Ngoại thành Tp. HCM:

Vô công rồi nghề, bài bạc tràn lan

Thứ Hai, 22/11/2004, 07:13

Từ nông dân phút chốc trở thành triệu phú. Từ triệu phú bỗng nhiên trở về diện “xoá đói giảm nghèo”. Thực trạng đáng báo động này ở ngoại thành Tp.HCM xuất phát từ chuyện vô công rỗi việc của một bộ phận nông dân rủng rỉnh tiền do đền bù giải toả hoặc bán đất.

"Tôi có 7 công đất (7.000m2) vườn, tuy không giàu nhưng gia đình cũng đủ sống và ai cũng có việc làm. Bây giờ đất đã bị giải tỏa, gia đình tôi "ẵm" hơn 1 tỷ đồng mà cả nhà thất nghiệp. Buồn quá tôi đi "chặt hẻo" (đánh bài tiến lên), còn bả thì đánh tứ sắc với mấy bà hàng xóm. Hai thằng con trai đi thụt bi da. Đứa con gái đầu lòng tập tành đi "chat". Thiệt khổ hết biết!", một nông dân ở tuổi ngũ tuần tâm sự. Bi hài kịch ấy đã không còn là chuyện cá biệt ở miệt ngoại thành.  

Một ngày của Sáu Sơn

Nhà Sáu Sơn ở ấp Ông Nhiêu, phường Long Trường, quận 9. Lúc này, trong nhà có hai phụ nữ tuổi trung niên đang say sưa nghe Sáu Sơn… bàn số đề. Bàn xong, Sáu Sơn lấy phơi để ghi số đề cho hai người kia. Vừa thao tác, Sáu Sơn cười: "Ở không chẳng làm gì, anh ghi đề cho vui. Làm "tay em" kiếm ít đồng tiền cò vậy mà. Lúc trước có 5 công đất ruộng, 1 công đất rẫy giờ bán hết rồi nên có gì làm nữa đâu".

Tổng số tiền mà Sáu Sơn bán đất được gần 700 triệu đồng thì đã dùng hết một phần ba để cất nhà, mua xe, số còn lại… sắm vàng! Kể từ khi không còn đồng ra đồng vào, sáng sớm, Sáu Sơn chuyển sang đi uống cà phê, đánh cờ tướng. Nếu ngày nào có đá bóng thì Sáu Sơn cá độ với mấy tay lối xóm có cùng hoàn cảnh với mình. Mỗi độ chừng một hai trăm nghìn, tuy số tiền không lớn, nhưng so với mức sống của người dân vùng quê thì chẳng nhỏ tí nào.

"Ngồi đồng" ở quán cà phê đến 9 giờ thì Sáu Sơn quay về nhà để khách đến ghi đề cũng như luận bàn về chiêm bao của họ tối trước đó. Vừa ngớt khách, Sáu Sơn ăn vội vài chén cơm trưa, chưa kịp uống nước đã nghe tiếng gọi của ông hàng xóm: "Qua 'chặt hẻo'  Sáu Sơn ơi!". Thoắt một cái, Sáu Sơn đã ngồi vào chiếu bạc để "giết" thời gian mà chờ kết quả xổ số.

Nếu chiều nào có người trúng số lớn, được chia hoa hồng, Sáu Sơn sẽ kéo bạn bè đi quán nhậu một trận tơi bời. Ngược lại thì ra quán đầu ngõ làm vài lít bia hơi để chờ xem bóng đá.

“Lịch công tác” hàng ngày của Sáu Sơn cứ diễn ra như vậy đến giữa tháng 11/2004. Bà con lối xóm cho biết gia đình Sáu Sơn đã "tán gia bại sản" vì bài bạc. Một ngày của Sáu Sơn cũng là một ngày của không ít người dân vùng quy hoạch.   

Nói chuyện số đề ở ấp Ông Nhiêu, có lẽ không ai không biết đến hoàn cảnh "đáng thương" của người thanh niên tên Tuấn. Kể từ khi bán đất có tiền, Tuấn lao vào bài bạc, rượu chè. Vợ Tuấn không chịu đựng nổi nên dẫn con về nhà mẹ ruột sống.

