Nhật Bản, những cảm nhận lần đầu khi tôi đến

Thứ Tư, 20/06/2018, 11:06
Được tác nghiệp, đặt chân đến Trường Sa - vùng lãnh hải chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm mơ ước, mong mỏi của nhiều nhà báoCuối tháng năm, thời tiết ở Tokyo thật dễ chịu , nắng nhẹ, không khí mát mẻ,  có chút se lạnh trong gió, giống như cuối thu Hà Nội. Có lẽ vì vậy mà không ai trong chúng tôi cảm thấy mệt dù vừa bay chặn đường dài gần 5 giờ.

Trên ôtô từ sân bay quốc tế Haneda -Tokyo về khách sạn, lướt qua tầm mắt chúng tôi , những con đường một chiều nhỏ, chỉ 2, 3 làn xe nhưng sạch sẽ, trật tự, hiện đại. Anh bạn đồng nghiệp ngồi cạnh tôi phát hiện, trên đường không hề có thùng rác,  vậy mà đường lớn, đường nhỏ gì cũng sạch bong. 

Thắc mắc ấy mấy ngày sau tôi mới lý giải được, người Nhật có thói quen không vứt rác ra đường, họ tự  mang rác về vứt vào thùng rác ở nhà mình…  

Đoàn phóng viên tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang  trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản.

Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến Thủ đô Tokyo, trong chuyến đi tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 29-5 đến 2-6- 2018.

Khi máy bay vừa dừng, theo thông báo, cánh nhà báo được ưu tiên xuống trước. Vậy là người máy quay phim, người máy ảnh, thậm chí cả anh vác chân máy cùng chạy để chọn vị trí thích hợp cho những bức ảnh trang trọng đầu tiên. Thế nhưng không hề dễ dàng chút nào, vì vị trí đẹp đã có các nhà báo chủ nhà và các phóng viên chuyên nghiệp đặc quyền trấn giữ, cùng với hàng rào an ninh trật tự che kín, số đông nhà báo đành chấp nhận “vớt “ vài kiểu ảnh an ủi bên ngoài. Dù vậy không ai phàn nàn gì, vì chúng tôi hiểu đó là nguyên tắc bắt buộc của tất cả các nghi thức đón nguyên thủ quốc gia.

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân được tổ chức tại Hoàng cung. Lúc 9h20 ngày 30-5, xe chở Chủ tịch nước và phu nhân vào tới sân Hoàng cung. Nhà vua Akihito và Hoàng hậu đã đón Chủ tịch nước và phu nhân tại nơi xe đỗ cùng vào đại sảnh của cửa Nam Hoàng cung. Ở đó đã có các thành viên Hoàng gia, Hoàng thái tử, Công nương. 

Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân cũng có mặt, đón Chủ tịch nước và phu nhân. Ngoài sân Hoàng cung, lúc này các đoàn nghi lễ đã sẵn sàng thực hiện nghi thức đón Chủ tịch nước. Cánh nhà báo chúng tôi được chia thành 3 tốp vào các vị trí thuận lợi để có thể ghi nhận những hình ảnh sống động, chân thực  nhất. Lễ đón Chủ tịch nước và phu nhân diễn ra theo đúng như những gì chúng tôi được thông tin. 

Những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được, đó là sự trân trọng, quý mến, sự gần gũi  và bình dị. Việc Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã thể hiện sự trọng thi của hoàng gia Nhật Bản đối với Việt Nam, bởi thông thường một năm nhà vua và hoàng hậu chỉ đón một đến hai đoàn thăm cấp nhà nước.

Điều đặc biệt hơn, hai ngày cuối chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân còn hai lần tiếp kiến Nhà vua và Hoàng hậu vào dịp lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoai giai hai nước Việt Nam - Nhật Bản và lúc Nhà vua và Hoàng hậu đến chào từ biệt Chủ tịch nước, phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam kết thúc chuyến thăm trở về nước.

Trước khi kết thúc các hoạt động của chuyến thăm, chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều tiêu biểu tại Nhật Bản. Trong niềm vui, dạt dào tình cảm quê hương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu thông báo tình hình trong nước  năm qua, mặc dù có nhiều biến động nhưng quốc phòng an ninh của ta tiếp tục giữ vững. 

Đặc biệt được đánh giá là một trong những năm thành công nhất của Việt Nam khi chúng ta đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC, tích cực hội nhập quốc tế và phát huy vai trò các mối liên kết và hợp tác khu vực và quốc tế, được dư luận quốc tế, trong đó có Nhật Bản đánh giá cao.

Nói về mối quan hệ với Nhật Bản , chủ tịch nước phân tích rõ, “ Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của ta trên nhiều lĩnh vực. Việc tiếp tục tăng cường và phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản ngày càng hiệu quả, thiết thực, là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2018, hai nước Việt Nam – Nhật Bản sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Trong 45 năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Về chính trị, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp ngày càng sôi động;  tin cậy chính trị ngày càng được tăng cường; hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, giáo dục, du lịch… ngày càng đi vào chiều sâu; hợp tác an ninh, quốc phòng không ngừng được mở rộng”.

