Thi công phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam: Chấp nhận lỗ vẫn không có nguồn vật liệu

Thứ Hai, 14/06/2021, 08:23
Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã được khởi công vào cuối tháng 9/2020. Dự án có chiều dài 99km, đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 51,3km. Tuy nhiên dự án đang chậm tiến độ do thiếu nguồn nguyên liệu đắp nền đường.


Để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ngành, các địa phương và Ban Quản lý dự án Thăng Long để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với nhu cầu vật liệu, nhất là nguồn đất đắp phục vụ việc san lấp, thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Tình trạng khan hiếm vật liệu có thể khiến việc thi công cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ.

Theo chủ đầu tư, thời gian qua, các nhà thầu cũng đã chủ động khảo sát, tìm kiếm nguồn đất đắp tại một số vị trí dọc tuyến, chủ yếu vận chuyển bằng đường nội bộ trong tuyến nhưng nguồn đất đắp này cơ bản thuộc quyền sử dụng của các hộ dân.

Trong khi đó, do phần lớn các mỏ đất đắp trên địa bàn Đồng Nai chưa được cấp phép nên nguồn đất đắp phục vụ dự án đang thiếu rất trầm trọng. Điều này gây khó khăn cho các nhà thầu khiến tuyến cao tốc có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ dự án.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho hay, về nhu cầu sử dụng các loại vật liệu, đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án cần khoảng 2,9 triệu m3 đất nguyên thổ; cát các loại cần khoảng 0,25 triệu m3; đá, cấp phối các loại cần khoảng 2,04 triệu m3.

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng số 10 mỏ đất đắp (3 mỏ có phép, 7 mỏ chưa có phép) với trữ lượng khoảng 9 triệu m3; cát các loại có 3 mỏ có phép với trữ lượng 3,86 triệu m3; đá các loại có 6 mỏ (5 mỏ có phép) với trữ lượng hơn 40,6 triệu m3. Do đó, đại diện chủ đầu tư dự án kiến nghị Đồng Nai hướng dẫn các nhà thầu thực hiện các thủ tục cấp phép đối với các mỏ đất theo hướng rút ngắn thời gian để đáp ứng nhu cầu dự án.

Tương tự, theo dự tính toàn bộ dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9 triệu khối đất để đắp nền, đến nay qua quá trình làm việc với các chủ mỏ đã được cấp phép, trữ lượng khai thác được khoảng 3 triệu khối. Như vậy còn thiếu khoảng 6 triệu khối đất đắp cho các gói thầu trên tuyến.

Trong khi đó thời tiết miền Nam đang bước vào mùa mưa, tại những vị trí đã đào nền đường, nước đọng lại thành từng vệt sâu. Ban QLDA 7 phải ra văn bản khuyến cáo các nhà thầu phải có các biện pháp an toàn, biển báo để cảnh báo tại các vị trí đào nền đường, đảm bảo an toàn điện, cháy nổ… Các nhà thầu đã phải dùng bơm để hút nước ra khỏi công trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân gần vùng dự án.

Theo ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó giám đốc Ban QLDA 7 (đơn vị thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo), khó khăn nhất của dự án hiện nay vẫn là nguồn vật liệu đất đắp. Các nhà thầu đã đào bóc hữu cơ sâu xuống từ 30cm - 50cm so với mặt bằng trước đây. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có đất để đắp nền mặc dù chấp nhận lỗ nhưng vẫn không tìm ra nguồn vật liệu đất để mua.

Trước đó, để giải quyết việc khan hiếm vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ GTVT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác đất san lấp cung cấp cho dự án.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 81 Luật Khoáng sản, quyết định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang triển khai xây dựng.

Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác đối với khoáng sản, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được phép tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia.

Đặng Nhật
.
.
.