Yêu và hóa thân đến tận cùng với nhân vật

Thứ Bảy, 14/07/2012, 23:55
Văn Báu một trong số rất ít nghệ sĩ tạo dựng được thương hiệu bằng những vai diễn Công an độc đáo và ấn tượng, được đánh giá là “mang đến luồng sinh khí mới trong việc khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an”. Gương mặt hiền lành, cương nghị và chân chất, ánh mắt luôn toát lên sự trong sáng, tin cậy cùng lối diễn biểu cảm, căng đầy sức sáng tạo của Văn Báu đã chinh phục nhiều đạo diễn.

Từ vai diễn chạm ngõ truyền hình là anh Cảnh sát trại giam, đến nay, Văn Báu đã có hàng chục vai Công an đọng lại trong tâm trí khán giả: seri phim Cảnh sát hình sự với “Lời sám hối muộn màng”, “Làng cát”, “Trò chơi sinh tử”, “Bí mật những cuộc đời”, “Hành trình bí ẩn”, “Chạy án 1”, “Chạy án 2” và hiện đang tham gia phim “Tam giác vàng” v.v… Văn Báu đã vinh dự được Bộ Công an trao tặng Kỷ niệm chương, ghi nhận sự đóng góp của anh với lực lượng Công an.

PV: Thưa nghệ sĩ Văn Báu! Vai diễn đầu tiên trong phim truyền hình của anh lại là vai Cảnh sát, hẳn có nhiều cảm xúc đáng nhớ?

Nghệ sĩ Văn Báu: Lúc đó, thú thực, tôi rất lớ ngớ, vì chưa hiểu gì về Công an. Sau khi đọc kịch bản, tôi đi thực tế ở Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Những cuộc trò chuyện với các cán bộ quản giáo lâu năm, cộng với kịch bản phim “Chuyện về một người tù” chuyển thể từ truyện ngắn “Người tù của ngày xưa” của nhà văn Nguyễn Hồng Thái do đạo diễn Nguyễn Văn Thu chuyển thể kịch bản kiêm đạo diễn. Tôi từng đóng vai quản giáo, hằng ngày được sống, tiếp xúc với nhà văn, với đạo diễn và các chiến sĩ Công an trại giam, với phạm nhân nữa nên hiểu khá nhiều về nghề Công an.

Bộ phim kể về tấm lòng người Trưởng trại giam với người bạn thân thiết đang là phạm nhân, đã khiến thay đổi nhận thức về người Công an. Tôi hiểu rõ thế nào là tình, là lý, rằng người Công an không phải chỉ biết nguyên tắc cứng nhắc, chuyên bắt bớ như nhiều người lầm tưởng, mà đằng sau bộ cảnh phục là trái tim vô cùng nhân ái. Chính điều này đã giúp tôi rất nhiều trong thể hiện nhân vật, đồng thời, còn là kim chỉ nam trong nhiều vai diễn sau này.

PV: Anh đã có quá trình học hỏi thế nào để bồi đắp cho những vai diễn đủ sức thuyết phục cả những khán giả kỹ tính?

Nghệ sĩ Văn Báu: Tôi đã đi thực tế hầu khắp Công an các phường, xã ở Hà Nội cũng như Công an nhiều tỉnh miền núi. Ở đâu, tôi cũng tranh thủ trò chuyện, hỏi han về hoàn cảnh gia đình, quá trình phấn đấu, cả việc “đánh” án của người Công an, để ngày càng hiểu thêm rằng, Cảnh sát nhân dân (CSND) cũng là những con người bình thường, với nỗi lo cơm áo gạo tiền và những mong ước giản dị của đời sống thường nhật. Họ cũng phải chịu cảnh vợ ốm con đau, người yêu bỏ. Nhưng khi đã khoác bộ trang phục Cảnh sát lên người, xác định mình là người đại diện của pháp luật, phải duy trì kỷ cương, họ phải cắn răng chịu đựng hy sinh, vất vả, để sống gương mẫu, xứng đáng.

Mỗi kinh nghiệm, câu chuyện thực tế đều được tôi ghi nhớ, làm cơ sở đối chiếu với các hoàn cảnh của nhân vật mà tôi diễn xuất sau này. Khi đóng phim, tôi lại hình dung ra con người ấy, hoàn cảnh ấy để thể hiện bằng sự sáng tạo. Tất nhiên, mỗi vai diễn đều là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên mẫu mà tôi đã gặp.

Nghệ sĩ Văn Báu vai chiến sĩ Công an và Đoàn làm phim “Bí mật tam giác vàng”.

PV: Bí quyết nào để anh đã đóng rất nhiều vai Cảnh sát, nhưng đều mang dấu ấn riêng, không lặp lại?

Nghệ sĩ Văn Báu: Đặc điểm chung của người CSND là quyết liệt, mưu trí và dũng cảm, nhưng tính chất công việc của mỗi người lại khác nhau, từ nhiệm vụ, đến cách điều tra, phá án. Vì thế, khi vào vai, tôi đọc kỹ kịch bản, tự xây dựng “lý lịch” nhân vật: hoàn cảnh xuất thân, trình độ, cương vị hiện nay là lính hình sự hay ma túy, Trưởng phòng hay Giám đốc, quá trình làm việc, thành tích ra sao?

