Bác sỹ 76 lần hiến máu và tiểu cầu

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:57
Tròn 34 tuổi đời, bác sĩ Hoàng Chí Cương, Phó trưởng Khoa Miễn dịch, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Viện Huyết học và truyền máu Trung ương (VHH&TMTƯ) đã 76 lần hiến máu và hiến tiểu cầu – một con số khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên. Từ năm 22 tuổi đến nay, bác sĩ Cương đã hiến máu liên tục, trung bình một năm anh có từ 8 đến 11 lần hiến tiểu cầu. Điều phi thường này không phải ai cũng làm được. Anh là bác sĩ hiến máu và tiểu cầu nhiều nhất ở VHH&TMTƯ.


Một tháng hiến tiểu cầu một lần

Nhiều năm nay, đều đặn một hoặc hai tháng, bác sĩ (BS) Hoàng Chí Cương lại đến Trung tâm truyền máu của VHH&TMTƯ để hiến tiểu cầu một lần. Nụ cười giản dị, gương mặt hiền từ, vừa thấy tôi anh dừng công việc đang làm để dành thời gian trò chuyện. “Hôm mùng 8-3 tôi vừa hiến xong, trước đó là hiến vào ngày mùng 1 Tết” – anh Cương vui vẻ cho biết.

Công việc của một BS tương đối bận rộn vì khối lượng bệnh nhân lớn, nhưng cứ khi nào rảnh, đủ thời gian là anh lại đi hiến tiểu cầu. “Do công tác tại VHH&TMTƯ nên việc đi hiến máu với tôi cũng dễ dàng và thuận lợi hơn”, anh Cương cho biết.

Lý do nào mà một BS tuổi đời còn trẻ lại có con số hiến máu kỷ lục như thế? Giải thích sự tò mò của tôi, BS Hoàng Chí Cương điềm đạm nói: “Vì tôi nhận thức được hiến máu đem lại những gì cho công đồng. Là BS trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày sống được là nhờ máu, tôi tự vận động bản thân mình khi nào có điều kiện và có thời gian là sắp xếp đi hiến máu”.

Bác sĩ Hoàng Chí Cương và đồng nghiệp đang thực hiện xét nghiệm lâm sàng mẫu bệnh phẩm.

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội với tấm bằng BS đa khoa, cơ duyên đưa anh Cương trở thành bác sĩ của VHH&TMTƯ. Ngày còn là sinh viên, anh đã hai lần hiến máu cho một người bạn bị mắc bệnh về máu. Hiểu được người bạn đó phải vật lộn giành giật sự sống, anh càng trân trọng hơn ý nghĩa của việc hiến máu cứu người. Chính vì thế mà ngay sau khi ra trường, trở thành bác sĩ của Khoa Hiến máu và các thành phần máu, anh đã bền bỉ nuôi dưỡng cho mình một ước nguyện là hiến máu.

Sau lần hiến máu thứ 3, qua xét nghiệm bác sĩ cho biết tiểu cầu của anh rất cao và tư vấn anh nên hiến tiểu cầu. Anh Cương có nhóm máu AB, trên thế giới khuyến cáo người mang nhóm máu AB nên hiến huyết tương và tiểu cầu.

Nếu hiến huyết tương thì 1 tuần hiến 1 lần, còn tiểu cầu thì sau 21 ngày. Ở Việt Nam cho đến nay chưa áp dụng hiến huyết tương. Vào thời điểm năm 2009 khi anh được phát hiện là người có tiểu cầu cao thì lượng người đến hiến tiểu cầu ở nước ta vô cùng ít. Chính vì thế mà tiểu cầu tiếp nhận được từ người hiến là vô cùng quý giá cho công tác điều trị và cấp cứu người bệnh. Biết được điều này, anh Cương đã không ngần ngại mà đăng ký đi hiến ngay.

