Bóng đá Việt Nam:

Dặm dài Tiger Cup

Thứ Ba, 23/11/2004, 08:55

Tám năm đã qua kể từ ngày Bóng đá Việt Nam (BĐVN) tham dự Tiger Cup, buồn vui như còn đó. Nếu lấy thành tích của 4 kỳ Tiger Cup đã qua để vẽ lên một đồ thị, ta sẽ thấy đúng là chu kỳ của một hình sin với xuất phát điểm là HCĐ vào năm 1996 tại Singapore, lên HCB, xuống hạng Tư và trở lại với HCĐ ở Indonesia năm 2002.

Vừa giành HCB SEA Games 18 tại Chiang Mai, BĐVN với ông HLV người Đức được cả nước trông đợi khi chuẩn bị hành trang cho Tiger Cup 96 sẽ diễn ra tại Singapore. Một “thế hệ vàng” đã xuất hiện, với thủ môn Văn Cường, hậu vệ Hữu Thắng, Hoàng Bửu, tiền vệ Hồng Sơn, Quang Hà, rồi tiền đạo Quốc Cường, Minh Chiến, Huỳnh Đức…

Tiger Cup 1996

BĐVN và K.Weigang hào hứng vào giải với một thay đổi ngày xuất quân: thủ môn Minh Quang trấn giữ nơi khung thành thay cho đàn anh Văn Cường bị chấn thương bả vai từ Chiang Mai. Vậy mà chính anh đã để xảy ra cú phát bóng vội vàng đến lẩn thẩn, bóng bay đúng vào chỗ tiền đạo Kiatisak của Thái Lan và anh chàng kia đã không mắc phải một sai lầm nào để ghi bàn mở tỉ số. Cứ thế, hành trình của BĐVN sẽ suôn sẻ, nếu không có một cơn “sóng ngầm” dâng lên vừa âm ỉ vừa hiểm ác.

Nhà báo Nguyễn Nguyên, khi ấy đang là phóng viên dã chiến của tờ báo Thể thao TPHCM, nhớ lại, khi anh còn đang tác nghiệp nơi ấy đã chứng kiến sự bùng nổ về quan điểm giữa các HLV của Đội tuyển Việt Nam. Báo chí vào cuộc. Chưa hết, đỉnh cao của cơn sóng dữ chính là nghi án bán độ của “tứ quái” nơi giữa sân của ĐTVN. Điều này đã khiến cho ông Weigang kiên quyết đòi đuổi họ về nước!

Quả là thậm cấp chí nguy! Đúng lúc đó, nguyên chánh thanh tra Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) là cố Đại tá Tô Hiền đã vào cuộc. May mắn nữa là lần ấy, gần như toàn thể BCH của VFF có mặt tại Singapore để tham quan cách làm bóng đá chuyên nghiệp, đã có dịp để ngồi lại với nhau. Ông Tô Hiền đã thuyết phục được tất cả, TTK Trần Bảy điện về hỏi ý kiến “tướng” Đoàn Thao. Ý kiến của tập thể được chuyển đến Weigang, cuối cùng HLV người Đức cũng nhất trí để 4 cầu thủ bị tình nghi đó ở lại, ĐTVN đá thắng Myanmar 2-1 và sau đó đoạt HCĐ.

Phát huy những nỗ lực đã có, sau ấn tượng Việt Nam tại Jakarta 1997, BĐVN lại hăm hở chuẩn bị cho kỳ Tiger Cup đầu tiên tổ chức trên sân nhà, đó là những ngày tháng rất khó quên ở Hà Nội.

Tiger Cup 1998 trên sân nhà

Tại cuộc họp báo đầu tiên của Tiger Cup 1998, BĐVN đã có viên thuyền trưởng mới - ông Alfred Riedl, cựu “Quả bóng đồng” châu Âu. Cuộc chơi lớn có mấy khi biết chiều lòng người. Có lẽ chúng ta đều biết, đều nhớ và đều đau vì bàn đá phản của Indonesia khi không muốn ra Bắc đá với chủ nhà trận BK. Lại khó quên sự lúng túng đến kỳ lạ của BTC: sau 40 phút đã ra thông báo hủy bỏ ý kiến trước đó (không chấp nhận tỉ số thắng 1-0 của Thái Lan).

