PGS, TS Nguyễn Văn Ngọc:

“Làm thầy bắt đầu từ những việc làm thiết thực”

Thứ Sáu, 19/11/2004, 10:35
Một vụ tai nạn chết người bất ngờ xảy. Gia đình nạn nhân đã "quây" lái xe tải lại, bất chấp mọi lời giải thích và sự can thiệp của chính quyền địa phương. Là một thầy giáo Công an, bằng những việc làm tế nhị đầy tình người, anh đã chinh phục được gia đình nạn nhân, để giải quyết sự việc hợp đạo lý và tích cực…

Đó là tóm tắt sơ giản nhất về "Lòng nhân", một truyện ngắn cảm động về người chiến sỹ Công an của tác giả Nguyễn Hồng Thái đăng trên tuần báo Văn nghệ ngày 1/9/1999.

Nhưng không phải ai cũng biết rằng, đây là một câu chuyện có thật, mà được kể lại tuần tự đúng như thực tế đã diễn ra tại Thanh Hóa. Nhân vật chính trong truyện "Lòng nhân" là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tá Nguyễn Văn Ngọc, hiện là Chủ nhiệm Khoa Nghiệp vụ 3, Học viện An ninh nhân dân. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Ngọc chính là người thầy của tác giả truyện ngắn.

Gặp thầy Ngọc không khó, nếu muốn trao đổi và xin ý kiến về khoa học. Anh cũng sẵn sàng tư vấn tâm lý cho sinh viên trước những tình huống khó khăn của đời sống. Anh kể, chuyến anh hướng dẫn sinh viên thực tập tại Huế năm 1982, một sinh viên đã tranh thủ bốc mộ cho người thân. Cậu gói ghém hài cốt người nhà vào một bịch ni lông, rồi sợ các thầy phát hiện nên mang ra nhà dân gửi. Cuối cùng, sự việc bị chủ nhà phát hiện và yêu cầu đuổi học.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc vào lực lượng Công an năm 1974, thực hiện bài giảng chính thức đầu tiên năm 1982. Anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật học năm 2000 và được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư vào tháng 11/2004. Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc từng chủ trì nghiên cứu 5 đề tài khoa học, trong đó có 3 đề tài cấp Bộ và 1 đề tài cấp Nhà nước. Anh được Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ tặng 4 Bằng khen và Huy chương "Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ".

Thầy Ngọc cùng thầy giáo chủ nhiệm lớp phải nhờ sự giúp đỡ của Công an tỉnh. Mất ba đêm thuyết phục, người dân này từ phẫn nộ dần bình tĩnh lại rồi cuối cùng đi đến cảm thông. Sự việc đó đã khiến anh nhận ra: người thầy muốn thành công trên bục giảng, trước hết phải có trí tuệ và biết thu phục nhân tâm bằng sự chân thành.

Lại một chuyện khác, sinh viên Giàng Seo Man, lớp cử tuyển NT4, quê ở Hà Giang, nhận được hung tin: người cha và toàn bộ tài sản đã bị cháy rụi cùng ngôi nhà. Trước nỗi đau và nỗi lo của sinh viên, anh đã vận động các thầy trong khoa quyên góp một khoản tiền giúp đỡ Giàng Seo Man. Cầm món quà nhỏ đầy tình người của các thầy, cậu sinh viên người dân tộc Mông không giữ được nước mắt. Số tiền không lớn nhưng đã tạo nên một “làn sóng” tương trợ trong sinh viên nhà trường khi đó. Từ đấy, trong mắt học trò, thầy Ngọc không chỉ là một Trưởng khoa nghiệp vụ nghiêm khắc mà còn là một điểm tựa tinh thần cho sinh viên.

Chính thức đứng trên bục giảng từ năm 1982, anh luôn theo dõi từng bước trưởng thành của những người trẻ tuổi sinh viên của anh. Anh luôn trăn trở khi có sinh viên bị điểm kém. Câu hỏi hiện ra trong đầu anh: Tại sao sinh viên đó lại nhận được điểm kém. Một sinh viên lớp cử tuyển NT11 có bài thi được điểm 4. Bài thi của sinh viên này sạch sẽ, câu chữ gọn gàng, nhưng kiến thức hơi mỏng. Băn khoăn, anh vào ký túc xá, tìm hiểu về cậu học trò. Đó là một sinh viên chăm chỉ, nghiêm túc và có ý thức. Anh về phòng làm việc, đọc lại bài thi và quyết định nâng điểm bài thi kia lên 5 vì anh cho rằng, đây chỉ là tai nạn và cần mở hướng cho người sinh viên này phấn đấu.

Thế nhưng, thầy Ngọc đã buộc lòng chấm điểm 4 bài thi của một sinh viên chuyên tu - con một người bạn. Trong suốt quá trình dài, thầy Ngọc và các sinh viên khác nhận thấy cậu sinh viên này học hành quá hời hợt. Tuy nhiên, trước khi quyết định, anh đã phải chịu một áp lực ghê gớm giữa tình bạn và niềm tin của sinh viên. Nếu anh cho cậu ta này qua kỳ thi thì niềm tin của sinh viên về các thầy giáo sẽ bị suy giảm. Anh đã làm theo sự mách bảo của lương tâm.--PageBreak--

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Ngọc kể, anh đến với nghề giáo như một cơ duyên mà anh chưa bao giờ hình dung trước. Bố anh, người chiến binh già, nghèo nhưng luôn khao khát cho con cái thành đạt, đã kể cho anh nghe một tấm gương cảm động: Bạn ông thuở hàn vi phải chở đò qua sông để kiếm tiền đi học. Nhưng bằng nghị lực phi thường, người bạn đã tự học để trở thành một Tiến sĩ khoa học. Anh đi theo cái vệt sáng từ tấm gương này để phấn đấu.

Bây giờ, khi có thể bình tâm ngồi nghĩ lại, anh cảm thấy mình may mắn. Vì anh được sống trong môi trường của những người thầy giáo ở Học viện an ninh. Xung quanh anh là các thầy, các bạn, họ đã giúp đỡ anh hết sức tận tình. Cũng từ môi trường này, anh đã trưởng thành và có những tình cảm sâu nặng.

Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Học viện Học viện an ninh chính là người thầy đã hướng cho anh những bước đi vững chắc trong khoa học. Ông là người hướng dẫn cho anh luận văn Thạc sĩ cho đến luận án Tiến sĩ. Không chỉ có vậy, trong cuộc sống, đức tính thẳng thắn và trung thực trọng tình người của thầy đã dội vào anh một cách vô thức. Chính việc làm của các thầy đã dạy cho anh một thực tế, thầy giáo không thể chỉ nói mà phải bắt đầu bằng những việc làm thiết thực.

Một người nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ tới anh là Nhà giáo nhân dân Phạm Minh, bố vợ anh. Cuộc đời ông đã cho anh thấy việc học và nghiên cứu  là cả một cuộc đời dài; học phải là nhu cầu cấp thiết của người thầy giáo. Tiến sĩ Hoàng Anh, vợ anh cũng đi theo con đường ấy. Chị bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ năm 2002.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Ngọc tâm sự: "Tôi nghĩ mình là người hạnh phúc. Vì tôi đã có được một môi trường lý tưởng của tình thầy trò ở Học viện An ninh nhân dân và bè bạn để phấn đấu và trưởng thành. Nếu không có điều đó, tôi đã không được như ngày nay"

Bình Nguyên
.
.