Để các nhà xuất bản không rơi vào vòng xoáy bán giấy phép

Thứ Tư, 04/02/2015, 10:16
Năm 2014 có thể xem là một năm nhiều “sự cố” đối với ngành Xuất bản, khi mà cả nước có tới 306 xuất bản phẩm bị xử lý, trong đó có 120 xuất bản phẩm có nội dung sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc cho cộng đồng. Ngoài “thủ phạm” chính là việc các nhà xuất bản (NXB) phó mặc cho đối tác liên kết, hoặc bị đối tác liên kết qua mặt dẫn đến sai phạm tràn lan thì nhiều ý kiến cho rằng, sự thiếu đầu tư, quan tâm của cơ quan chủ quản các NXB cũng chính là một trong những tác nhân khiến nhiều NXB rơi vào bết bát.

Tại Hội nghị cơ quan chủ quản các NXB vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành thẳng thắn đặt vấn đề: Với những sai phạm của lĩnh vực xuất bản trong thời gian qua, các NXB, đối tác liên kết và Cục Xuất bản, In và Phát hành bị lên án. Nhưng đã đến lúc chúng ta cũng phải nói thẳng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản NXB. Bởi lẽ, theo quy định pháp luật, các cơ quan chủ quản có phần trách nhiệm rất lớn đối với hoạt động của các NXB, từ việc đầu tư cơ sở vật chất đến bổ nhiệm, đề bạt cán bộ quản lý cho NXB, chịu trách nhiệm khi để NXB có hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích.

Cũng theo chia sẻ của ông Chu Hòa, mặc dù là “cha đẻ, mẹ đẻ” của các NXB, song nhiều cơ quan chủ quản lại phó mặc “con của mình” với một số vốn đầu tư rất ít. Và để tồn tại, nhiều NXB phải bắt tay hoặc giao quyền cho các đối tác tư nhân, dẫn đến việc không kiểm soát được nội dung, chất lượng các xuất bản phẩm do mình xuất bản.

Viện dẫn cho điều này, ông Chu Hòa đã dẫn chứng về trường hợp của NXB Văn hóa - Thông tin. “Đã 2 năm nay, NXB Văn hóa - Thông tin rơi vào thảm cảnh không nuôi nổi mình, phải nợ lương và phải cho anh em ở nhà, còn mỗi Giám đốc ngồi trực, chờ khách hàng và thậm chí chờ bán giấy phép. Hệ quả là với một loạt sai phạm trong hoạt động xuất bản trong năm 2014, NXB này đã để cho ngành Xuất bản, Bộ TT&TT nhiều tai tiếng”- Cục trưởng Chu Hòa cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh thêm: Việc thiếu vốn, thiếu nguồn lực đầu tư từ cơ quan chủ quản đã khiến nhiều NXB rơi vào tình trạng “ăn đong” trong nhiều năm qua. Trên 50% số NXB hiện có vốn làm sách dưới 2 tỷ đồng (tức là chỉ có thể đầu tư được từ 5-10 đầu sách). Bộ máy nhân sự của các NXB vẫn chưa được kiện toàn, bởi có 13/63 NXB thiếu các chức danh tổng biên tập hoặc giám đốc. Nhiều NXB phải đi thuê trụ sở hoặc chung trụ sở với các đơn vị khác của cơ quan chủ quản mà diện tích rất nhỏ hẹp. Ðiển hình là NXB Tri Thức, NXB Ðại học Kinh tế Quốc dân chỉ có một phòng làm việc khoảng 20m²...

Hai cuốn sách của NXB Lao động - Xã hội bị phạt nặng và có quyết định thu hồi trong năm 2014.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vốn, nhất là vốn lưu động không chỉ khiến năng lực của các NXB suy giảm, mà còn dẫn đến sự phụ thuộc của các NXB vào đối tác liên kết ngày càng lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều NXB vẫn chỉ nhận được số vốn đầu tư ít ỏi từ ngày đầu thành lập, chưa được bổ sung vốn đúng theo quy định của Luật Xuất bản. Đơn cử như NXB Thanh Niên nhận được 650 triệu đồng, NXB Đại học Thái Nguyên 200 triệu đồng, NXB Đại học Hàng hải 250 triệu đồng…

Đề cập đến những giải pháp nhằm khắc phục bất cập nêu trên, Cục trưởng Chu Hòa cho biết: Sắp tới, các NXB sau khi làm thủ tục đổi giấy phép thì phải rà soát lại, nếu không đủ mức vốn là 5 tỷ đồng thì Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tham mưu các Bộ liên quan xử lý, kiên quyết không để các NXB rơi vào dòng xoáy bán giấy phép. Trong trường hợp nếu các cơ quan chủ quản không bố trí được kinh phí cho các NXB thì nên chủ động tính tới phương án giải tán NXB hoặc tiến hành sáp nhập NXB này với NXB khác, tránh đưa ra xã hội những “cơ thể ốm yếu”.

Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng:  Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, trong năm 2015, Bộ TT&TT sẽ tập trung nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các NXB, đặc biệt là cơ chế, chính sách về tài chính. Qua đó hạn chế mức thấp nhất các hành vi vi phạm, không để  xảy ra tình trạng vẫn còn một số NXB tồn tại bằng cách bán giấy phép, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản phẩm.

Huyền Thanh
.
.
.