Rất may là Tiger Cup 1998 đã để lại những kỷ niệm hào hùng về bản lĩnh và về vị thế Việt Nam, với những hình ảnh thật xúc động như cảnh hàng vạn fan sát vai nhau, đứng thẳng và hát vang bài hát Tiến quân ca, cảnh những con sóng đỏ trên các khán đài… Cuốn biên niên sử nền Thể thao Việt Nam chắc sẽ phải coi đó là dấu hiệu đầu tiên về cuộc-xuống-đường-của BĐVN.

Chiếc HCB sẽ đẹp hơn, thậm chí nó còn phải là màu vàng, nếu không có kỷ niệm buồn về 70 phút không có bóng của “cựu thần” Nguyễn Văn Dũng và cái lưng dài của Sasir Kuzma, nếu không có cả sự đổ vỡ toàn diện của sơ đồ chưa kịp tiêu hóa kia. Khán đài hôm ấy đã có nhiều nước mắt, tiếng thở dài và có cả tiếng hô vang bức xúc. Nhưng đó là những nỗi đau "made in Vietnam", chúng đều rất đáng thương yêu và chia sẻ!

Vâng, bắt đầu có sự so đo giữa phong cách huấn luyện của các HLV ngoại. Họ là đại biểu cho những trường phái bóng đá khác nhau. Ông Weigang tiêu biểu cho một lối tư duy có tính khúc chiết, thực dụng và biết truyền lửa cho học trò. Tuy thế, tại Chiang Mai là nơi ông thầy người Đức bộc lộ rõ mọi ưu thế về chuyên môn và kinh nghiệm cầm quân, có vẻ như cũng là nơi để lại dấu ấn cuối cùng của vị thuyền trưởng có trái tim lạnh này. Bởi tại Singapore, ông không còn tin vào học trò, nói khác, người thầy đã để mất cả sự tự tin vốn là thế mạnh của người Đức.

Còn Riedl, ngay từ buổi ban sơ, ông thầy người Áo đã tỏ ra hơn người ở chỗ biết lấy nhu chế cương, là phương châm “lạt mềm buộc chặt” của người phương Đông. Thua chung kết, Riedl vẫn có khả năng chứng tỏ sự kiên nhẫn của mình ở những mặt trận khác. Ông sẽ còn đồng hành với BĐVN đang hòa nhập và phát triển. Còn “bàn đạp” chuyên môn và điểm tựa tinh thần của Alfred Riedl thì sao?

Tiger Cup 2000

Vẫn khát khao chiếc HCV Tiger Cup, vẫn tự hào truyền thống và niềm tin yêu vào tiềm năng của chính mình, ngặt vì đường xa muôn dặm mà tia sáng nhỏ mới chỉ chợt lóe lên một cách dè dặt. BĐVN lại hối hả bắt tay vào chu kỳ mới của Cup con Hổ, với một số nhân tố mới, chẳng hạn là tiền đạo Vũ Công Tuyền của Thể Công.

Dường như quá bất ngờ trước những gì mà các học trò của mình vừa thể hiện sau mấy trận đấu nhạt nhòa của họ, Riedl ngạc nhiên đến trố mắt khi nhìn ĐTVN dưới tay ông bị gục ngã trước người bạn Indonesia, là đối thủ luôn được xem là dễ chơi của BĐVN. Sự oái oăm ấy kéo theo một cách chơi thảm hại đến không ngờ trong trận tranh 3-4 với Malaysia, ĐTVN đã thua 0-3, thua đến mức nhìn mặt nhau cũng ngại… Có gì đó giống nhau giữa cách trao chiếc thẻ đỏ có phần oan nghiệt của Đỗ Khải với việc HLV Dương Ngọc Hùng cất Minh Quang đi để thay vào đó là Văn Hạnh còn mới toanh! Và hạng Tư Tiger Cup 2000, đồng nghĩa với sự ra đi của Alfred Riedl. Ai đó vội cho rằng tư duy có nét mềm mại của ông thầy Áo không có chỗ đứng trong đôi chân của các cầu thủ Việt Nam? --PageBreak--

Tiger Cup 2002

Riedl ra đi. Tân HLV của ĐTVN là một ông thầy người Braxin, ngài Dido - một con người giàu cá tính. Gây ấn tượng tức thì vì một trái tim nóng bỏng, một phong cách sôi sục và nói theo ngôn ngữ phương Đông thì Dido là một người hướng ngoại. Báo chí tại thời điểm ấy còn ghi lại hình ảnh Dido cõng trò Văn Quyến trên lưng chạy quanh bờ biển, và thi đá 11m với trò. Sau đó ông lại phát hiện ra cái chân trái của Thạch Bảo Khanh sau một buổi dự khán trên khán đài A sân Hà Nội. Rồi tập luyện… rồi bắt đầu phát sinh những sự cố.

