Yến Vy đóng phim “Trung uý”: Có tiếng mà chẳng có miếng

Thứ Hai, 09/05/2005, 08:20

Dư luận lại một lần nữa được phen ồn ào xung quanh tin Yến Vy được mời đóng phim "Trung uý". Chưa biết Yến Vy có nhận được vai diễn này thật hay không nhưng với cách trả lời đầy mâu thuẫn của đạo diễn Hà Sơn, xem ra Yến Vy chỉ là cái cớ để khán giả quan tâm đến bộ phim hơn.

Báo Điện ảnh - Kịch trường cuối tháng 4 đăng thông tin diễn viên Yến Vy được đạo diễn Hà Sơn mời vào vai nữ chính trong phim "Trung úy", một vai diễn ông đo ni đóng giày cho cô từ khi làm kịch bản. Ngay sau đó, một số báo lên tiếng rằng, ông muốn lợi dụng Yến Vy để tạo scandal nhằm câu khách và Yến Vy liên quan đến scandal tình dục, không nên đóng vai chiến sỹ cách mạng. Lập tức, Hà Sơn trả lời Báo Thanh niên: Đó là thông tin lá cải.

Tuy nhiên, cũng chỉ sau đó một ngày, ông lại trả lời báo điện tử VnExpress rằng, một bộ phim là một sản phẩm hàng hoá và muốn bán được sản phẩm thì phải tiếp thị. Ông sẽ mời Yến Vy, trước hết là thử vai, nếu Yến Vy đóng phim này ăn khách thì cũng là một hiện tượng văn hóa (?!). Nếu Yến Vy tham gia phim, được công chúng chú ý thì đó cũng là một phương thức quảng cáo. Trả lời câu hỏi "mục đích của ông khi mời Yến Vy đóng phim?", đạo diễn Hà Sơn cho biết, đó cũng là một kiểu thu hút sự tò mò của khán giả. Người tạo ra scandal là người có khả năng (?!). Trước những thông tin trên, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với đạo diễn Hà Sơn.

Theo đạo diễn Hà Sơn, ông không rõ tờ báo nào đã đưa tin ông mời Yến Vy và "đo ni đóng giày" vai diễn này cho cô, nhưng chắc chắn đó là thông tin lá cải, sai sự thật. Ông cũng không biết tờ báo đó, không lên mạng nên không biết người ta đã viết gì và Yến Vy đã… làm gì. Điều này quả thực lạ lùng, dường như ông không biết những thông tin về mình có được đăng tải thật hay không, nhưng lại sẵn sàng trả lời để… mắng một tờ báo của ngành Văn hóa là báo lá cải! Và tiếp sau đó, ông lại mập mờ, có gửi kịch bản, có cho thử vai và nếu Yến Vy tham gia sẽ là một "hiện tượng văn hóa".

Khi chúng tôi hỏi ông, tại sao trước những thông tin mà Báo Điện ảnh - Kịch trường nêu chưa chính xác (theo lời Hà Sơn nói), ông không lên tiếng một cách trực tiếp, nhất là tờ báo của ngành Điện ảnh? Ông nói rằng, ông không biết tờ báo đó đăng. "Nghĩa là phóng viên của tờ báo này đã không hề tiếp xúc với ông để lấy thông tin?", "Hoàn toàn không. Nhưng có một cuộc trao đổi qua điện thoại của tôi và một người bạn. Bạn hỏi, ông định mời Yến Vy hả? Tôi nói, mời Yến Vy thì đã sao nào?". 

Có thể nói, Trung úy thuộc dòng phim chiến tranh mà cái "chết" nhất là phim kiểu này ở Việt Nam tạo ra một phản ứng của khán giả do thiếu sự chân thực và lắng đọng cần thiết. Một bộ phận không nhỏ khán giả bây giờ vẫn còn mê say với phim giải trí, với "gái, bầu, chân dài"… chứ chưa mặn mà với phim Việt kỹ xảo như trò chơi điện tử. Đến như Giải phóng Sài Gòn được báo chí tiền hô hậu ủng (công bằng mà nói, phim này hay thật, đáng xem) nhưng khán giả đến rạp cũng không nhiều như mong đợi, không xứng với công sức mười mấy năm của các đạo diễn. Thế nên, Trung úy muốn tạo được chú ý ngay từ đầu, thu hút được đầu tư bên ngoài (cho đỡ eo hẹp kinh phí) và hy vọng sẽ bán được phim thì buộc phải tiếp thị mà thôi. Vậy thì tiếp thị thế nào cho hiệu quả là một vấn đề thực sự.

