Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III:

Đề tài Công an hấp dẫn các sân khấu xã hội hóa

Thứ Bảy, 04/07/2015, 10:42
Có 6 vở diễn của 4 sân khấu xã hội hóa phía Nam tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III do Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức (diễn ra từ ngày 10/7 đến 24/7 tại Hà Nội). Giữa lúc sân khấu phía Nam vốn ít mặn mà với các liên hoan vì chật vật kinh phí thì số lượng các vở tham dự liên hoan lần này tăng vọt so với hai liên hoan trước là tín hiệu đáng mừng.

Cụ thể, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ góp mặt với vở “Phía sau tội ác” (tác giả: Lê Chí Trung - Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực); Sân khấu Sao Minh Béo với vở “Kẻ máu lạnh” (tác giả: Duy Khiêm, đạo diễn: Minh Béo). Thậm chí có đoàn tham gia hai vở. Công ty sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn của NSND Hồng Vân dựng “Người đàn bà uống rượu” (tác giả: Trung tướng – Nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: Quốc Thảo) và “Chuyên án 292” (tác giả: NSND Hồng Vân, đạo diễn: Diệp Tiên). Sân khấu Thế giới trẻ của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh chuẩn bị hai vở hoàn toàn mới: “Bông hồng vàng” (tác giả: Trần Kim Khôi, đạo diễn: Phạm Huy Thục)  và “Cát trắng như gạo” (kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Quang Vinh). Sự góp mặt của các sân khấu phía Nam hứa hẹn mang đến làn gió mới. Sân khấu Thế giới trẻ từng chinh chiến ba lần ở liên hoan và gặt nhiều thành công. 

Đạo diễn Phạm Huy Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh nhận định: “Nhiều vở diễn tham gia liên hoan năm nay là một nỗ lực đáng ghi nhận của các sân khấu xã hội hóa phía Nam, nhất là khi tình hình hoạt động gặp muôn vàn khó khăn trong khi kinh phí tự đầu tư mỗi lần đi thi rất lớn. Các vở diễn xong lại bán vé không được, đành cất kho nên họ không dám mạo hiểm. Do đó, số lượng vở tăng chứng tỏ liên hoan đang ngày càng có sức hút và khẳng định uy tín”. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công an với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng đã động viên các sân khấu mạnh dạn tham gia. 

Một cảnh trong vở “Bông hồng vàng” của Sân khấu Thế giới trẻ.

Nghệ sĩ Minh Béo cho hay, sân khấu của anh dù còn khá mới nhưng rất chuộng các đề tài Công an. Bởi đề tài này gắn liền với nhiều vụ án nguy hiểm, ly kỳ, làm dậy sóng dư luận. Chính vì vậy “Kẻ máu lạnh” của Sân khấu Sao Minh Béo ngay từ khi ra mắt đã thu hút rất đông khán giả. Trên nền một vụ án thảm khốc, nổi bật những chiến sĩ Công an quả cảm. Các nữ Cảnh sát tiếp cận ổ mại dâm, đối mặt mọi nguy hiểm để lần tìm đầu mối ké sát nhân. Nghệ sĩ Minh Béo thừa nhận: “Với đề tài Công an, nếu dựng không khéo, thiên quá nhiều về tính giải trí, khai thác tỉ mỉ các yếu tố rùng rợn, giết người tàn khốc, vở dễ mang tính giật gân, câu khách”.

Tại Đại hội đại biểu Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh lần 7 vừa qua, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội, khẳng định đời sống của sân khấu thành phố đang ngày càng phát sinh nhiều khó khăn, mâu thuẫn. Ngoài thiếu điểm biểu diễn trầm trọng, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp, còn xảy ra mâu thuẫn giữa chất và lượng vở diễn. Giữa sự cạnh tranh của loại hình văn hóa giải trí mới mẻ, sân khấu ngày càng thiếu vắng khán giả. Để chèo chống, các sân khấu xã hội hóa buộc phải “ăn xổi ở thì”, dựng tràn lan những vở hài nhảm, ưu ái kịch kinh dị, ma quái. Giữa trào lưu kinh dị, các vụ án rùng rợn, dã man... được khai thác tối đa. Lúc đó người Công an chỉ là cái bóng thoáng qua hoặc chỉ là nhân vật phụ để kết thúc vở kịch. Vậy nên, liên hoan là dịp giúp các sân khấu xã hội hóa phía Nam nhìn lại cách khai thác mảng đề tài này. Bởi đây là mảng đề tài màu mỡ để các nghệ sĩ tung tẩy, sáng tạo nghệ thuật, đồng thời có thể lồng ghép bài học nhân sinh, giáo dục nhẹ nhàng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đa số các vở kịch mà sân khấu phía Nam mang đến liên hoan lần này đều xây dựng hình tượng người CAND một cách thân thuộc, gần gũi với công chúng  bằng thủ pháp dựng hiện đại, pha chút lãng mạn. Tất cả đều mong muốn gửi gắm đến người xem thông điệp về sự hy sinh, mất mát và những tâm tư rất thật, rất đời của người chiến sĩ CAND trong cuộc chiến ác liệt chống tội phạm, giữ gìn bình yên quê hương.

Quỳnh Nga
.
.
.