Dido đuổi Văn Quyến và Lưu Thanh Châu mà ông cho là ương bướng. Dido đi Đồng Tháp sinh sự và đòi ăn thua đủ với lãnh đạo một CLB bóng đá chỉ vì họ “dám” coi thường và trừng phạt thói vô kỷ luật của cựu học trò mình. Không khí ở ĐTVN như bị loãng ra… để đến khi xuất trận, ĐTVN thua từ A-Z. Chia tay! Và thời gian lại như bóng câu qua thềm, có một người Bồ Đào Nha đến Việt Nam làm bóng đá… Đó là Henrich Calisto.

Calisto gây ấn tượng tức thì vì sự hiểu biết sâu sắc về bóng đá. Ông là người bộc trực và có chút nóng nảy, song hiểu việc và nghiêm cẩn trong huấn luyện. Thế là ông thầy của CLB Gạch Đồng Tâm lên tuyển, trở thành “đệ nhất nhân”.

Tại Tiger Cup 2002, ông Calisto có công lớn nhất với ĐTVN là giới thiệu được một hàng tiền vệ cần cù và cũng có chút sáng tạo, đó là Phan Văn Tài Em, Nguyễn Xuân Thành, Trường Giang. Ít ai quên bàn thắng giải tỏa của Xuân Thành, phong cách thi đấu hết mình của “ong thợ” Tài Em và cả 3 bàn thắng mà Phương Nam “ghi” từ hàng ghế dự bị. Anh xuất trận sau khi Văn Sỹ bị chấn thương và có sự giới thiệu của trợ lý HLV, song đến trận sau đó thì anh đã không còn là chính mình. Dù sao chiếc HCĐ vẫn còn là niềm an ủi của các fan Việt Nam.

Tiger Cup 2004, chờ đợi và hy vọng

Calisto nghỉ, Riedl được mời trở lại để lo cho SEA Games 22 với nhiệm vụ ban đầu là dẫn dắt Đội tuyển U23 quốc gia. Chính ở đó, ông thầy người Áo như đã tìm ra chiếc “đũa thần” để giúp học trò. Không biết ông dùng phương pháp gì, vậy mà chính ê-kíp này, Đội tuyển U23 năm ấy đã trở thành một “thế hệ vàng thứ hai” sau lớp đàn anh năm nào nay đã giã từ sân cỏ.

Họ giành nhiều thắng lợi. Từ Cup vàng ở LG Cup, trận hòa 1-1 trước CLB Yokohama, trận thắng 1-0 trước tuyển Hàn Quốc, kể cả chút xao xuyến sau trận Việt Nam - Thân Hoa hay U23-Perak của Malaysia. Đặc biệt nhất, oách nhất là âm hưởng vang vọng của BĐVN ở SEA Games 22, khi các cầu thủ thân yêu của ĐTVN trở nên hết sức gần gũi trong trái tim của nhiều lớp khán giả, đặc biệt là Văn Quyến - người sau đó đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam năm 2003.

Họ được sự cưng chiều của cả dư luận và các tổ chức xã hội, và, như một quy luật nào đó luôn dành cho tuổi trẻ, kể cả cái quy luật thăng trầm… Những khó khăn đã đến với bộ khung của một ĐTVN “trong mơ” để họ đi đến hai nhiệm vụ trung tâm là sẽ thi đấu thành công ở Tiger Cup 2004 và SEA Games 23, trong đó Tiger Cup 2004 là nhiệm vụ trước mắt - điểm nhấn năm nay của BĐVN. Và một thời kỳ mới của ĐTVN lại bắt đầu.

Tám năm đi qua rất nhanh. Dặm dài Tiger Cup lại như sắp sôi lên vì cơn sốt mới, đang được nuôi dưỡng trong lòng các fan Việt. Sau Weigang, Riedl, Calisto, giờ là vị thuyền trưởng người Braxin, ông Edson Tavares. Ông thầy ấy sẽ làm gì khi mà trong tay ông chưa phải là một ê-kíp lý tưởng và những áp lực nặng nề trên vai. Thật không dễ dàng!

AMALÂM
.
.
.