Thị trường tân dược trước “cơn sóng” hội nhập:

Bài cuối: Lập chuỗi phân phối, xóa bỏ thói quen… “chết người”

Thứ Hai, 03/07/2017, 10:06
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Sử dụng kháng sinh bừa bãi chính là nguyên nhân làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Mỗi khi dùng thuốc, vi khuẩn nhạy sẽ bị tiêu diệt, còn những vi trùng không bị tiêu diệt lại kháng thuốc, phát triển và nhân rộng...


Hệ thống phân phối như "rừng nhiệt đới"

Hệ thống phân phối thuốc tại Việt Nam có thể nói là một hệ thống được ví như “rừng nhiệt đới” bởi nhiều tầng, nhiều lớp. Thị trường phân phối nội địa với hơn 2000 DN phân phối, 4 chợ bán sỉ thuốc tây tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng 57.000 quầy bán lẻ thuốc; 12.000 bệnh viện và chưa kể hàng chục ngàn phòng khám tư trên khắp đắt nước.

Ở cấp phân phối thứ nhất là các DN chuyên về nhập khẩu uỷ thác. Ở nhóm này thế mạnh thuộc về các DN tiền thân của nhà nước chuyên làm chức năng nhập khẩu hưởng hoa hồng (%), các doanh nghiệp này có lợi thế kinh nghiệm trong công tác xuất nhập khẩu. Có hệ thống kho bãi và dịch vụ giao nhận đáp ứng nhu cầu. Đặc điểm của nhập khẩu uỷ thác là doanh thu rất lớn từ vài trăm đến vài ngàn tỷ là thường nhưng thực chất hàng của “người khác” nên doanh số thực chỉ từ 1-3% tỷ lệ hoa hồng mà thôi.

Doanh số mà các DN nhập khẩu uỷ thác “đứng tên hộ” thực chất là của các văn phòng đại diện các hãng dược tại Việt Nam và nhà phân phối của họ quản lý, đây mới là những “ông trùm” thực sự nắm giữ thị trường phân phối thuốc ngoại trên cả nước. Với hàng chục năm hoạt động ở Việt Nam, nhóm này đã có hệ thống đại lý và đội ngũ trình dược viên (một nghề xuất hiện theo sự thành lập của các văn phòng đại diện các hãng dược tại Việt Nam và nhà phân phối), đặc biệt danh sách khách hàng “thân thiết” của họ đã bao trùm khắp đất nước. Họ cũng đã có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, cũng như hiểu biết về luật pháp đến mức có thể lách qua những khe hẹp của luật pháp, thói quen mua bán sử dụng dược phẩm của người Việt Nam.

Đây là những DN thực sự nắm giữ thị trường phân phối cả nước, hệ thống đại lý, khách hàng và nhân viên thương mại (trình dược viên) của họ đông đảo và mạnh nhất, doanh số của các DN này đạt từ 100 tỷ cho đến hơn 1.000 tỷ hằng năm. Lợi nhuận rất lớn, đây cũng chính là lực lượng gây ảnh hưởng nhiều nhất đến giá thuốc tại Việt Nam, đặc biệt là 3 hãng "khủng"nhất: Zuellig Pharma, Mega Product, và Diethelm.

Nhóm thứ hai là nhóm các công ty tập trung vào hoạt động tiếp thị và xây dựng các hệ thống phân phối. Trước mắt, cơ hội cho ngành bán lẻ dược phẩm chỉ đến với các công ty nội địa (cam kết WTO), bởi vậy nhóm các công ty này đang có lợi thế về chính sách. Trong số các công ty phân phối dược Việt Nam, Codupha nổi lên là nhà phân phối có nhiều kinh nghiệm, chuyên nghiệp và có độ "bao phủ" rộng trên toàn quốc thông qua hệ thống các chi nhánh, trung tâm phân phối, hệ thống tiếp thị bán hàng, giao hàng.

Các công ty phân phối dược khác cũng đang từng bước chuyên nghiệp hóa, tuy nhiên có nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn lực, hệ thống kho bãi, vận chuyển, tiếp thị...

Các công ty chuyên bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi nhà thuốc xuất hiện, thị trường OTC (bán lẻ) hiện tại manh mún tự phát đang không đáp ứng kịp thời với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Theo đó, đã có nhận định từ các chuyên gia rằng, nhóm này sẽ là nhóm tạo “bão” trên thị trường OTC trong thời gian sắp tới mà sẽ đề cập chi tiết trong bài sau.

