Ca sỹ nhạc thính phòng: Vật lộn với mưu sinh

Thứ Hai, 22/11/2004, 06:58

Cuộc thi hát thính phòng và nhạc kịch toàn quốc lần thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 17/12. Đây là một cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia nhưng Ban tổ chức vẫn loay hoay với việc trao thưởng.

 "Chúng tôi sẽ trao huy chương cho các thí sinh, chứ hiện giờ chưa có giải thưởng cụ thể là bao nhiêu tiền", Ông Vũ Duy Cương (Cục Nghệ thuật biểu diễn-Bộ VHTT, đơn vị tổ chức cuộc thi) cho biết.

Theo báo cáo của Ban tổ chức, đã có 40 thí sinh đăng ký dự thi. Hầu hết các thí sinh đều đang theo học nhạc thính phòng ở các Nhạc viện Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội, như Khánh Linh, Trần Thị Hồng Vy, Nguyễn Thị Tố Uyên... Còn những thí sinh đang công tác ở các đoàn nghệ thuật dường như không dám đăng ký tham dự cuộc thi này.

Những ca sỹ tham dự phải trải qua 2 vòng thi. Vòng thứ nhất, mỗi người phải thể hiện 3 bài hát, trong đó có những ca khúc của Việt Nam và quốc tế, các trích đoạn trong các vở nhạc kịch cổ điển của các nhà soạn nhạc nước ngoài. Sau khi đã vượt qua vòng thi này, các thí sinh phải thể hiện tiếp 4 bài hát nữa.

Khi thể hiện bài hát của nước nào, thí sinh phải hát bằng ngôn ngữ của nước đó và chỉ được biểu diễn trên nền nhạc của đàn piano và không dùng vũ đạo để diễn xuất.

Học dòng nhạc thính phòng đã khó và mất nhiều công sức, thời gian, nhưng thi để đạt được giải thưởng cao lại càng khó hơn. Khi tham dự cuộc thi này sẽ chẳng có thí sinh nào quan tâm đến giá trị vật chất của giải thưởng, mà họ chỉ mong muốn được khẳng định mình trong một cuộc thi âm nhạc mang tầm quốc gia.

Học nhạc thính phòng - hát nhạc pop, hip - hop

Lâu nay, nhạc thính phòng là môn nghệ thuật khá xa lạ đối với một bộ phận công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Khi không có người thưởng thức thì ắt người biểu diễn sẽ không còn hứng thú đứng trên sân khấu. Và các cuộc thi hát nhạc thính phòng được tổ chức gần như chỉ dành cho những người trong cuộc. Những chương trình nhạc thính phòng hầu như không bán được vé.

Ông Vũ Duy Cương cho biết: "Hiện nay, chỉ có Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam là đơn vị chuyên nghiệp biểu diễn nhạc thính phòng. Nhưng hiện Nhà nước vẫn phải bao cấp hoàn toàn đơn vị nghệ thuật này. Theo quy định của quốc tế, một dàn nhạc giao hưởng phải gồm 120 người, nhưng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mới chỉ có 80 nghệ sỹ".

Vì sự vắng khán giả và thu nhập của các buổi diễn quá ít ỏi nên hầu hết các nghệ sỹ khi học nhạc thính phòng trong các trường nghệ thuật sau khi tốt nghiệp đã chuyển sang hát nhạc nhẹ hoặc những dòng nhạc đang thịnh hành như pop, hip - hop...

Ca sỹ Hồ Quỳnh Hương được đào tạo khá bài bản về nhạc thính phòng, nhưng giờ đây dường như chị chỉ thích hát những tình khúc của nhạc sỹ Hà Dũng. Còn giọng ca thuộc hàng diva của Việt Nam như Mỹ Linh thì chuyển hướng sang hát những ca khúc do chồng chị sáng tác.

Ca sỹ Mỹ Lệ học đàn cello nhưng giờ đây khi nhắc đến chị, khán giả chỉ nhớ đến những ca khúc nhạc nhẹ về tình yêu và những động tác vũ đạo khá "bốc lửa". Ca sỹ Lưu Thiên Hương học nhạc thính phòng, khi ở trường đã thể hiện rất thành công những ca khúc thuộc dòng nhạc này, nhưng khi về Nhà hát Tuổi Trẻ thì chuyển sang hát nhạc nhẹ.

Tùng Dương được đánh giá là ca sỹ có chất giọng tốt, thể hiện có hồn những ca khúc thuộc dòng nhạc thính phòng, nhưng từ khi đạt giải thưởng trong cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội", nhất là sau Sao Mao điểm hẹn thì hầu như chỉ hát những ca khúc nhạc trẻ của nhạc sỹ Lê Minh Sơn.

Tuy nhiên, trong khi một số ca sỹ chạy theo dòng nhạc thị trường để tìm kiếm các show diễn có cát-xê cao thì có một số nghệ sỹ vẫn trung thành với dòng nhạc bác học và họ đã tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng như Anh Thơ, Trọng Tấn, Lan Anh, Đăng Dương... Họ đã và đang noi gương thế hệ các nghệ sỹ như NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, NSND Quý Dương… tạo dựng tên tuổi mình bằng dòng nhạc thính phòng, loại hình âm nhạc đưa sự nghiệp của các ca sỹ đến đỉnh vinh quang

Lệ Huyền
.
.
.