Tự ý đặt nhiều bia đá tại lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, Thái Bình:

Đề nghị xử lý tổ chức và cá nhân vi phạm

Thứ Hai, 11/05/2015, 07:58
Tại khu vực đền thờ các vị vua triều Trần, ai đó mới đặt tấm bia công đức bằng đá xanh cao hơn 2,7m, rộng 1,7m, chân bia cao 0,5m, khắc nội dung văn bia “Trần triều đế miếu” bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trước đền Thánh và đền Mẫu cũng dựng tấm bia đá có kích thước lớn như tại đền Vua, khắc họa hình tượng rùa đội bia, nội dung cũng bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Còn tại khu mộ các vua Trần, ở ba ngôi mộ đều xuất hiện tấm bia đá xanh công đức cao khoảng 2,4m, rộng 1,4m, với những dòng chữ khắc hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có tiếng Việt. Điều đáng nói là, các nội dung khắc trên văn bia chưa được cơ quan chuyên môn xác minh, thẩm định, nên không biết có chính xác không và dẫn từ nguồn nào. Còn trang trí hoa văn trên bia không tuân thủ theo văn hóa mỹ thuật cổ.

Việc tự ý đưa hàng loạt bia đá vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt của Ban Quản lý đền Trần là vi phạm nghiêm trọng. Nơi đây được coi là nơi phát nghiệp vương triều Trần, là nơi yên nghỉ của các vị vua đầu triều Trần, như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và cũng gìn giữ một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Do đó, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là công trình, địa điểm gắn liền với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Hơn nữa, Khu Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào tháng 3/2015.

Do vậy, mọi hoạt động tuyên truyền phát huy giá trị di tích, hoạt động nhằm bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích phải hết sức thận trọng, khoa học và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trước sự phản ứng của dư luận, ngày 4/5/2015, Thanh tra Bộ VH,TT&DL và Cục Di sản văn hóa đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần tại tỉnh Thái Bình.

Những tấm bia bằng đá xanh mới dựng khắc chữ Việt và Anh, chưa được cơ quan chức năng thẩm định.

Ngày 10/5, TS. Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL cho biết, sau khi có kết quả thanh tra, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, đề nghị chỉ đạo giải quyết sai phạm tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Trần tỉnh Thái Bình.

Theo TS. Phan Đình Tân, kết quả kiểm tra đã cho thấy: Số bia mới dựng trong khu vực di tích sử dụng vật liệu bền vững là đá xanh Thanh Hóa và đồng, được thiết kế khá lớn với các hoa văn, họa tiết rồng, lá đề, chim thần, hoa cúc dây, sóng nước…  sử dụng, copy, chỉnh sửa từ các hoa văn họa tiết thời Lý - Trần tại các di tích và hiện vật khai quật khảo cổ như: Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Chùa Đọi Sơn (Hà Nam), Chùa Thái Lạc (Hưng Yên), Hoàng thành Thăng Long...

Đa phần nội dung các văn bia được trích dẫn trong các tài liệu lịch sử, tuy nhiên, nội dung các văn bia do Ban Quản lý đền Trần tự soạn, chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và đồng ý, do đó, quy cách trích dẫn, trình bày chưa thống nhất, khoa học, còn lẫn lộn về ngữ pháp tiếng Hán cổ đại và tiếng Việt hiện nay, chưa kể khá nhiều lỗi chính tả và hiện tượng tẩy xóa trên mặt bia. Trong phần dịch sang tiếng Anh còn có chỗ chưa chính xác, hoặc chỗ thì dịch, chỗ thì để nguyên.

Bộ VH,TT&DL cũng nêu rõ: Việc Ban Quản lý đền Trần tự ý đặt 3 bia đá và 3 bia đá ốp chất liệu kim loại đồng vào khu vực bảo vệ I của di tích, sau khi xếp hạng Di tích cấp quốc gia mà chưa có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng và không thực hiện đúng các trình tự theo quy định, là vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.

Đến nay, Ban Quản lý đền Trần sau khi di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt lại tiếp tục đặt thêm 3 bia đá có ghi tiếng Việt và dịch tiếng Anh tại 3 đền thờ và 3 bia đá có ghi tiếng Anh tại 3 lăng mộ là vi phạm Luật di sản văn hóa.

Vì thế, Bộ VH,TT&DL đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo Sở VH-TT&DL, Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà, Ban Quản lý đền Trần tháo dỡ và di dời các bia đá trên ra khỏi khuôn viên di tích trước ngày 15/5/2015. Việc đưa các hiện vật vào Khu di tích phải thực hiện theo quy trình, thủ tục của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành.

Theo đó, Sở VHTT&DL Thái Bình cần mời các nhà khoa học (sử học, hán nôm, di sản văn hóa, mỹ thuật cổ, bảo tồn di tích...) thẩm định nội dung các văn bia. Nếu nội dung có nhiều sai sót, thì cần loại ra khỏi di tích. Bia nào đáp ứng yêu cầu có thể xem xét làm thủ tục cho phép dựng tại di tích.

Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.

Thanh Hằng
.
.
.