Đề xuất loại bỏ một số lễ hội, hoặc khu biệt hành vi hiến tế

Thứ Bảy, 07/03/2015, 10:31
Chỉ trong vòng chục ngày đầu năm mới, liên tiếp 4 lễ hội được phục dựng gây ồn ào dư luận vì sự phản văn hóa, thiếu tính nhân văn: lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, lễ hội Cầu Trâu ở Phú Thọ, lễ hội cướp phết ở Hà Tây và đền Gióng ở Sóc Sơn.

Điều này đã trở thành một nội dung quan trọng trong kỳ họp đầu tháng 3/2015 của Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) phải “tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực tại các lễ hội”. Bộ VH,TT&DL sẽ có giải pháp gì để khắc phục vấn đề trên là câu hỏi PV Báo CAND đặt ra với TSKH Phan Đình Tân (TSKH PĐT), Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL.

+ Bộ VH,TT&DL có chỉ đạo việc phục dựng lễ hội như vừa diễn ra không thưa ông? Quan điểm của Bộ trước những lễ hội đang gây bức xúc trong dư luận?

TSKH PĐT: Bộ VH,TT&DL chỉ chỉ đạo những lễ hội mang tính quốc gia, còn các lễ hội còn lại, địa phương chịu trách nhiệm. Việc phục dựng lễ hội phải có căn cứ nguồn gốc truyền thống lịch sử, phát huy những yếu tố, văn hóa, nhân văn, giáo dục, thẩm mỹ... Những yếu tố không còn phù hợp với xã hội hôm nay, cũng như văn minh thời hội nhập, cần cân nhắc loại bỏ.

Việt Nam là thành viên của các công ước quốc tế, trong đó có việc bảo tồn tính đa dạng văn hóa, vì vậy, không thể liệt kê những cái phi văn hóa vào. Bộ VH,TT&DL đã có quan điểm không ủng hộ những hành vi tàn ác với động vật như lễ hội Cầu Trâu, giết trâu trong lễ chọi trâu, lễ hội chém lợn hay cướp phết...

Từ lâu, Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo: chỉ những mỹ tục, có giá trị về văn hóa, giáo dục mới giữ lại. Việt Nam là đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên rất “yêu hòa bình, thân thiện, mến khách” - và đó là slogan của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vì thế, những hành vi phản cảm đó là đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Lễ hội của làng có thể ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia thì không thể để tình trạng “phép vua thua lệ làng”, mà chính quyền và Sở VH,TT&DL phải xem lại, có tham mưu và đề xuất xử lý ngay. Quản lý lĩnh vực tinh thần của nhân dân là phải hướng đến điều tốt đẹp. Hủ tục không phải là truyền thống, nó cản trở sự phát triển của văn minh, làm cho con người tàn bạo, trơ lỳ cảm xúc, bị khu biệt với cộng đồng.

Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, song cũng không ngụy biện, bảo thủ trước những hành vi không phù hợp. Phương Tây có những chuẩn mực khoa học cần tiếp thu, chúng ta cần học những gì hay để giữ hình ảnh đất nước.

+ Việc hàng loạt lễ hội có hành vi phản cảm có phải xuất phát từ việc phục dựng ồ ạt nhưng thiếu sự chọn lọc?

TSKH PĐT: Không phải do phục dựng, bởi không ai phục dựng những hành vi phản cảm, phi văn hóa như cướp lộc, chen lấn, đánh nhau, mà do vấn đề quản lý của chính quyền địa phương và sự vượt ngưỡng, thiếu kiềm chế của những người tham gia. Trong quá trình phục dựng, yếu tố nhân văn và văn hóa được đặt lên hàng đầu, như hội Gióng ở đền Sóc được công nhận Di sản thế giới thì không thể có hành vi cướp lộc như vậy. Hành vi biến tướng xảy ra trong các lễ hội là ngoài sự kiểm soát.

TSKH. Phan Đình Tân Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL.

Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa nghiên cứu thấu đáo, chỉ nghe mô tả một số hành vi là phục dựng, tái hiện cả những hành vi của thời mông muội, như chém lợn ở làng Ném Thượng, đập vào đầu trâu... Thời gian qua, có nhiều nhà nghiên cứu đề nghị bỏ nghi thức này, nhưng cũng có một số nhà nghiên cứu khác lại ủng hộ hoặc chần chừ trong ý kiến của mình, gây khó cho cơ quan quản lý, dẫn đến các lễ hội đua nhau tái hiện những hành vi tàn bạo, phản văn hóa.

+ Trước khi lễ hội ở làng Ném Thượng diễn ra, dư luận đã rất ồn ào, nhưng không thấy lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở và Cục Di sản văn hóa lên tiếng về vấn đề trên. Ông có quan điểm thế nào?

TSKH PĐT: Chúng tôi cho rằng, trách nhiệm trước hết là của Sở VH,TT&DL và chính quyền địa phương những nơi có lễ hội vì đã không kịp thời vào cuộc, khi Bộ VH,TT&DL đã có chỉ đạo về việc quản lý lễ hội, cũng như nêu quan điểm không ủng hộ các hành vi tàn bạo trong lễ hội. Cũng có thể địa phương ngại đụng chạm, nhưng khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo các địa phương đã nhận ra những hành vi phản cảm trong một số lễ hội.

+ Sau việc cướp lộc ở đền Sóc, một vị có trách nhiệm ở Hà Nội lại cho rằng đó là hành vi “cướp có văn hóa”. Ông nói sao về điều này?

TSKH PĐT: Khi xảy ra sự việc, lãnh đạo không nên né tránh, mà phải đánh giá khách quan và không bao che. Báo cáo gửi lên chỉ là một căn cứ để đánh giá và cần kiểm định qua nhiều nguồn tin, điều này rất quan trọng để “chẩn bệnh” cho đúng. Việc cướp phết, cướp lộc với những hình ảnh mà báo chí đã đưa trong thời gian qua không thể gọi là văn hóa, khi người cướp là những thanh niên dữ tợn, bặm trợn, có hung khí thì đó là hành vi không thể gọi là văn hóa. Nếu những hành vi đã được báo chí phản ánh là đúng thì không thể gọi là “cướp có văn hóa”, do đó, người phát ngôn cần phải thận trọng, cân nhắc, để việc quản lý lễ hội tốt hơn.

+ Để không tái diễn những lễ hội phản cảm như vừa qua, Bộ VH,TT&DL có những biện pháp gì, thưa ông?

TSKH PĐT: Bộ VH,TT&DL giao các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra các lễ hội, làm việc với từng địa phương, tham mưu để điều chỉnh những gì chưa phù hợp, có công văn khuyến cáo các địa phương chấn chỉnh những hành vi trong lễ hội làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.

Về lâu dài, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VH,TT&DL sẽ đánh giá toàn bộ các lễ hội, nghiên cứu nguồn gốc và tổ chức hội thảo khoa học về một số lễ hội, để tham mưu cho Chính phủ loại bỏ một số lễ hội, hay giữ lại một phần, hoặc khu biệt những nghi thức hiến tế, không để nhiều người xem.

Ngoài ra, Bộ VH,TT&DL cũng chỉ đạo Sở VH,TT&DL các tỉnh yêu cầu BTC lễ hội, BQL di tích, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước các lễ hội, về những hành vi phi văn hóa, mất ANTT trong lễ hội và cam kết chấn chỉnh, kèm các chế tài xử lý cả về hành chính lẫn kinh tế. Đây là việc làm không thể chần chừ được nữa.

+ Trong trường hợp người dân chưa đồng tình chấm dứt những hành vi hiến tế dã man trong lễ hội, Bộ VH,TT&DL có áp dụng các biện pháp hành chính?

TSKH PĐT: Sự thay đổi cần một quá trình, nhưng không có nghĩa là phụ thuộc hết vào ý muốn người dân. Cơ quan quản lý Nhà nước là trọng tài, phải vì quyền lợi của nhân dân và không thể đặt quyền lợi của một nhóm lợi ích lên trên lợi ích quốc gia. Điều quan trọng là phải nghiên cứu nguồn gốc lễ hội, loại bỏ những yếu tố phi văn hóa, đồng thời nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhưng chính quyền cần thực thi mạnh hơn quyền của mình bằng việc có yêu cầu chứ không thể chỉ đề nghị.

+Cảm ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.