Tuấn chẳng thức tỉnh mà ngày càng lún sâu, tài sản lần lượt "đội nón" ra đi. Đến khi chỉ còn chiếc Dream Thái, Tuấn quyết định canh bạc cuối cùng là bán xe rồi đánh bao lô 18 con số đuôi theo kết quả xổ số kiến thiết, mỗi con 1 triệu đồng. Lại không trúng, Tuấn trở thành người trắng tay, phải sống nhờ nhà mẹ vợ rồi ngày ngày đi làm phụ hồ.

Làm gì để xóa "thời gian nhàn rỗi"?

Ở nội thành Tp.HCM, chuyện các con bạc túm năm tụm bảy ở lề đường, công viên, bến xe… đánh bài là hình ảnh không còn xa lạ. Người đánh là đối tượng lái xe ôm, trẻ đánh giày, anh bán vé số. Còn ở ngoại thành, đánh bài diễn ra nhiều ở quán cà phê vườn, trước thềm nhà và quanh các con đường làng.

Rảo một vòng qua nhiều con đường ở quận 12, quận Thủ Đức, quận 9, có thể thấy được cảnh đánh bài diễn ra như… họp chợ. Tại các quán cà phê như H.B, S.L, V.C, T.G… nằm trên đường Hoàng Diệu 2 (Thủ Đức), S.M, T.Tr, H.H trên đường Lã Xuân Oai (quận 9) quán nào cũng có ít nhất 3 nhóm đánh bài. Người dân địa phương cho biết, ngày nào họ cũng đánh từ sáng sớm đến tận 9, 10 giờ tối. Có lẽ chính vì vậy mà trong thời gian qua, gần như tháng nào Công an quận 9 cũng bắt quả tang nhiều vụ đánh bài, cá độ bóng đá.

Trung tá Nguyễn Minh Luân, Phó trưởng Công an quận 9, cho biết đối tượng đánh bạc hầu hết đều nằm trong diện… quy hoạch giải tỏa. Số người có nhà cửa đất đai nằm trong vùng quy hoạch mà chưa được giải tỏa đền bù thì đánh bài theo dạng "phong trào" để chờ… đền bù! Số người được đền bù xong, cất nhà mới, sắm xe, nhưng chưa biết làm gì thì cũng đi đánh bạc nhưng ở mức độ ăn thua cao hơn. Không làm mà cứ ăn thì núi vàng cũng hết nên chuyện có bạc tỷ trong tay rồi quay lại diện xóa đói giảm nghèo không có gì là lạ.

Chủ trương chung của Nhà nước là phải đảm bảo cho người dân diện quy hoạch, giải tỏa có mức sống "bằng hoặc cao hơn trước đây". Trên thực tế, khi có nhà mới, có tiền dư mà không có việc làm mới thì coi như "mức sống cao hơn" của họ chỉ là tạm thời. Để đảm bảo lâu dài, trước đây, những cán bộ làm công tác đền bù của quận Thủ Đức thường xuyên vận động người dân nên gửi tiền vào ngân hàng. Sau này có được việc làm hay chỗ đầu tư làm ăn thì rút vốn.

Ban đầu nhiều người làm theo, nhưng tỷ lệ ấy cứ giảm dần và cho đến bây giờ thì rất hiếm người gửi. Từ đó mà có người nhận tiền đền bù hàng trăm triệu đồng chỉ một năm sau đã hết sạch.

Ông  Hồ Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Thủ Đức, cho biết: "Ngoài việc chính quyền địa phương tuyên truyền vận động để người dân không sa vào tình trạng nói trên thì còn phải hướng dẫn làm ăn, tạo công ăn việc làm cho con em họ thì mới đạt hiệu quả cao được". Trách nhiệm địa phương là vậy, song, yếu tố quyết định vẫn là bản thân mỗi hộ gia đình. Nếu như người nông dân ở Thủ Đức đã dần dần bắt kịp tốc độ đô thị hóa thì người nông dân ở các vùng sâu của quận 9, 12, Hóc Môn… đang ở giai đoạn trước đây của người nông dân quận Thủ Đức. Làm sao để họ "đi tắt về nhanh" mới chính là vấn đề cần làm hiện nay

M.T.Phong
.
.
.