Độc đáo tranh bút lửa Đà Lạt

Thứ Ba, 12/05/2015, 08:31
Nghề làm tranh bút lửa truyền thống ở Đà Lạt (Lâm Đồng) có thời gian tưởng chừng đã lụi tàn, nay sống dậy bằng những tác phẩm sinh động, đa dạng và tinh xảo dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân trẻ Nguyễn Khánh Hoàng.
Đồng tiền, bát gạo đã khiến Nguyễn Khánh Hoàng bỏ lại quê nhà cố đô (Huế), một mình phiêu bạt tới Đà Lạt. Anh lang thang đến chợ đêm Đà Lạt với tư cách là một lữ khách. Ấn tượng đầu tiên của chàng trai xứ Huế đối với miền đất này không phải bởi cái thơ mộng, se lạnh của thiên nhiên Đà Lạt mà là cảnh một số họa sỹ đường phố miệt mài ngồi vẽ chân dung cho khách du lịch.

Hình ảnh này đã khơi dậy đam mê hội họa trong anh. Ý tưởng lập nghiệp từ nghề vẽ chân dung cũng lóe lên từ đó. Chỉ ít ngày sau, ở chợ đêm Đà Lạt đã xuất hiện một chàng trai lạ có mái tóc quăn chấm vai, đầu quấn khăn vòng xuống cổ, lỉnh kỉnh bút lông, lọ màu, rất “bụi”. Nguyễn Khánh Hoàng hành nghề vẽ chân dung, phong cảnh cho lữ khách.

Được một thời gian, nhiều họa sĩ từ khắp nơi đổ về chợ đêm Đà Lạt hành nghề, việc làm ăn trở nên khó khăn hơn. Cách đây 3 năm, nghe nói nghề làm tranh bút lửa đã lụi tàn, ít người còn giữ được, cả chợ đêm không còn ai làm nghề này nữa, Nguyễn Khánh Hoàng quyết định tìm tới một nghệ nhân về tranh bút lửa đã “hết thời” trên đường Lê Hồng Phong hỏi mua cây bút lửa với giá 500 ngàn đồng.

Một bức tranh bút lửa do Nguyễn Khánh Hoàng vẽ.

Chẳng cần ai hướng dẫn, chỉ bảo, Nguyễn Khánh Hoàng tự mua gỗ về mày mò thử nghiệm. Ban đầu anh dùng bút chì vẽ trước, sau đó vẽ lại bằng bút lửa. Khánh Hoàng không ngờ mình lại có năng khiếu vẽ tranh bút lửa đến vậy. Tác phẩm đầu tiên thành công ngoài sự mong đợi, đến anh cũng phải ngạc nhiên vì độ tinh xảo của nó.

Từ đó, Nguyễn Khánh Hoàng quyết định bỏ nghề vẽ tranh sơn dầu trên gỗ chuyển sang vẽ tranh bút lửa ở chợ đêm Đà Lạt. Miệt mài vừa làm, vừa tự mình mày mò thử nghiệm những cách vẽ sáng tạo, đến nay, sau 3 năm, tay nghề của Nguyễn Khánh Hoàng đã lên cao mà không ít người lớn tuổi, làm nghề tranh bút lửa nhiều năm qua cũng phải trầm trồ thán phục.

Công đoạn vẽ tranh bút lửa bao gồm chọn gỗ, đánh bóng mặt gỗ, khắc phần chính của tranh trước, sau đó khắc chi tiết và nhấn nhá phần ánh sáng. Để một bức tranh hoàn thiện đúng như mong đợi của người vẽ cũng như chủ nhân, ngoài nhiệt độ để đốt cháy thì loại bút, bề mặt gỗ và áp lực của bàn tay cũng sẽ quyết định phần ánh sáng, độ đậm nhạt và nét tinh xảo của mỗi bức tranh…

Dưới bàn tay khéo léo của Nguyễn Khánh Hoàng, những đường nét dần hiện ra trên mặt gỗ một cách sắc sảo, sống động. Khoảng 30 phút sau, chủ nhân đã có được một tấm chân dung giống mình như đúc. Khánh Hoàng thường vẽ theo yêu cầu của khách, phần lớn tranh của anh tập trung vào hai chủ đề là chân dung và tranh phong cảnh Đà Lạt do chính anh xách máy ảnh đi tìm những khoảnh khắc.

Gần đây, những tấm ảnh về tranh bút lửa tinh tế của Nguyễn Khánh Hoàng đã lan truyền nhanh trên nhiều trang mạng xã hội. Không ít người nhìn thấy ảnh tranh bút lửa của Hoàng đã tìm cách liên hệ với anh, gửi hình mẫu đặt anh vẽ tranh bút lửa làm kỷ niệm giữ lại nét tươi xuân một thời của đời mình.

Nghề làm tranh bút lửa truyền thống của Đà Lạt một thời tưởng chừng đã lụi tàn nay bỗng trỗi dậy mạnh mẽ bởi những tác phẩm sinh động. Bây giờ, ở chợ Đà Lạt, người ta vẫn thường gọi Hoàng là nghệ sỹ chợ đêm.

Kim Ngân
.
.
.