Long đong ngành chăn nuôi bò sữa Tp.HCM

Thứ Hai, 22/11/2004, 15:40

Nằm trong chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp thành phố, từ nhiều năm nay, ngành chăn nuôi bò sữa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện cuộc sống của người dân ngoại thành Tp.HCM. Nhưng hiện nay nhiều người muốn bỏ nghề, vì càng đeo đuổi, càng lỗ nặng.

So với những loại vật nuôi khác, bò sữa được xem là loại có giá trị kinh tế khá hơn do nguồn sữa và con giống bán ra ổn định. Xác định đây là ngành nông nhiệp mũi nhọn để tạo bước đột phá, thay đổi bộ mặt nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM đã triển khai kế hoạch sinh hóa đàn bò, vận động mô hình chăn nuôi hộ gia đình ở các quận ven nội thành.

Đến nay, mô hình chăn nuôi bò sữa của thành phố đã được nhân rộng với 49.190 con (chiếm hơn một nửa tổng số bò của cả nước), sản xuất 117.000 tấn sữa hàng hóa, giá trị hơn 400 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động.

Càng nuôi… càng lỗ

Năm 2004 có thể gọi là năm "hạn" của người chăn nuôi bò sữa. Trước đây, người dân thu lợi cao từ nguồn cung cấp sữa cho các nhà máy chế biến và nguồn cung cấp con giống cho các địa phương trong cả nước. Nhưng năm nay, giá thuốc thú y, giá thức ăn cho bò sữa tăng liên tục, trong khi giá thu mua sữa của các công ty chế biến trong 10 năm qua vẫn không hề thay đổi (bình quân 3.200 đồng/kg sữa). Từ những biến động này, lượng tiêu thụ con giống cũng bị ảnh hưởng.

Gia đình ông Từ Văn Hùng (khu phố 3, phường Thạnh Xuân, quận 12) gắn bó với nghề nuôi bò sữa từ hơn 10 năm nay. Trước đây, chi phí thức ăn cho bò sữa chỉ bằng khoảng 1/2 giá thành bán sữa thu được. Hiện nay, mỗi tuần gia đình ông trực tiếp giao 100kg - 120kg sữa cho Công ty Vinamilk với giá 3.400 đồng/kg. Trừ chi phí, với 8 con bò cho sữa, mỗi tuần gia đình ông chỉ lời 24.000 đồng (chưa tính công lao động, thuốc thú y, giao tinh và những chi phí phát sinh khác).

Để giúp nông dân khắc phục khó khăn, đầu tháng 9/2004, Công ty sữa Vinamilk đã tăng giá thu mua sữa lên 3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, tình hình vẫn không mấy cải thiện vì giá sữa chỉ tăng khoảng 10% trong khi giá thức ăn tăng hơn gấp nhiều lần và so với giá thu mua sữa ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan thì Việt Nam vẫn còn thua xa.

Trước tình hình như vậy, nhiều hộ tìm cách thay thế nguồn thức ăn có độ đạm thấp và tận dụng phụ phế phẩm. Ngoài ra, để tạo nguồn thu nhập, nhiều hộ chăn nuôi đã ép bò mang thai, có khi một con đẻ đến 5 - 6 lứa để lấy con giống (tốt nhất là 3 lứa), ép bò vắt sữa đến lứa thứ 6, thứ 7 (khai thác sữa vào những lứa đầu tiên sẽ cho sữa chất lượng nhất). Điều này đã tạo ra con giống kém chất lượng, sản lượng và chất lượng sữa thấp nên khả năng thua lỗ cao. 

Nông dân rất cần được hỗ trợ

Thời gian qua, Sở NN & PTNT đã chỉ đạo các ngành tập trung giải quyết những khó khăn mà người chăn nuôi đang gặp phải. Cụ thể, giao trách nhiệm cho Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ người chăn nuôi phát triển đồng cỏ cao sản, có chất lượng cao để chủ động nguồn thức ăn cung cấp cho bò; xây dựng nhiều công thức phối trộn thức ăn hỗn hợp, giúp người chăn nuôi lựa chọn khẩu phần phù hợp để tránh lãng phí (vì giá thức ăn chiếm khoảng 60% - 65% tổng giá thành sản phẩm); Trung tâm Quản lý kiểm định giống cây trồng vật nuôi hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, thực hiện việc gieo tinh với những dòng tinh cao sản. Ngành nông nghiệp còn hướng dẫn người chăn nuôi khai thác sữa vào những lứa đầu tiên và duy trì đàn bò ở cơ cấu 70% cái sinh sản, 50% cái vắt sữa, chỉ giữ lại những con cho năng suất cao.

Trong Hội nghị "Mục tiêu phát triển bò sữa" vừa mới tổ chức tại Tp. HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thành phố sớm triển khai quy hoạch diện tích trồng cỏ; điều tra để đưa ra chương trình chuẩn hóa chuồng trại và sớm xây dựng bảng danh sách thức ăn chăn nuôi, trong đó, phân tích rõ thành phần, tỷ lệ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Sở Khoa học công nghệ cần phối hợp với Trường Đại học Nông lâm nghiên cứu và chế tạo máy vắt sữa và máy trộn thức ăn giá rẻ để cung cấp cho các hộ chăn nuôi

Thuý Hà
.
.
.