Băng qua bóng tối

Thứ Ba, 23/11/2004, 17:42
Trong số 20 nhân vật được Tạp chí Time chọn vào danh sách “Anh hùng châu Á năm 2004” có một người Việt Nam duy nhất. Hiếm ai có thể ngờ rằng, cô gái trong tà áo dài lên nhận danh hiệu lại là một người nhiễm HIV/AIDS… Đó là chị Phạm Thị Huệ, một thợ may hiện sống cùng chồng và con trai tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Tp. Hải Phòng.

Với Tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng và Trung tâm do bà làm giám đốc, Phạm Thị Huệ dường như là một cộng tác viên thân thuộc trong các hoạt động về tuyên truyền, giáo dục phòng chống HIV/AIDS. Sau khi hay tin cô được bình chọn là “Anh hùng châu Á 2004”, TS Hồng đã nói đại ý rằng, phải có nghị lực lắm thì một phụ  nữ có HIV như Huệ mới có thể vượt qua sự mặc cảm để công khai về việc bản thân nhiễm HIV/AIDS và tích cực tham gia vào các hoạt động giúp đỡ các bệnh nhân AIDS khác.

Tôi là một trong số không nhiều nhà báo đã từng tiếp xúc với cô trước khi cô trở thành “Anh hùng châu Á”. Khi đó, Huệ còn chưa nổi tiếng như bây giờ và sự kỳ thị đối với những người có HIV trong đó có cô còn rất nặng nề. Tôi đã đọc được ở người đàn bà bé nhỏ này một nghị lực phi thường, một niềm vui sống kỳ lạ và một tình yêu hiếm có đối với người chồng vốn là một người nghiện ma túy. Ngay từ khi đó, cô đã dám xuất hiện trong các buổi tuyên truyền trước đám đông, dám xuất hiện trên truyền hình và công khai nói rằng: “Vâng, tôi là một người có HIV”…

Tạp chí Time số ra ngày 11/10/2004 đã viết về Phạm Thị Huệ: “…Thay vì xấu hổ và sống thầm lặng như nhiều người Việt Nam có AIDS khác, chị Huệ đã xuất hiện nhiều trên truyền hình và trong các hội nghị. Chị đã trở thành một gương mặt tiêu biểu của tổ chức “Mẹ và vợ”, giúp đỡ các bệnh nhân AIDS do một tổ chức ở Na Uy và UBND phường của chị thành lập. Năm ngoái chị lại lập ra một nhóm  nhỏ hơn, lấy tên là “Hoa phượng đỏ”. Những ngươi cần tư vấn về điều trị AIDS hoặc giúp an táng người chết vì AIDS chỉ cần gọi điện thoại đến nhóm này sẽ nhận được sự giúp đỡ từ chính những người bị AIDS khác như chị Huệ".

Tôi vẫn còn nhớ rõ lần đầu tiên tôi  gặp Phạm Thị Huệ. Đó là một buổi chiều tháng 6 nắng như đổ lửa, trong ngôi nhà số 68 phố Hạ Lý, Hải Phòng, nơi mà vợ chồng Huệ và con trai đang sống cùng cha mẹ chồng. Cô ngồi trước mặt tôi, cùng chồng và con trai, chuyện trò ríu rít, như cuộc đời cô chưa có những ngày đau đớn mà cô đã phải trải qua.

Nơi Huệ sống cùng gia đình - phố Hạ Lý - hơn 60 năm về trước, đã xuất hiện trong tiểu thuyết Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng như một con phố mại dâm tối tăm, nhớp nháp và buồn bã. Con phố này nhỏ hẹp chỉ như một con ngõ dài chạy dọc theo bờ sông Hạ Lý nhưng nhiều ngách chằng chịt như mạng nhện.

Bây giờ, Hạ Lý không còn là con phố mại dâm, cũng không còn tối tăm như những dòng miêu tả buồn bã của Nguyên Hồng như ngày xưa, nhưng nơi đây vẫn được gọi là phố “Bỉ vỏ” bởi sự phức tạp  về an ninh trật tự ở nơi này. Hà Minh Thảo - chồng của Huệ - sinh ra và lớn lên ở đây, trong một gia đình công chức nền nếp. Nhưng một thoáng yếu lòng đã khiến Hà Minh Thảo rơi vào vòng xoáy của ma túy. Để cứu con, cha mẹ Thảo đã cách ly con ra khỏi phố “Bỉ vỏ” đưa Thảo sang Kiến An ở nhờ nhà của một người chú họ để cai nghiện.

Tại đây, giống như là định mệnh, Thảo gặp Huệ và đem lòng yêu cô. Huệ nhỏ nhắn, xinh đẹp nhưng vất vả từ nhỏ. Quê cô ở Tiên Lãng, một huyện ngoại thành trù phú, nổi tiếng về đặc sản thuốc lào, nhưng gia đình cô thì đông anh em và nghèo. Học hết phổ thông ở quê, Huệ đã tự tìm cho mình một việc làm trong một xưởng sản xuất giày xuất khẩu ở Kiến An. Nhà chú họ của Thảo lại ở ngay gần nhà trọ của cô nên họ gặp nhau.

