Quốc hội thảo luận dự án Luật Quốc phòng:

“Quân đội làm kinh tế nhưng tuyệt đối không được buôn bán”

Thứ Tư, 24/11/2004, 08:10
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà, đại diện ban soạn dự thảo Luật, khẳng định nguyên tắc như vậy. Ông nói tiếp: "Tôi nghĩ nên có một điều luật về quân đội làm kinh tế. Việc quân đội làm kinh tế cũng phù hợp với bản chất của quân đội ta. Những đơn vị làm kinh tế hoàn toàn, thì theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi từng bước cho cổ phần hoá".

Tán đồng với ý kiến này, đại biểu Chu Quang Hòa (Hà Giang), nói: "Xuất phát từ hai nhiệm vụ chiến lược của lực lượng quân đội: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thời bình, lực lượng quân đội bên cạnh việc chú trọng huấn luyện cũng cần quan tâm đến sản xuất, làm kinh tế". Ông Hoà nói, bên cạnh cơ sở lý luận trên, làm kinh tế là yêu cầu khách quan bởi quân đội có điều kiện để làm kinh tế (cán bộ, chiến sỹ quân đội được đào tạo, giáo dục tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; có trình độ, tay nghề...). Thực tế nhiều đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế có hiệu quả như làm giao thông, trồng rừng…

Đại biểu Lý Văn Hạnh (Quảng Ngãi) quả quyết: "Chống thảm họa do thiên tai, dịch họa là nhiệm vụ của toàn dân, mọi người đều có trách nhiệm. Không cần thiết đưa nội dung này vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật". Tuy nhiên, nhiều ý kiến không thừa nhận quan điểm trên và cho rằng, chống thảm họa do thiên tai, dịch họa trước hết là "việc của quân đội", đương nhiên Luật phải điều chỉnh.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc phòng của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định: "Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để tiến hành các hoạt động chống phá… thì việc Nhà nước xem xét ban hành Luật Quốc phòng là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối và chính sách quốc phòng của Đảng thành luật pháp, là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trong mọi tình huống".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Văn Trà, trong ý kiến phát biểu trước Quốc hội chiều 22/11, lập luận: "Đất nước ta, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, những trận bão lụt lớn, lực lượng quân đội phải giữ vai trò chủ trì, nòng cốt trong cứu hộ, cứu nạn". Bộ trưởng nêu ví dụ việc quân đội tham gia giải quyết hậu quả các cơn bão lớn, lũ quét trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam mà gần đây nhất là trận lũ quét tại Hà Giang.

Kiểm toán hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật?

Địa vị pháp lý của cơ quan Kiểm toán Nhà nước là vấn đề lớn chưa được thống nhất và việc quyết định địa vị này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để xác định vai trò, hiệu lực cũng như các nội dung được đề cập trong dự án Luật Kiểm toán Nhà nước. Tờ trình của Chính phủ ghi: "Địa vị pháp lý hiện nay của cơ quan Kiểm toán Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất trong hệ thống kiểm soát của Nhà nước".

Hiện có hai phương án xác định địa vị pháp lý của cơ quan này: Kiểm  toán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Chính phủ hoặc Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như Viện Kiểm sát, Tòa án. Nếu theo phương án hai, Kiểm toán sẽ có vị trí rất lớn và quyền hạn hoạt động kiểm toán cũng rất rộng mà không phụ thuộc vào sự ràng buộc của cơ quan hành chính.

Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước, trong đó các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ hơn địa vị pháp lý của cơ quan này

Đăng Trường
.
.
.