Đạo diễn Hà Sơn cho biết, vai nữ chính trong phim Trung úy là một cô gái dân tộc thiểu số nhà ở cạnh sân bay địch. Cô thường cùng những người dân ăn cắp hàng ở sân bay ra ngoài để bán. Sau nhiều lần tiếp cận sân bay bất thành, ngẫu nhiên trung úy đặc công QĐND Việt Nam gặp được cô gái. Và nhờ cô mà các chiến sỹ đặc công đã đột nhập, đánh phá sân bay. Nhưng trong chiến tranh, những người đàn ông đi mãi không về và cô gái muốn hiến thân cho một người đàn ông. Đó là một cô gái hoàn toàn sống theo bản năng. Cô có vẻ đẹp "phồn thực", một hình mẫu rất… đàn bà, kiểu như hình mẫu của cô Rose trong phim Titanic. Bộ phim sẽ có nhiều cảnh nóng bỏng, còn chuyện làm tình, yêu đương thì Việt Nam hay bất cứ đâu trên thế giới này cũng giống nhau mà thôi, tuy nhiên, chúng ta không được vượt quá giới hạn đạo lý.

Ông cũng cho rằng, nhiều người mẫu, diễn viên Việt Nam đóng phim rất thiếu sức sống, thiếu những nét đẹp của người phụ nữ, tình yêu nam nữ có vẻ giả dối, không đúng cách con người yêu nhau. Vai diễn của ông cần một cô gái sống và yêu hết mình, hết mình trong cả cách hiến thân cho một người đàn ông, nghĩa là phải thể hiện một tình yêu cuồng nhiệt. Có lẽ vì tất cả những điều đó, vì những đặc điểm nhân vật như vậy mà đạo diễn Hà Sơn đã gửi kịch bản cho Yến Vy và sẽ mời cô thử vai diễn này?

Điều đáng nói là Yến Vy, thông tin đưa về cô trên báo tưởng như là một cơ hội vươn lên sau vấp ngã nhưng đã bị đạo diễn Hà Sơn giội một gáo nước lạnh. Ông nói, không nên giết chết một con người bằng những định kiến hạn hẹp. Nhưng khi chúng tôi hỏi, giả sử ông biết, ông nghe thấy chuyện Yến Vy hoặc một diễn viên nào đó, có dính líu tới các hoạt động không trong sáng, liệu ông có mời họ vào phim? Đạo diễn Hà Sơn khẳng định: "Tôi không bao giờ làm chuyện đó". Hai điều này có vẻ như mâu thuẫn với nhau. Chỉ có một điều không mâu thuẫn, đó là việc ông có ý định mời Yến Vy vào phim đã trở thành tin được quan tâm (do những scandal trước đây của Yến Vy) và Trung úy được nhắc nhiều hơn so với những bộ phim có vẻ như đồng hạng khác. Nếu Yến Vy đóng phim, khán giả sẽ tò mò đến rạp, còn nếu cô không được ông mời thì thông tin đó đã kịp lan truyền và lưu vào bộ nhớ của công chúng, người ta cũng sẽ đến rạp để xem nhân vật ấy như thế nào mà Yến Vy không… đủ sức đóng. Quả là một chiêu lăng xê lợi hại.

Đến bây giờ thì việc đạo diễn Hà Sơn mời ai vào vai nữ chính vẫn trong vòng bí mật vì đạo diễn cho rằng ai bỏ vốn đầu tư người đó quyết định luật chơi. Chỉ thương cho Yến Vy, rất có thể sau những tai tiếng scandal tình dục, cô chỉ có tiếng mà chẳng có… miếng nào với điện ảnh. Không chỉ có vậy, chắc chắn cô sẽ phải chịu rất nhiều búa rìu dư luận, những dư luận mà lẽ ra đã được khép lại rồi

Bảo Bình
.
.
.