Về "số phận" của Truyện Kiều

Thứ Bảy, 20/11/2004, 10:25

Bức xúc trước việc nhiều người vì yêu thích Truyện Kiều mà Hứng lên, thêm bớt sửa liều/ Tưởng hay hóa phá Truyện Kiều khổ không, và sau khi đọc bài viết của PGS - TS Đào Thái Tôn Nguyên tác Truyện Kiều - chiếc bình quý đã vỡ? đăng trên VNCA số tháng 9/2004, cụ Đinh Trần Cương (nhà C7, tập thể Kim Liên, Hà Nội) đã gửi cho Tòa soạn bài viết Gắn lại bình quý đã vỡ.

Theo cụ Cương tâm sự, đến nay cụ đã tập hợp được 10 bản Kiều Nôm và so với bản quốc ngữ của Thạch Giang. Dần dần cụ đã “khám phá được nhiều điều thú vị”. Cụ Cương cho biết: “Tôi tin rằng bản gốc đã mất vì người đầu tiên đem Truyện Kiều ra khắc in, đã sửa chữa nó theo hướng của mình và tất nhiên giấu biệt bản gốc viết tay của Nguyễn Du”. Bởi vậy, cụ Cương cho rằng “có lẽ tốt nhất là như lời đề xuất của PGS Đào Thái Tôn là xác định được những bản tốt mà cân đong từng chữ, với sự đóng góp của nhiều người”.

Kèm theo những ý kiến trên, cụ Cương có đưa ra một số câu Kiều mà theo cách phân tích, đánh giá của cụ là chuẩn hơn, đúng với Nguyễn Du hơn (so với bản Kiều của Thạch Giang). Chúng tôi đã nghiền ngẫm rất kỹ về những trích dẫn này và nhận thấy ở một số điểm không phải cụ Cương không có lý. Thật ra, trước đây cố nhà thơ Xuân Diệu cũng đã làm theo phương cách này, có điều, để chọn lựa, đưa ra một chữ, nhà thơ lớn của chúng ta đã bình luận, cân nhắc rất kỹ. Có câu ông phải đề dẫn tới cả trang, trong khi cụ Cương chỉ đưa ra vài dòng, thậm chí có chỗ chỉ vỏn vẹn có một dòng. Điều này làm giảm tính thuyết phục ít nhiều bởi thao tác “cân đong" của cụ Cương... nhanh quá

.
.
.