, vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng không qua khỏi dù được lọc máu liên tục. Đây tiếp tục là lời cảnh báo cho những bệnh nhân coi thường tính mạng của mình.

Ca tử vong thứ 2 ở Hà Nội do sốt xuất huyết là một nam bệnh nhân, SN 1963, trú tại quận Hoàn Kiếm. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt 5 ngày và tự ở nhà mua thuốc về điều trị. Đến ngày thứ 5, tình trạng của bệnh nhân rất nặng do biến chứng của sốt xuất huyết khiến suy đa tạng, gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Trần Hằng.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khi bệnh nhân đến khám và xét nghiệm được phát hiện sốt xuất huyết, lúc đó men gan tăng rất cao, trên 4.000 và bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng. Lúc đầu bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu A9 được lọc máu, sau đó chuyển lên điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Sau nửa ngày bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực để chạy ECMO-hệ thống tim phổi nhân tạo và hồi sức, nhưng bệnh nhân đã tử vong vào sáng 1/9.

Đây là ca tử vong thứ 2 ở Hà Nội do sốt xuất huyết trong vòng nửa tháng qua. Điều đáng nói là cả 2 bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng, suy đa tạng. Trước đó, cách đây nửa tháng, Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà.

PGS.TS Đỗ Duy Cường đã cảnh báo về tình trạng người dân lo ngại dịch COVID-19, khi bị bệnh đã không đến viện khám; hoặc khi có triệu chứng sốt lại nghĩ rằng mình bị COVID-19, đi khám sàng lọc và xét nghiệm COVID-19, dẫn đến chẩn đoán bệnh nhầm, tới viện muộn.

Trên thực tế, vẫn có người lo ngại dịch bệnh, hoặc chủ quan mà khi bị ốm, sốt, ở nhà tự làm “bác sĩ”. Tình trạng tự mua thuốc điều trị đã được cảnh báo rất nhiều, không những nguy hiểm tới tính mạng như 2 trường hợp sốt xuất huyết nói trên, mà còn gây ra tình trạng kháng kháng sinh rất phổ biến hiện nay. 

Sốt xuất huyết đang gia tăng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội với gần 1.500 ca mắc từ đầu năm tới nay. Có ổ sốt xuất huyết tại gia đình khi cả nhà cùng mắc bệnh. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm tới nay đã điều trị cho hàng trăm ca bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng trong hơn 1 tháng trở lại đây. 

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo chù kỳ cứ 2 đến 4 năm lại có đợt bệnh sốt xuất huyết nặng. Nếu thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Ở miền Bắc, bệnh diễn ra nhiều vào tháng 6-7 và đạt đỉnh cao vào tháng 8-9.

Bác sĩ Thư cũng cho biết, dấu hiệu sốt xuất huyết Dengue có thời gian ủ bệnh 1-2 tuần, sau đó sốt cao, đau người, đau nhức hốc mắc, bắt đầu từ ngày thứ 5 trở đi, bệnh nhân có dấu hiệu nặng xuất huyết, cô đặc máu, những ngày đầu bệnh cảnh lâm sàng giống sốt virus, lúc thăm khám bác sĩ phải sàng lọc bệnh nhân sốt xuất huyết để theo dõi. “Nếu bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo cô đặc máu phải cho nhập viện điều trị, để tránh biến chứng tử vong”, BS Thư cho biết.

Về tình trạng bệnh nhân tự điều trị, BS Thư cho biết, những ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu lâm sàng giống với sốt virus thông thường, nên chủ quan ở nhà uống thuốc, ngày thứ 5 trở đi bệnh nặng, lúc đó bệnh nhân không được xét nghiệm kịp thời, dẫn đến cô đặc máu, nguy cơ tử vong cao. “Chúng tôi khuyến cáo người bệnh những ngày đầu sốt phải đến bệnh viện để xét nghiệm sốt xuất huyết để có hướng điều trị”, BS Thư nói.

Tâm lý chủ quan nữa là những trường hợp đã mắc sốt xuất huyết rồi nghĩ mình không bị lại. Theo BS Thư, sốt xuất huyết có 4 tuýp, bệnh nhân vẫn có thể mắc lại 1 tuýp khác, khi bị nhiễm lại lần thứ 2, cơ thể quen với con virus rồi, bệnh nhân có thể có biểu hiện lâm sàng nặng hơn. Điển hình tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lần 2, có bệnh nhân mắc lần 2 nặng hơn lần 1.

BSCKII Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa khuyến cáo: “Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu, người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Tuy nhiên, từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Người dân không tự ý truyền dịch, điều này rất nguy hiểm. Vì ở từng thời điểm, từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ phải điều chỉnh tốc độ truyền dịch nhanh hay chậm để tránh sốc. Từ ngày thứ 4, bệnh nhân có thể có rối loạn tăng tính thấm thành mạch, dễ xuất huyết nặng lên, rối loạn đông máu, nếu truyền dịch không cẩn thận có thể dẫn đến sốc, nhất là những người có cơ địa bệnh nền mạn tính”.
Triều Dương
.
.
.