"Thủ phạm" của tình trạng kháng kháng sinh

Theo FDA, thuốc ghi toa là những thuốc sử dụng an toàn và hiệu quả khi có sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ, còn gọi là thuốc ETC. Còn thuốc không cần ghi toa hay OTC (Over-the-counter) là những thuốc có thể sử dụng an toàn và hiệu quả mà không cần chỉ dẫn và sự theo dõi của bác sĩ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Sử dụng kháng sinh bừa bãi chính là nguyên nhân làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Mỗi khi dùng thuốc, vi khuẩn nhạy sẽ bị tiêu diệt, còn những vi trùng không bị tiêu diệt lại kháng thuốc, phát triển và nhân rộng. Nếu cứ sử dụng thuốc theo kiểu lặp đi lặp lại và không đúng chủng loại, lạm dụng hay thiếu khoa học sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc.

Các chương trình hành động "chống kháng thuốc", một trong những hành động sửa "lỗi" do hệ thống bán lẻ OTC "ra toa" kháng sinh bừa bãi.

Rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam nhưng một nguyên nhân không nhỏ chính từ việc các nhà thuốc bán thuốc không kê đơn trong đó có thuốc kháng sinh bán vô tội vạ. Người dân có thể ra bất kì nhà thuốc nào cũng đều mua được cho nhu cầu tự trị bệnh theo kiểu: sốt, cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu, bị thương nhẹ… đều được kê toa miễn phí, trong đó, kháng sinh là một thành phần không thể thiếu.

Thống kê từ ngành Y tế cho thấy, số nhà thuốc tư nhân đang ngày càng chiếm "áp đảo". Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 3.000 nhà thuốc tư nhân và Hà Nội hơn 1.000 nhà thuốc tư nhân. Tại các tỉnh lẻ, vùng nông thôn ít hơn nhưng mạng lưới nhà thuốc cũng rộng khắp. Chủng loại và số lượng thuốc của các nhà thuốc tư nhân ở vùng đô thị, trung tâm thành phố lớn cũng hơn hẳn các vùng nông thôn, tỉnh lẻ. Thậm chí, để khách nhớ, nhà thuốc còn có cả một số loại thuốc đặc trị, ngoại nhập thuộc dạng hàng hiếm.

Không chỉ nguy cơ kháng kháng sinh, thị trường bán lẻ khó kiểm soát cũng là nơi để thuốc giả, thuốc nhập lậu có đất sống. Với trình độ làm thuốc giả hiện nay thì khả năng các nhà thuốc phát hiện ra là điều hãn hữu, đó là chưa kể thuốc tẩy date, thuốc nhập lậu. Vấn đề sức khoẻ, sinh mạng con người là trên hết, đời sống người dân đang được nâng cao, nhất là nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ đặc thù này ngày càng được cung cấp nhiều thông tin cần thiết.

Chính từ những nguyên nhân đó nhà thuốc bán lẻ đang đứng trước nguy cơ bị thị trường chuyên nghiệp loại bỏ dần dần. Và thay thế nó sẽ là các chuỗi nhà thuốc với tiêu chuẩn phục vụ an toàn cao hơn.

Gần đây, cái tin ông chủ của “Thế giới di động” đang tiến hành các bước đi để hiện thực hoá một chuỗi cửa hàng bán dược phẩm làm rúng động thị trường OTC. Trước đó cũng đã có nhiều doanh nghiệp tiến hành thực hiện chuỗi nhà thuốc như Phano (năm 2007) đến nay có khoảng 60 nhà thuốc, Pharmacity (39 nhà thuốc), Sapharo (18 nhà thuốc), Phúc An Khang (18 nhà thuốc).

Riêng Mỹ Châu duy trì 8 nhà thuốc, Eco đạt 11 nhà thuốc... và Vistar cũng đã kịp ra mắt 20 nhà thuốc. Song, một khi “Thế giới di động” thực sự "quan tâm đến nhà thuốc" thì sẽ rất khác! Bởi ai cũng biết với tiềm năng tài chính, năng lực quản lý và kinh nghiệm rất đáng nể trong mô hình chuỗi luôn quan tâm, chăm sóc khách hàng của "Thế giới di động".

Pharmacity với tham vọng 500 nhà thuốc vào năm 2020, Mỹ Châu mới nhận khoản đầu tư từ Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) và mục tiêu 80 nhà thuốc trên toàn quốc trong 3 năm tới đang nhắm tới... hứa hẹn sự xuất hiện của các chuỗi nhà thuốc với phương thức kinh doanh chuyên nghiệp sẽ thay thế cho hệ thống bán lẻ OTC manh mún là điều đương nhiên và phù hợp với quy luật.

Để từ đây, dần xoá bỏ thói quen dùng thuốc kháng sinh quá thoải mái của người dân Việt Nam. Và có thể nói, các nhà thuốc bán lẻ cần phải nhanh chóng thay đổi cho phù hợp xu thế trong "cơn sóng" sắp tới.

Huyền Nga
.
.
.