Y học thể thao Việt Nam: Nỗi lo lớn

Thứ Năm, 12/05/2005, 07:21

Trước SEA Games 22, thể thao Việt Nam phải gánh chịu 2 nỗi mất mát lớn mang tên Trần Thanh Ngời và Đỗ Xuân Tâm. Với bóng đá, Nam Trung là trường hợp cầu thủ Việt Nam đột tử đầu tiên. Nhưng đây sẽ không là trường hợp cuối cùng nếu như bóng đá Việt Nam nói riêng và nền thể thao nói chung vẫn ti

Tại Hội thảo "Tầm nhìn châu Á" diễn ra vào tháng 9/2004, đoàn cán bộ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã từng cảnh báo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN): Trong 11 lĩnh vực cần phải phát triển của bóng đá, thì trọng tài và y học thể thao là 2 lĩnh vực mà bóng đá Việt Nam rất yếu. Cái gọi là y học thể thao của bóng đá Việt Nam chỉ dừng lại ở mức đánh giá sơ bộ thể lực VĐV.

Giám đốc Y học thể thao của chương trình "Tầm nhìn châu Á", Gurchanran Sigh đã "phê bình": "Cơ sở vật chất cho y học thể thao của bóng đá Việt Nam gần như chưa có gì, một khoá học bồi dưỡng về y học thể thao dành riêng cho bóng đá cũng chưa từng được tổ chức".

Thực trạng y học thể thao của bóng đá nước nhà còn bất cập, đáng lo ngại hơn. Việc khám sức khỏe cho các VĐV đầu vào ở địa phương khá sơ sài, rất ít nơi tổ chức khám chuyên khoa để phát hiện bệnh của VĐV. Ở các giải đấu, bộ phận y tế chủ yếu làm nhiệm vụ cấp cứu, chữa thương, chứ không có chức năng phòng và phát hiện bệnh. Đội ngũ bác sĩ ở các CLB bóng đá vừa thiếu vừa yếu. Thậm chí, phần lớn các đội bóng ở Việt Nam không có chức danh bác sĩ, thay vào đó là các săn sóc viên, các nhân viên y tế với những kiến thức sơ đẳng.

Thật vậy, đơn cử như trường hợp gần đây của CLB bóng đá SLNA, người ta không khỏi thắc mắc bác sĩ của đội bóng này làm nhiệm vụ gì, khả năng đến đâu mà khiến lãnh đạo đội phải đưa một số cầu thủ lên Hà Nội để khám xem chấn thương giả hay thật. Còn ở cấp độ đội tuyển QG, còn nhớ ở lần tập trung đội tuyển cho Tiger Cup 2004 vừa qua, vai trò của các bác sĩ cũng không hề được coi trọng, dẫn tới những tranh cãi về mức độ nặng nhẹ của các bài tập thể lực mà HLV Tavares áp dụng cho các tuyển thủ. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các trường hợp đột quỵ trong thi đấu thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đều bắt nguồn từ những bệnh về tim mạch, thần kinh hoặc suy nhược chức năng gan, thận, phải bác sĩ chuyên khoa mới phát hiện ra. Vậy thử hỏi với cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ y, bác sĩ thể thao vừa yếu, vừa thiếu lại không có tiếng nói như vậy, liệu các CLB có đảm bảo được sức khoẻ cho các cầu thủ của mình, kịp thời phát hiện ra những căn bệnh có thể ảnh hưởng tới tính mạng VĐV hay không?

Mặt khác, ngay bản thân các cầu thủ cũng thiếu ý thức về sức khoẻ và giữ gìn sức khoẻ của mình. Thời đại bóng đá "kim tiền", nhiều người vì lương, thưởng, vì sức ép của lãnh đạo, HLV mà bất chấp tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh của mình để lao vào tập luyện và thi đấu với cường độ cao.

Ngoài ra, trong sinh hoạt, không ít cầu thủ nghiện thuốc lá, rượu bia. Hơn thế, hậu trường làng bóng đá nước nhà còn đồn đại về những trường hợp "vập" cả ma tuý, thuốc lắc. Đó là chưa kể tới việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc, không theo chỉ định của bác sĩ, thậm chí, không loại trừ cả trường hợp sử dụng doping.

Về phía LĐBĐVN, tổ chức được giao nhiệm vụ chèo lái con thuyền bóng đá nước nhà, nhưng họ cũng khá hờ hững với công tác y học thể thao. Tại cuộc Hội thảo "Tầm nhìn châu Á", đoàn cán bộ của AFC đã khuyến cáo LĐBĐVN phải thành lập một Ban y học thể thao của riêng mình. Nhưng từ đó đến nay, Liên đoàn vẫn "án binh, bất động". Trong bản đề cương về mô hình tổ chức của VFF ở nhiệm kỳ 5, người ta cũng chẳng thấy "bóng dáng" của Ban này. Thậm chí, nhỏ như kế hoạch phối hợp với Viện khoa học Thể dục - Thể thao tổ chức lớp tập huấn cho các bác sỹ của các CLB chuyên nghiệp và hạng Nhất trước mùa giải 2005, Liên đoàn cũng "quên" luôn.  

Trường Giang (Bình Dương), Lê Anh Dũng (LG.Hà Nội.ACB), Hoàng Thanh Tùng (Thanh Hóa) đều có những vấn đề về tim mạch. Nhưng đó chỉ là số ít những cầu thủ đã được các bác sĩ phát hiện ra bệnh. Có ai dám chắc trong hàng trăm, hàng nghìn các cầu thủ đang chơi bóng trong hệ thống thi đấu đỉnh cao và phong trào của Việt Nam, không còn trường hợp nào mắc các bệnh có thể dẫn tới tử vong khi tập luyện và thi đấu với cường độ cao. Liệu có quá không nếu nói rằng, với thực trạng y học thể thao chưa được quan tâm như hiện nay, các cầu thủ Việt Nam đang "mạo hiểm" với sức khỏe và tính mạng của mình?

Để những hồi chuông cảnh báo này không rơi vào thinh không, xin đừng vô cảm và đổ lỗi cho những khó khăn khách quan, mà hãy trả y học thể thao trở về đúng với vị trí quan trọng của nó trong đời sống thể thao

Bảo Hân
.
.
.