Di tích thiêng liêng trong thành cổ Hà Nội

Thứ Tư, 15/04/2015, 09:24
Sáng 14/4, tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long (Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của cơ quan Tổng hành dinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”.

Đây là sự kiện nhằm khẳng định và làm sáng rõ, sâu sắc hơn về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của cơ quan Tổng hành dinh tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong chiến thắng lịch sử của dân tộc, đồng thời khẳng định lại những thành tựu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến, và đưa ra những kiến nghị, nhằm phát huy các giá trị nhiều mặt của khu di tích đặc biệt này.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng hành dinh trong thành cổ Hà Nội là nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Bộ Quốc phòng.

Đây là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng để quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi.

Tại đây đã diễn ra hơn 1.000 cuộc họp quan trọng, trong khoảng thời gian các năm 1966, 1967, 1969, 1970, 1971, 1975 để lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc.

Chính nơi đây, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như trong thời gian diễn ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, di tích này đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện quan trọng, nhiều cuộc họp mang tính chất quyết định của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu.

Đây cũng là nơi phát ra nhiều chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng liên quan đến chỉ đạo và điều hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đặc biệt, trong đó có thể đề cập đến quyết định quan trọng như bức điện, chỉ thị chỉ đạo tốc độ tiến quân thần tốc.

Nơi đây chứng kiến 8 cuộc họp với 8 lần thay đổi của tổ trung tâm xây dựng kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đại tá Trần Ngọc Long cho biết: “Từ quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, cho đến khi lùi lại ngay trong năm 1975, rồi lại lùi lại trong tháng 4, tức là trước mùa mưa… phải nói là sự liên tục ban ra những quyết định mang tầm chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thứ hai, không thể không nhắc đến tư duy chiến lược đối với biển, đảo của cơ quan Tổng hành dinh, xuất phát từ căn hầm D67 này. Đó là quyết định giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền Việt Nam”. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Khi ta ý thức được giá trị liên tục của lịch sử thì chúng ta phải có một thái độ tôn trọng tính liên tục ấy. Nhưng bài toán khó là giải pháp cụ thể, giữ cái gì, thay đổi cái gì, cải tạo cái gì, thậm chí bỏ cái gì. Đối với di sản vật thể, chúng ta không thể làm lại được. Chúng ta không nóng vội và phải lắng nghe ý kiến của người dân”.

Di tích thành cổ Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2010). Các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích này trong đó có tiêu chí: là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỉ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay; minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử của một quốc gia dân tộc trong mối quan hệ khu vực và thế giới.

Cảnh Vũ
.
.
.