Có thể thấy tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản còn rất lớn, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, lao động hợp tác địa phương, bởi hai nước có sự tin cậy lẫn nhau, có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau. Sự phát triển của nước này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nước kia. Chuyến thăm đã thành công rực rỡ. Hoàng gia Nhật Bản đã dành cho đoàn tình cảm và mức đón tiếp cao nhất. 

Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của lãnh đạo nước ngoài đến Nhật Bản trong năm nay. Lãnh đạo Nhật Bản đã khẳng định coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản và bày tỏ mong muốn thúc đẩy làm sâu sắc,  hiệu quả hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản và coi sự phát triển bền vững của Việt Nam là lợi ích của Nhật Bản …” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Những thông tin của Chủ tịch nước tạo thêm niềm tin cho cộng đồng người Việt về đường lối đối ngoại kiên trì, rộng mở của Đảng và nhà nước ta. Đó như là chỗ dựa tinh thần mà mọi người Việt Nam xa Tổ quốc đều mong muốn.

 Kết thúc buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nhắn nhủ “Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tuân thủ nghiêm túc luật pháp sở tại, không để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước con người Việt Nam trong mắt bạn bè Nhật Bản”. Những cái bắt tay, những ánh mắt rạng niềm vui. Mọi người sóng đôi , trật tự men theo lề trái ra đường. Tôi chợt nhớ người Nhật lưu thông bên trái, nên đi bộ trên đường cũng có thói quen này.

Một góc Tokyo.

Trật tự là cái dễ thấy nhất ở người Nhật Bản. Trên đường đi, chúng tôi cũng đã bàn luận nhiều về trật tự xếp hàng của người Nhật. Và tôi đã thấy người Nhật xếp hàng, nó bình thường như là thói quen. 12h đêm ở cửa hàng bách hoá, họ vẫn điềm tĩnh chờ đến lượt vào quầy thanh toán. 

Tôi chưa nhìn thấy sự cau có, khó chịu ở họ vì phải chờ đợi. Còn nhớ cách đây mấy năm, khi Nhật Bản gặp thảm họa sóng thần, hàng triệu người chết, đói, rét. Khi đoàn cứu trợ phát thực phẩm, đoàn người vẫn lẵng lặng xếp hàng chờ đến lượt, trong đó có cậu bé 9 tuổi mặc phong phanh chiếc áo thun. 

Cậu bé vẫn xếp hàng theo thứ tự, không hề có ý muốn lên trước, cho dù mọi người sẵn lòng nhường. Hình ảnh cậu bé ấy trở thành biểu tượng đáng tự hào về sự nhẫn nại, kiên trì của người Nhật Bản. Trật tự, kiên trì, điềm tĩnh là những tính tốt tôi gặp nhiều trên đường phố và nơi công cộng khác của Tokyo. Nó tạo nên một văn hoá ứng xử làm đẹp cho cộng đồng.

Buổi tối, sau khi hoàn tất thông tin, bài ảnh về toà soạn đã 21-22h. Lúc này mới thấy đói. Lễ tân khách sạn chỉ đường ra phố cổ, đi bộ. Mới biết khu vực này hoạt động thâu đêm, vẫn đông người đi lại, hàng quán vẫn có người bước ra chào mời khách. Hầu hết đó là những quán ăn nhỏ hoặc vừa và phải chọn thức ăn bằng máy, trả tiền trước. 6 anh em nhà báo đang đứng trước máy bán hàng chưa biết nên chọn món gì. Chợt anh nhân viên bán hàng bước ra “mấy anh chọn món nào em làm cho”. 

Cả nhóm giật mình. Hỏi ra mới  biết là sinh viên đi làm thêm. Em cho biết tên Lê Thành Công, quê Thanh Hoá, sang Nhật được 4 năm. Em tranh thủ làm kiếm thêm trả tiền thuê nhà. Công cho biết, ở khu vực này có nhiều bạn trẻ người Việt đi làm thêm giống như Công. Hôm sau chúng tôi lại đến một hàng bán mì khác và gặp một em gái. Nghe chúng tôi nói tiếng Việt em bước ra chào. Cũng như Công, em làm thêm để học  và chờ xin chỗ làm khác. Các em có vẻ thoải mái và tự tin với công việc mình đang làm…

Đêm cuối cùng trước khi rời Tokyo trở về nước , chúng tôi lại rủ nhau ra phố cổ. Một, hai giờ sáng, cửa hàng vẫn bán bên những lề đường nhỏ sạch sẽ, trật tự. Chợt mơ đến một ngày, con đường nhỏ trước nhà mình cũng sạch sẽ, trật tự, không cần thùng rác.

Kim Thẩm
.
.
.