Đưa di sản vào nhà trường, cần nhiều nỗ lực

Thứ Tư, 25/03/2015, 09:36
Đưa di sản vào nhà trường, cần nhiều nỗ lực là kiến nghị được nhiều nhà khoa học, giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất tại Hội thảo “Tăng cường sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong nhà trường vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Hiệp hội UNESCO Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 24/3.

Mặc dù trong những năm vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNESCO Việt Nam cùng các tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình khác nhau, nhằm đưa di sản vào nhà trường, giáo dục thế hệ trẻ những tri thức lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật và tăng cường kỹ năng sống.

Nhiều mô hình giáo dục di sản trong nhà trường đã được xây dựng với sự phối hợp liên ngành, sự hỗ trợ cả về chuyên môn và vật chất. Dù đã đạt được những kết quả khác nhau, song đa số các mô hình giáo dục di sản đều chưa được ngành Giáo dục ghi nhận và sử dụng như một chương trình có tính bền vững, lâu dài.

Theo TS Nguyễn Văn Huy, ngay từ năm 2004, GS Trần Văn Khê và các cộng sự của mình lần đầu tiên thử 12 mô hình giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh. Đích thân GS. Trần Văn Khê đã trực tiếp đứng lớp, dạy nhiều bài hát ru, hát đồng dao, bài vè, câu đố, bài thơ cho học sinh, sau tiết tấu đi dần đến các chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống, phát âm và hát bằng tên chữ nhạc...

Từ đó đến nay, Bộ GD&ĐT cũng tạo đã có chú ý, hướng dẫn để các trường học triển khai đưa dạy và học dân ca vào nhà trường, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân ca. Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả của việc đưa dân ca đến với thế hệ trẻ, phát huy sức sống lâu bền của dân ca trong đời sống đương đại chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.

Trong số hơn 80 bài hát trong chương trình, chỉ có một số bài hát dân ca được đưa vào giảng dạy. Nhưng nội dung chương trình quá đơn điệu, không đủ cung cấp cho các em hiểu biết đơn giản và hệ thống về kho tàng âm nhạc dân tộc phong phú của nước ta.

Thừa nhận thực tế này, TS Phạm Ngọc Định, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc tại các trường tiểu học hiện nay chưa đồng bộ. Bên cạnh số giáo viên tốt nghiệp các ngành chuyên đào tạo sư phạm âm nhạc, số còn lại là những thầy cô giáo vốn dạy môn cơ bản thừa ra, có năng khiếu, được cử đi học rồi về dạy. Ngay những giáo viên học chuyên ngành ra, không phải ai cũng có khả năng hát dân ca hay, dạy dân ca hấp dẫn, huống hồ là những giáo viên chuyển ngạch.

Trên thực tế, đa phần các giáo viên này được đào tạo tại các trường cao đẳng sư phạm âm nhạc, một số dạy bậc tiểu học còn chỉ được đào tạo ở trung học sư phạm âm nhạc. Với 3 năm hệ cao đẳng và 2 năm hệ trung học, lượng kiến thức về âm nhạc cổ truyền mà họ tiếp thu được không đáng kể…

Tuy nhiên, TS Phạm Ngọc Định cũng cho rằng, mặc dù trong số nhiều giải pháp khác nhau để bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể trong bối cảnh xã hội đương đại, việc đưa loại hình này vào các nhà trường là một giải pháp được cho là quan trọng và bền vững. Song, không thể “khoán” tất cho ngành Giáo dục, mà cần có sự vào cuộc thật sự của tất cả các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Văn hóa.

Huyền Thanh
.
.
.