60 bệnh nhân nặng điều trị ở Trung tâm Hồi sức lớn nhất miền Bắc

Thứ Năm, 17/06/2021, 08:01
BSCKII Nguyễn Thành Huy, Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Huế chi viện Bắc Giang cho biết, 60 bệnh nhân đang điều trị tại đều hầu hết là các bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các cơ sở điều trị trong tỉnh, đặc biệt là đến từ Bệnh viện Phổi... 


Sau 12 ngày đi vào hoạt động, Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) điều trị COVID-19 lớn nhất miền Bắc thiết lập tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang đã tiếp nhận 60 bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng. 

Tại đây, đã tiếp nhận ca bệnh công nhân trẻ tuổi, không có bệnh nền, diễn biến nguy kịch đang phải chạy ECMO. Các thủ thuật đặt ống nội khí quản, ECMO… có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Bảo vệ nhân viên y tế, chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bệnh nhân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. 

BSCKII Nguyễn Thành Huy, Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Huế chi viện Bắc Giang cho biết, 60 bệnh nhân đang điều trị tại đều hầu hết là các bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các cơ sở điều trị trong tỉnh, đặc biệt là đến từ Bệnh viện Phổi. Những bệnh nhân này trước đây đều được theo dõi điều trị bởi Đội phản ứng nhanh của của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng hiện tại do Đội phản ứng nhanh nhận nhiệm vụ mới nên họ đã trở về TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Phổi phải chuyển qua Trung tâm ICU. Hầu hết, các bệnh nhân đều đã nằm viện khá lâu, đã thở máy, lọc máu, có bệnh nhân đã đặt ECMO, tiên lượng rất nặng.

Các bác sĩ của đội chi viện Đà Nẵng đặt ECMO cho nữ công nhân 37 tuổi vào chiều 15/6.

Vào chiều 15/6, các bác sĩ đã tiến hành đặt ECMO cho nữ công nhân 37 tuổi, không bệnh nền. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Phổi Bắc Giang ngày 26/5 được thở oxy, nhưng diễn tiến bệnh không tốt. Đến 28/5, bệnh nhân được cho thở HFNC. Ngày 2/6, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh. Tối 14/6, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm ICU và được tiếp tục thở máy, lọc máu, sử dụng vận mạch. Tuy nhiên, tình trạng diễn biến suy tim rất nặng, phải dùng các thuốc vận mạch liều cao, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên, không đáp ứng điều trị nội khoa tối ưu. Vì thế, bệnh nhân được chỉ định tiến hành đặt ECMO.

BS Nguyễn Tấn Hùng, Phó khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng - Trưởng đoàn y tế Đà Nẵng chi viện Bắc Giang, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân - nhận định: Sau khi đặt ECMO, nữ công nhân đã ngưng được thuốc vận mạch và cải thiện chỉ số oxy hoá máu. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh vẫn còn nặng vì tổn thương cả tim và phổi.

Trước đó 3 ngày, các bác sĩ cũng đặt ECMO cho bệnh nhân 67 tuổi chuyển từ Bệnh viện Phổi sang. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng phổi tổn thương rất nặng lan toả hai bên và được ê kíp Bệnh viện Đà Nẵng và các đội bạn tiến hành đặt ECMO ngay.

Cũng theo chia sẻ của các bác sĩ, tín hiệu đáng mừng là tại trung tâm hiện có hơn 25 bệnh nhân đã được cai HFNC thành công; 8 bệnh nhân đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 1 và 2 bệnh nhân có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 2. Tuy nhiên, điều trị tại đây là các bệnh nhân nhiễm trùng nặng, do đó nguy cơ  lây nhiễm cho nhân viên y tế rất lớn khi họ thường xuyên phải thực hiện các thủ thuật dễ lây nhiễm như đặt ống nội khí quản, công việc liên quan đến thở máy, ECMO. Lúc đó khả năng bị hứng giọt bắn mang virus rất cao. Vì thế các quy trình này được đội ngũ kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát, nhắc nhở rất nghiêm ngặt, không để xảy ra sai sót.

BS Nguyễn Thành Huy chia sẻ, do trước đây cơ sở này chỉ điều trị bệnh nhân tâm thần, không điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân được chỉ định làm các thủ thuật, phải can thiệp điều trị bằng máy móc hay bệnh nhân nhiễm trùng,... nên công việc của đội ngũ y bác sĩ ở đây gần như không có liên quan đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Chính vì vậy, khi chuyển sang công năng mới là Trung tâm ICU điều trị COVID-19, nơi này phải thiết lập mới gần như hoàn toàn hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn. Mục tiêu cuối cùng là làm sao trong quá trình hoạt động bệnh nhân được điều trị tốt nhất và nhân viên y tế an toàn nhất, không để xảy ra lây nhiễm chéo.

BS Huy cũng chia sẻ thêm, một công đoạn dễ lây nhiễm nhất nữa nữa là cởi phương tiện phòng hộ khi hết ca. Do đó phải cử người giám sát, từng bước một để nhắc nhở.

Tại Trung tâm ICU, nhân lực hiện tại chủ yếu là các đoàn chi viện, trong những ngày tới phải tăng cường nhân lực tại chỗ để cùng làm quen công việc, để chuyển giao các kỹ thuật cao trong điều trị, để đội ngũ tại chỗ có thể vận hành trung tâm tốt sau khi các đoàn chi viện rút quân.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, trong những ngày tới, lực lượng y bác sĩ tại Bắc Giang sẽ được điều động đến Trung tâm ICU để nhận nhiệm vụ, cùng làm việc, sớm tiếp quản và vận hành trung tâm. Đặc biệt về kiểm soát nhiễm khuẩn, ngoài nhân lực được điều động, lãnh đạo sở y tế sẽ đầu tư thêm một số trang thiết bị cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn như giặt sấy, tiệt khuẩn… Các đoàn chi viện đều hy vọng sẽ chuyển giao hoàn tất các hệ thống đi vào vận hành trơn tru trước khi họ rút quân.

Trần Hằng
.
.
.