Cũng kể từ lần đó, anh đăng ký tên mình vào danh sách “Ngân hàng máu sống” của VHH&TMTƯ để hễ khi nào tiểu cầu trong kho cạn kiệt, bác sĩ chỉ cần nhấc điện thoại là anh lập tức có mặt. Thời gian đó máy móc để lấy tiểu cầu đều cũ, chất chống đông vào người nhiều nên mỗi lần hiến xong cơ thể anh đều rất mệt mỏi.

Từ năm 2009 đến nay anh đều đặn duy trì một tháng hiến tiểu cầu một lần, có đợt thì 40 ngày hoặc hai tháng hiến một lần.

“Tiểu cầu chỉ bảo quản được 5 ngày, nếu trung tâm truyền máu dịp đó thu đủ rồi thì không lấy thêm nữa vì thừa sẽ phải hủy. Lúc nào trung tâm hết tiểu cầu dự trữ thì lại gọi mình” – anh Cương giải thích. Hiện nay, việc hiến tiểu cầu được thực hiện bằng máy tách tự động – thiết bị hiện đại nhất nên người hiến không còn mệt mỏi như trước.

Việc làm nhân văn cao cả

Trước khi là Phó trưởng Khoa Miễn dịch, anh Cương là đã có 3 năm là bác sĩ tại Khoa điều trị Ung thư máu, trực tiếp chữa trị cho nhiều bệnh nhân bị bệnh máu nan y nên đồng cảm sâu sắc với những bệnh nhân phải truyền máu. Có những bệnh nhân phải truyền máu suốt đời như bệnh máu khó đông, bệnh tan máu bẩm sinh, suy tủy xương.

Chính vì vậy mà vào thời điểm khan hiếm máu nhất trong năm, anh là một trong nhiều BS của VHH&TMTƯ luôn có mặt để hiến máu và hiến tiểu cầu. Nhiều năm nay, cứ vào dịp Tết anh lại hiến tiểu cầu. Cái Tết năm 2014 thật đáng nhớ.

Ngày 30 Tết trong ca trực anh đã tình nguyện hiến tiểu cầu. Vừa tan giờ trực thì nhận được điện thoại ở nhà báo tin, vợ anh chuyển dạ đang chờ sinh. Phóng như bay vào bệnh viện túc trực suốt đêm giao thừa sang đến mùng 1 Tết thì vợ anh sinh.

Tròn một ngày một đêm không ngủ, cơ thể lại vừa hiến tiểu cầu xong, nhưng mọi mệt mỏi lại xua tan khi vợ chồng anh đón nhận thành viên mới. Kể về gia đình, trong ánh mắt của anh dâng lên niềm hạnh phúc ngọt ngào. Bởi vợ anh không chỉ là một bác sĩ mà còn là một tình nguyện viên hiến máu rất tích cực. Đến nay chị đã 15 lần hiến máu tình nguyện.

Hàng ngày, công việc của BS Cương ở Khoa Miễn dịch là cùng anh em phân tích và nhận địch các kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân bị bệnh máu ác tính, lành tính. Công việc này đòi hỏi BS phải có kiến thức chuyên sâu về bệnh để có các lập luận chính xác, hỗ trợ cho các BS lâm sàng trong điều trị.

Ngoài thời gian làm công tác chuyên môn, BS Hoàng Chí Cương còn đảm nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn Thanh niên của Viện, anh thường xuyên tham gia cùng các đoàn viên thực hiện chương trình thanh niên tình nguyện cùng người bệnh như: khám và phát thuốc cho đồng bào dân tộc Chứt tại Hà Tĩnh; cho bệnh nhân tại Trại giam Thanh Xuân và các chiến sĩ Đồn Biên phòng 575 Hương Sơn, Hà Tĩnh…

Với những đóng góp của anh cho xã hội, Bác sĩ Hoàng Chí Cương đã được Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung ương Đoàn… tặng nhiều bằng khen. Anh là một tấm gương tiêu biểu được tôn vinh “Người hiến máu tiêu biểu toàn quốc”.

Trần Hằng
.
.
.