Tình yêu đã giúp Thảo chiến thắng được sức cám dỗ chết người của ma túy. Anh cai nghiện thành công và tìm được việc làm đầu bếp cho một nhà hàng ở quận Kiến An. Ít lâu sau, cha mẹ Thảo làm lễ cưới cho đôi trẻ. Nhưng ông bà không muốn cho vợ chồng Thảo trở lại sống ở phố “Bỉ vỏ” cùng với họ vì ở đây còn vô số bạn nghiện của Thảo. Vì thế, ông bà đã bỏ tiền ra thuê cho vợ chồng Thảo một ngôi nhà ở Kiến An và vui mừng với sự hoàn lương của con trai cũng như hạnh phúc của vợ chồng Huệ - Thảo.--PageBreak--

Mùa hè năm 2001, Huệ sinh cháu trai đầu lòng tại Bệnh viện Kiến An trong sự vui mừng tột đỉnh của Thảo và gia đình. Nhưng niềm vui tới cùng với tai họa. Tại đây, trong khi tiến hành các xét nghiệm để chuẩn bị cho ca đẻ của Huệ, các BS đã phát hiện thấy cô HIV. Huệ kể lại với tôi mà vẫn còn xúc động: “Sau khi em sinh, anh Thảo mừng lắm, phi đến bệnh viện ngay. Cả gia đình lúc ấy vây quanh em, cứ thế mắng anh Thảo. Anh Thảo không hiểu gì, đứng ngây mặt nghe mọi người mắng trông đến tội”.

Bây giờ nghĩ lại, Huệ vẫn thấy thương chồng. Giây phút đón nhận tin dữ, Huệ như thấy đất trời sụp dưới chân mình nhưng cô cũng không hận Thảo và không có ý định bỏ anh mà đi. Thảo thì suy sụp hoàn toàn. Anh khóc ròng vì ân hận. Giá mà anh không mắc vào ma túy, không có những lần tiêm chích chung kim tiêm với đám bạn nghiện thì đâu có tấn bi kịch này. Anh đã có lần toan tính chuyện buộc đá vào chân rồi ra sông Hạ Lý mà quyên sinh…

Một lần nữa tình yêu lại làm được nhiều điều kỳ diệu khi mà Huệ vẫn yêu chồng tha thiết. Sau một thời gian được sinh hoạt trong các câu lạc bộ đồng cảm do hội phụ nữ phối hợp với công an và chính quyền địa phương tổ chức, vợ chồng Thảo - Huệ đã bước ra khỏi bóng tối của sự mặc cảm và dám công khai về chuyện mình đã nhiễm HIV/AIDS. Chính sự dũng cảm ấy mà vợ chồng cô và đứa con trai bé bỏng đã gặp phải biết bao hệ lụy đắng cay. Cháu Hà Minh Hiếu, con trai của vợ chồng cô bây giờ đã 3 tuổi, xinh xắn, khỏe mạnh và hiếu động nhưng suốt ngày chỉ quanh quẩn chơi trong nhà với bố.

Đám trẻ con hàng xóm không ai dám chơi với nó bởi sự cảnh báo của những người lớn về căn bệnh chết người mà cha mẹ nó đang có trong người. Thương con, Huệ đã bàn với chồng mang con đi xét nghiệm bởi bằng sự linh cảm của người mẹ về sự mạnh khỏe của con, cô tin là thằng bé không nhiễm bệnh. Hai mẹ con dắt nhau lên Trung tâm y tế dự phòng, lấy máu rồi về nhà thắc thỏm chờ đợi.

Mười ngày sau, Huệ tìm đến trung tâm lấy kết quả xét nghiệm mà tim đập thình thịch. Kết quả âm tính rõ ràng trong tờ giấy làm tim cô như vỡ òa bởi niềm vui. Thảo đã bế thằng bé, chạy cuồng khắp phố mà hét lên sung sướng: “Con tôi không mắc AIDS!”. Niềm vui tột đỉnh đã khiến anh như phát rồ phát dại. Rồi vợ chồng hớn hở xin cho con vào lớp mẫu giáo. Các cô giáo mầm non dang tay đón cháu nhưng thằng bé vẫn lủi thủi cô đơn bởi sự xa lánh của những đứa trẻ cùng lớp. Lần nào tới đón con, Thảo cũng thấy con ngồi ở góc lớp một mình. Thương con, Huệ lại cho con ở nhà thôi không đi lớp nữa.

Cha chồng Huệ kể, trước đây nhà ông bán bún buổi sáng, đắt hàng lắm nhưng kể từ khi đón vợ chồng Huệ về ở cùng, không ai dám đến ăn nữa. Thế là quán bún phải đóng cửa. Bà mẹ chồng Huệ vốn có nghề may quần áo nên đã truyền nghề cho Huệ và đứng ra mở một cửa hàng may nho nhỏ để làm chỗ cho vợ chồng Huệ sinh sống. Nhưng, khách đến may ít lắm, ai cũng sợ Huệ. Thậm chí có người chẳng cần ý tứ gì, nói toạc ra với mẹ chồng Huệ rằng, bà đừng để cho con bé AIDS ấy sờ vào quần áo của tôi.

Nhưng mặc kệ những lời thị phi, lạc quan và đầy nghị lực, vợ chồng Huệ liên tục xuất hiện trong các hoạt động tuyên truyền về HIV/AIDS. Huệ bảo với tôi rằng, Huệ không mong tìm thấy vật chất, tiền bạc trong những hoạt động xã hội ấy. Huệ làm tất cả chỉ với  mong muốn được giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ và góp sức đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này

.
.
.