80% lượng amiang nguyên nhân gây ung thư có trong tấm lợp Fibro-ximăng

Thứ Bảy, 01/07/2017, 08:51
Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm Tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ , bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi (Học viện Dân tộc) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông tin một số kết quả của Hội nghị Công ước Rotterdam lần thứ 8 (COP8) và lộ trình ngừng sử dụng amiang trắng ở Việt Nam vào năm 2020”.

Tham dự hội thảo có TS. Phạm Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã trình bày về dự thảo kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiang; tác hại của amiang đối với sức khỏe con người; các giải pháp thay thế tấm lợp amiang bằng vật liệu khác an toàn hơn… Amiang trắng (tiếng Anh là chrysotile) là một loại sợi khoáng vô cơ có cấu tinh thể dạng sợi dài, mảnh và xốp.

Tên amiang trắng được dùng để phân biệt với amiang xanh, nâu, vốn là loại amiang cực kỳ độc hại và đã bị cấm sử dụng từ lâu. Đây là nguyên nhân gây ra 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô ở người. Ngoài ra, những người tiếp xúc với amiang có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến bệnh bụi phổi amiang, ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng.

Tại Việt Nam, gần 80% lượng amiang nhập khẩu được sử dụng để sản xuất tấm lợp Fibro-ximăng (hay còn gọi là tấm lợp A-C). Bên cạnh đó, amiang có mặt ở một số vật liệu/sản phẩm khác như: Cách nhiệt, cách điện, chống cháy, má phanh, tấm trần cách nhiệt, các sản phẩm của hệ thống bảo ôn. Hiện nay, còn nhiều mái nhà đặc biệt là ở các vùng dân tộc miền núi, nông thôn sử dụng tấm lợp Fibro-ximăng có sử dụng vật liệu amiang. Nhiều người đang chung sống với amiang mà không hề hay biết tác hại nghiêm trọng của nó đối với sức khỏe con người.

Trước thực trạng này, Ủy ban Dân tộc đã và đang phối hợp cùng với các tổ chức khoa học trong nước, quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khoa học công nghệ tổ chức các hội thảo, công trình nghiên cứu sâu về vấn đề tác hại của amiang và những đề xuất hạn chế sử dụng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn amiang.

M.Hiền
.
.
.