Rồi định hình tính cách: có nhân vật nhẹ nhàng, làm việc bằng trí óc, có người quyết liệt, ăn to nói lớn, để tôi dựa trên đó mà khắc họa, tạo sự khác biệt trong từng nhân vật. Diễn viên phải đi sâu vào tâm lý, tình cảm, bản chất con người, sự việc, để thể hiện những trăn trở, đấu tranh giằng xé giữa lý và tình của người Cảnh sát, phải lý giải được vì sao đối tượng phạm tội, tại sao anh Công an vẫn hoàn thành nhiệm vụ, trong hoàn cảnh vợ ốm con đau? Trên tất cả, người diễn viên phải yêu nhân vật, để hết mình sáng tạo, mới hóa thân thành công.

PV: Kỷ niệm nào đọng lại sâu sắc trong anh trong những lần vào vai người CSND?

Nghệ sĩ Văn Báu: Khi quay phim “Bí ẩn những cuộc đời” ở trại V16, tôi và Nguyễn Hải có một đoạn diễn nội tâm ngắn nhưng rất khó, nên phải quay đi quay lại nhiều lần. Tôi liền đề nghị đạo diễn cho nghỉ, rồi ngồi riêng với Hải, phân tích kỹ tâm lý nhân vật để Hải tĩnh tâm thể hiện. Sau đó, 2 chúng tôi đã diễn đoạn này rất ăn ý, đến mức xem lại, chính tôi còn rớt nước mắt vì xúc động. Sáng hôm sau, tôi ngạc nhiên khi đồng chí Trưởng trại mời vào uống nước và bảo: “Hôm qua, nghe anh Báu phân tích về tâm lý người Công an, tôi mới hiểu vì sao anh thành công ở các vai này đến thế. Bản thân tôi nghe anh nói, cũng suy nghĩ rất nhiều về tình đời, tình người”.

Lúc đó mới biết, chúng tôi quay trong phòng có đặt camera và người Trưởng trại tình cờ xem tôi và Nguyễn Hải trao đổi với nhau. Lúc đóng, tôi không nghĩ mình là thằng Báu, chỉ nghĩ mình chính là người Cảnh sát đang rơi vào hoàn cảnh đắng cay, trớ trêu, khi phải đạp lên đạo lý để hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, nhân vật cũng không còn là anh Trưởng phòng, mà trần trụi một con người trong hoàn cảnh đáng thương, phải đối mặt với người bạn thân vì vô tình mà phạm tội. Phim quay xong, mọi người trong đoàn rủ nhau đi nghỉ, đi chơi, còn tôi, lặng lẽ ra Hồ Tây ngồi một mình đến sáng với tâm trạng căng như dây đàn. Nỗi buồn nhân tình thế thái của vai diễn ám ảnh, khiến phải nhiều ngày sau đó tôi mới thoát khỏi những cảm xúc của nhân vật, để trở lại là chính mình.

PV: Anh luôn hóa thân đến tận cùng với nhân vật?

Nghệ sĩ Văn Báu: Tôi luôn hết lòng với vai diễn và yêu nhân vật của mình. Tôi nhìn thấy những điều tốt đẹp trong con người họ, hiểu rõ đó là con người quyết đoán hay nhu nhược, mưu trí hay đơn giản. Diễn viên là lấy hành vi của người khác làm của mình, nhưng nếu không yêu nhân vật, cảm giác mình là chính họ để nhập vai, sẽ chỉ là những vai diễn tròn vai, không thể lắng lại điều gì trong lòng khán giả. Phim truyền hình của ta thường không theo logic, trình tự lớp lang, nên người diễn phải thấu hiểu nhân vật, hoàn cảnh, kịch bản thì mới nuôi được cảm xúc, cũng như không lẫn cảm xúc trong vai diễn và mới có thể hóa thân nhuần nhuyễn, thuyết phục được khán giả.

PV: Từng có lúc anh từ chối vai Cảnh sát vì sợ lặp lại mình, rồi lại bị các đạo diễn “thu phục”. Khán giả vẫn lo lắng liệu có còn được gặp anh trong các vai diễn Công an rất hấp dẫn nữa không?

Nghệ sĩ Văn Báu: Đã có lúc sợ làm khán giả nhàm chán, tôi định dừng lại. Nhưng tình yêu với các vai diễn Cảnh sát vẫn luôn cháy bỏng, khiến tôi lại đi tiếp. Dĩ nhiên, tôi lại phải không ngừng sáng tạo, để có những nhân vật Công an không lặp lại. Hiện tôi đang vào vai Thượng tá Minh trong bộ phim truyền hình “Tam giác vàng” (kịch bản của nhà văn Nguyễn Như Phong), do VTV đầu tư 20 tỷ đồng.

PV: Xin cảm ơn anh!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.