Những cánh én chung nhịp, cùng kiến tạo mùa xuân mới

Thứ Tư, 06/02/2019, 11:32
Trong mắt của bạn bè quốc tế, Việt Nam ngày càng trở thành điểm sáng về du lịch với những bứt phá đáng chú ý. Trong đó mục tiêu sớm đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thường được nhắc tới trong những dự án, hoạch định chính sách Quốc gia gần đây.

Tại TP Hồ Chí Minh, khối bệnh viện trung tâm nội đô đang ngày càng lớn mạnh với mỗi năm điều trị khoảng 40.000 lượt bệnh nhân từ các nước và cả kiều bào. Cùng với những thành công liên tiếp trong ứng dụng khoa học công nghệ, sự nỗ lực của các nhân tố tích cực trong ngành Y tế đã và đang “khởi tạo” nên một ngành mới: Du lịch y tế hứa hẹn đầy tiềm năng.

Hành trình "xuất khẩu y tế"

Có thể thấy một điều rất rõ, khoảng 2 năm gần đây, du lịch chữa bệnh đã được đặt ra một cách nghiêm túc hơn khi hai ngành Du lịch và Y tế đã tổ chức hội thảo với sự ra mắt cuốn Cẩm nang Du lịch Y tế TP Hồ Chí Minh xuất bản 10.000 cuốn dưới dạng song ngữ Anh-Việt, nhằm giới thiệu những thông tin cơ bản về hệ thống du lịch y tế đến với du khách trong và ngoài nước khi có nhu cầu trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại TP Hồ Chí Minh.

Trong công cuộc "khai ngành" mới này, BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đã rất tích cực khi triển khai xây dựng nên BV Chợ Rẫy Phnôm Pênh (CRPP) từ tháng 5-2010. Công trình hợp tác thắm tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia này hoạt động từ ngày 13-1-2014.

Ban đầu, CRPP chỉ thuần tuý vừa làm nhiệm vụ khoa học, vừa đảm bảo công tác chính trị, chứ ít ai nghĩ tới một nhiệm vụ cao siêu hơn có tên gọi "xuất khẩu Y tế". Song cũng từ đây người dân Campuchia biết nhiều hơn đến tay nghề của bác sĩ Việt Nam.

Để rồi từ những nhóm du khách Campuchia tới Việt Nam theo kiểu tự phát ban đầu, đến nay đã xuất hiện thường xuyên hơn việc tổ chức kết hợp tham quan với chữa bệnh. Họ đến TP Hồ Chí Minh tham quan du lịch, đồng thời vào các BV lớn như Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, BV Đa khoa Xuyên Á (BVXA) để khám chữa bệnh.

5 năm qua, tại BV CRPP luôn có các bác sĩ Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh ở tất cả các chuyên khoa túc trực chăm lo sức khỏe cho người dân Campuchia.

TS.BS Trần Thanh Tùng, Tổng Giám đốc BV CRPP kể: "Một lãnh đạo Công an TP Phnôm Pênh bước chân vào BV CRPP cách đây không lâu nói với tôi, bị bệnh mà vào BV CRPP là tôi yên tâm, dù ở trong khu vực này có không ít BV quốc tế".

Hiện, tại BV CRPP luôn có chuyên gia, bác sĩ Việt Nam thuộc tất cả các chuyên khoa túc trực 24/24h. Tùy vào tình hình thực tế, các khoa của BV Chợ Rẫy sẽ cử người sang làm việc từ 2 tuần đến 1 tháng. Đối với những ca bệnh phức tạp như đa chấn thương, chấn thương sọ não cần sự giúp sức của nhiều chuyên gia, khi ấy, các bác sĩ Chợ Rẫy từ quê nhà lại sẵn sàng nhận lệnh lên đường sang giúp người bệnh.

Sau 5 năm hợp tác, BV CRPP đã phát triển 21 khoa/phòng, với 314 nhân sự. Có 60 bác sĩ, 12 dược sĩ, 104 điều dưỡng, 28 kỹ thuật viên và 3 nữ hộ sinh đều được các BS Chợ Rẫy, BS BV Hùng Vương, BV Từ Dũ trực tiếp sang "cầm tay chỉ việc". Mỗi tuần vẫn đều đặn có từ 14-15 lượt các chuyên gia từ các BV trên sang trực tiếp làm việc tại CRPP.

Để giữ được chữ tín với người bệnh Campuchia, ngoài việc đến làm việc và chuyển giao kỹ thuật trực tiếp cho đội ngũ y, bác sĩ Campuchia, Ban lãnh đạo BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh còn phân công cắt cử chuyên gia đột xuất chạy sang, xử trí tại chỗ các bệnh lý khó, phức tạp.

Theo TS.BS Trần Thanh Tùng, người bệnh Campuchia đặc biệt tin tưởng vào tay nghề của những bác sĩ Việt Nam. Theo phân loại y tế của WHO,  Campuchia đứng số 174 trên thế giới.

Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ là điều thiết thực nên trước đây, nếu người giàu Campuchia thường tìm cách sang các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan để được chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thì hiện nay, CRPP là cơ sở đầu tiên được họ chọn để chữa trị bệnh. Riêng 2 năm vừa qua, BV CRPP đã có nhiều lần gửi đội ngũ về đào tạo bác sĩ nội trú tại BV Chợ Rẫy và BVXA. Nơi đây thành nơi học tập thực hành của hàng trăm sinh viên ĐH Y Phnôm Pênh.

Những "cánh én" không còn đơn lẻ

Không chỉ có du khách là anh em người láng giềng Campuchia và  Lào, theo Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, gần đây, 2 lĩnh vực Du lịch và Y tế đang ngày càng tiệm cận với sự xuất hiện nhiều du khách đến từ châu Âu, Mỹ, Australia,... Họ tới Việt Nam với mục tiêu vừa du lịch, vừa đi nghỉ dưỡng bệnh với thời gian nhanh hơn, chi phí lại rẻ hơn.

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.324 doanh nghiệp lữ hành, 2.281 khách sạn từ 1-5 sao với 55.346 phòng; 175 tài nguyên du lịch đã được kiểm định có thể phục vụ du khách; hơn 200 điểm vui chơi, giải trí; 66 cơ sở mua sắm đạt chuẩn, 132 dịch vụ ăn uống đạt chuẩn trong du lịch và 2.649 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. 

Song song đó, ngành Y tế thành phố có hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu rộng khắp với 114 BV công lập và tư nhân, 319 trạm y tế, 196 phòng khám đa khoa, gần 6.000 phòng khám chuyên khoa tư nhân.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dịch vụ đầu tiên mà Du lịch -Y tế hướng tới, đó là các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, trong đó sẽ ưu tiên ngành chăm sóc răng miệng thẩm mỹ. Được biết, hiện, chi phí làm răng ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. 

Một người nước ngoài kết hợp cả đi du lịch và điều trị răng miệng tại Việt Nam cũng chỉ tốn một khoản tiền tương tương chi phí làm răng tại các nước khác.

Nếu trồng răng giả Implant ở nước ngoài có giá thấp nhất là 2.000 đô la Mỹ thì tại Việt Nam giá chỉ từ 800 đô la. Trám lấy tủy răng ở nước ngoài tốn khoảng 2.000 đô la thì ở Việt Nam chỉ từ 50 đô la. 

Ngoài ra, ngành Du lịch y tế thành phố cũng sẽ theo hướng giới thiệu cho khách về dịch vụ điều trị trong y học cổ truyền, khám sức khỏe tổng quát, tầm soát bệnh lý chuyên sâu, điều trị hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo.

Về phía các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn nhiều BV cũng đã xây dựng được những khu khám chữa bệnh “dịch vụ” với khả năng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe hơn của bệnh nhân. Đặc biệt là tại các BV lớn như Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, hay các BV tư đang rất phát triển như BVXA, đều có khu riêng biệt đón tiếp bệnh nhân nước ngoài đến từ những nước phát triển như: Vương quốc Anh, Pháp, Úc, Malaysia....

Tại BV An Sinh, năm 2018 ghi dấu ấn với việc thực hiện thành công ca thụ tinh ống nghiệm với sự ra đời của cặp song sinh mà cha mẹ là người Anh. Một trường hợp khác là cả 3 anh em trong một gia đình cha là người Mỹ, mẹ người gốc Việt, đều được BV này hỗ trợ sinh sản.

Trong hệ thống BV tư, BVXA là đơn vị cũng đang có chiến lược cụ thể hướng đến nhanh nhất với ngành Du lịch - Chữa bệnh. TS.BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc BVXA cho biết, các cơ sở y tế sẽ "hút" bệnh nhân thực sự khi an toàn về cơ sở vật chất, uy tín về chất lượng. 

Trong hướng phát triển cho Du lịch-Y tế, mũi nhọn của BVXA là đang tập trung vào dịch vụ "tầm soát bệnh". BVXA cũng có dự kiến xây riêng một khu tiêu chuẩn 5 sao gồm 1.000 giường bệnh để phục vụ bệnh nhân người nước ngoài.  

Thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 80.000 bệnh nhân nước ngoài, thu ngoại tệ khoảng 1 tỉ USD/năm. Trong khi đó, mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 người Việt Nam vẫn phải ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí khoảng 2 tỉ USD. 

Chắc chắn cùng với việc hút nguồn khách từ du lịch thì ngành Y cũng còn phải lưu tâm đến việc “giữ chân” lượng bệnh nhân này ở trong nước để nhanh chóng cân bằng cán cân “thâm hụt”.

Khẳng định về điều này, TS-BS Nguyễn Văn Châu, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta đang có cơ hội rất lớn, nhưng rõ ràng nếu chỉ những "cánh én đơn lẻ" sẽ không làm nên mùa xuân. Rất cần sự phối hợp của cả nhóm bệnh viện công - tư, mà ngành Du lịch phải chủ động đứng ra làm đầu mối... để những cánh én hợp sức được cùng nhau cất cánh gọi mùa xuân về, "khai mở" cho một ngành đầy tiềm năng".

Huyền Nga
.
.
.