Nỗi đau sau cuộc chiến

Thứ Hai, 08/11/2004, 10:46

Chiến tranh đã đi qua gần 30 năm nhưng di chứng của nó để lại thật tàn khốc và nặng nề. Ở làng trẻ em Hoà bình -Thanh Xuân Hà Nội, nơi bảo trợ và chăm sóc trẻ em bị lây nhiễm chất độc da cam, nỗi đau hậu chiến biểu hiện trên những gương mặt vẹo vọ của những đứa trẻ dị dạng, tật nguyền.

Làng trẻ em Hoà bình Thanh Xuân được thành lập từ năm 1991. Ông Vũ Ngọc Ân, Trưởng phòng tổ chức hành chính của làng cho biết, qua 10 năm hình thành và phát triển, làng HBTX đã tiếp nhận, chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng cho hơn 2.000 cháu bị dị tật do lây nhiễm chất độc da cam và phục hồi chức năng cho hàng nghìn cháu với mức độ khác nhau. Khi nhập làng có hơn 200 cháu phải đi bằng bốn chân vì bị đa dị tật, cơ thể thiếu đồng bộ và đặc biệt có vài chục cháu sống đời sống thực vật.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Phương, giám đốc làng trẻ em Hoà Bình, một thời gian dài từ năm 1991 đến năm 1999, cả thầy cô và các cháu phải sống bấp bênh bởi sự cưu mang của các tổ chức và cá nhân từ thiện, nhiều no ít đủ, thầy trò nhường nhịn, san sẻ nhau mà sống.

Năm 1994, nhân dịp đến thăm làng, thấy thầy trò bíu ríu khổ sở quá, thủ tướng Võ Văn Kiệt mới quyết định cấp thêm cho thầy trò Làng HBTX 200 triệu đồng mỗi năm. 200 triệu đồng là một số tiền khá lớn nhưng không vì thế mà thu nhập của cán bộ nhân viên của làng tăng thêm. Vì tất cả mọi người đến với làng đều bằng cái tâm từ thiện. Họ luôn bằng lòng với thu nhập bình quân không quá 300.000đồng/tháng.

Từ năm 2001 trở lại đây, khi làng HBTX được chuyển về trực thuộc Sở y tế Hà Nội, chế độ của cán bộ, nhân viên của làng mới được quy vào ngạch bậc công chức và nhích lên một chút bình quân 400-500.000đồng/tháng. Thu nhập thấp như vậy nhưng đội ngũ các thầy thuốc ở đây không đơn thuần chỉ làm công tác chuyên môn mà còn kiêm nhiệm chức năng hộ lý, cấp dưỡng, tạp vụ, bảo mẫu và cô giáo nữa….

Những nạn nhân của chất độc da cam

Cháu Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1984) và cháu Nguyễn Thị Khuyên (sinh năm 1986), con của cựu chiến binh Nguyễn Việt Hùng ở Yên Cường, Ý Yên, Hà Nam. Do cha nhiễm chất độc da cam ở chiến trường miền Nam, cả hai chị em bị di chứng, teo cơ bẩm sinh, bàn chân lật ngược về phía sau, đã 16 và 18 tuổi mà cao chỉ có 1,05m, đứng và đi phải có chỗ dựa. Hai cháu đến làng đã gần 10 năm, qua 4 lần mổ nay đã đi lại bình thường, học xong chương trình tiểu học và học nghề đan thêu.

Cháu Hướng Thị Chính (sinh năm 1987) nhà ở Hang Đoọng, Quốc Khánh, Tràng Định, Lạng Sơn bị nhiễm chất độc da cam do bố chiến đấu ở chến trường Tây Ninh. Hai bàn chân cháu bị toẽ ngang ra, đã qua 3 lần mổ mà đi đứng vẫn còn rất khó khăn.

Anh Đặng Đình Vinh, cựu chiến binh, từng chiến đấu tại chiến trường B3 Tây Nguyên, nhà ở Thương Vực, Chương Mỹ, Hà Tây, sinh được 5 đứa con thì cả 5  đều bị dị tật nặng. Cháu đầu, Đặng Thị Thanh (sinh năm 1977) bị câm điếc, ngớ ngẩn, lúc lên cơn động kinh có thể cầm dao chém bừa không trừ ai. Cháu thứ 2, Đặng Thị Lan (sinh năm 1979) cũng giống như chị…

Tại đây đã từng xảy ra chuyện các cháu cơn động kinh dùng cây, gậy đuổi đánh bảo vệ, đuổi đánh thầy giáo. Khi trở lại  trạng thái bìn thường, các cháu không thể nhớ đã xảy ra chuyện gì.

Theo ông Vũ Ngọc Ân, những chuyện đau lòng ấy xảy ra không nhiều lắm, và không thể sánh được với nỗi đau của những bậc làm cha làm mẹ đã sinh ra những đứa con dị dạng tật nguyền. Ông Ân đã kể cho tôi nghe chuyện gia đình của một cháu đã từng được chăm sóc tại làng trẻ em Hoà Bình với điều kiện lên báo phải dấu tên.

Sau nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, anh cựu chiến binh N.V.T. trở về quê tại Sóc Sơn - Hà Nội. Anh cưới vợ và mong ngóng những đứa con ra đời. Đứa thứ nhất bị thiểu năng trí tuệ và dị tật khớp cổ chân. Đứa thứ hai cũng sinh ra trong tình trạng tương tự. Chán đời anh sinh ra rượu chè bê tha, trút hết trách nhiệm tội lỗi lên đầu vợ. Rồi, để chứng minh “khả năng của đàn ông” của mình, anh bỏ nhà vào Tây Nguyên làm ăn và sống như vợ chồng với một người đàn bà ở đó. Kết quả là người đàn bà này sinh cho anh một đứa con thứ ba nhưng nó dị dạng không khác gì hai đứa ở quê.

Lúc ấy anh mới nhận ra: những đứa con tật nguyền là có nguyên nhân từ anh. Ân hận, anh trở về quê với vợ con và khuyên vợ đi “cải thiện” kiếm lấy một đứa con lành lặn để sau này nó cưu mang các anh nó khi trái gió. Người vợ thương con, làm theo ý chồng và đã sinh ra một đứa con trai lành lặn rất kháu khỉnh. Rồi mâu thuẫn mới phát sinh dẫn đến bi kịch gia đình lại xuất hiện khi mà cái anh nai lưng ra làm chỉ để cho đứa con cải thiện ăn chơi, nghịch ngợm trong khi những đứa con đẻ của anh ng ày càng trở nên ù ì, đần độn!

Kết thúc câu chuyện, giọng ông Ân trầm lại, chậm rãi: Để chia sẻ và an ủi các cháu và các bậc phụ huynh đã sinh ra những đứa con tật nguyền, đội ngũ cán bộ nhân viên của Làng HBTX đã không quản ngày đêm, không nề hà khó khăn vất vả để chăm sóc, dạy dỗ và phục hồi chức năng cho các cháu. Hy vọng số cháu được phục hồi trở về hoà nhập với gia đình và cộng đồng ngày càng nhiều hơn, nhất là đối với nh ững cháu bị bại não, 2-3 năm sau có thể tự phục vụ được mình đang là ước mơ lớn không chỉ riêng các cháu mà đội ngũ các thầy thuốc ở đây.

Địa chỉ Làng HBTX: Phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (04) 580.214-Fax: 84-4-858.110

Thanh Hương
.
.
.