Xung quanh ồn ào tại Hội Nhà văn Hà Nội

Chủ Nhật, 03/05/2009, 15:36
Chưa có khi nào, Hội Nhà văn Hà Nội, nơi tập trung tới 600 hội viên và Ban chấp hành hội đều là những nhà văn, nhà phê bình tên tuổi như Bằng Việt, Hồ Anh Thái, Phạm Xuân Nguyên... lại phải chính thức lên báo để nói về những chuyện không phải văn chương như thời gian qua.
>> Nhà thơ Bằng Việt nói về "tai nạn" trên báo

Câu chuyện xung quanh việc sáp nhập của Hội Nhà văn Hà Nội với Chi hội Nhà văn Hà Tây (cũ) sau gần một năm vẫn còn rất chậm trễ. Câu chuyện về quan điểm điều hành và cả... quan điểm nghề nghiệp văn chương cũng bộc lộ nhiều khác biệt.

Trên một tờ báo, nhà thơ Bằng Việt, với tư cách là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, việc chậm trễ trong các hội có nhiều lý do. Còn lý do chính Hội Nhà văn Hà Nội chậm sáp nhập với Chi hội Nhà văn Hà Tây (cũ) theo lời bài báo trích dẫn thì nhà thơ Bằng Việt cho rằng lỗi tại nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, không muốn kết nạp những "nhà văn chân đất và hầu hết là nhà báo".

Đồng thời, bài báo cũng dẫn lời ông Bằng Việt cho rằng, nhà văn Hồ Anh Thái có tham vọng đưa Hội Nhà văn Hà Nội ngang tầm với Hội Nhà văn Việt Nam. Và dường như, câu nói đó làm bùng nổ những mâu thuẫn và khúc mắc lâu ngày trong những người lãnh đạo của hội.

Dư luận xôn xao vì những thông tin về sự không bằng lòng giữa nhà văn Hồ Anh Thái và nhà thơ Bằng Việt trong điều hành và quản lý hội vốn đã âm ỉ từ lâu. Dư luận mạnh đến mức, nhà văn Hồ Anh Thái, vốn là người kín tiếng và trốn thị phi, cũng buộc phải phản hồi.

Hồ Anh Thái bày tỏ: "Lời ông Bằng Việt còn được dẫn khi nhận xét ông Chủ tịch Hội Nhà văn HN đầy "tham vọng", muốn "ngang tầm" với hội Trung ương hoặc các hội khác. Tôi cũng khó tin ông Bằng Việt nói câu này, bởi một người quản lý khôn ngoan chắc không nhận xét võ đoán và hiểu sai như vậy về đồng nghiệp. Vẫn theo lời ông Bằng Việt, thì hội đã ba lần phải họp với Chủ tịch Hội Nhà văn HN về việc sáp nhập (phóng viên diễn đạt là "LHVHNT Hà Nội đã nhiều lần gọi ông Hồ Anh Thái lên để hết "mềm" lại "rắn").

Trên thực tế, chỉ có một cuộc họp thường trực Ban Chấp hành Hội Liên hiệp, mà tôi là thành viên, bàn nhiều việc khác, trong đó tôi chủ động nói rằng Hội Nhà văn Hà Nội có lộ trình riêng để sáp nhập và sẽ thực hiện dần dần trong thời gian tới. Giữa Hội Nhà văn HN và Hội Liên hiệp VHNT lâu nay có mối quan hệ vừa đúng nguyên tắc vừa dân chủ, ôn hòa, không hề theo kiểu nghiệt ngã "gọi lên" hoặc "hết mềm lại rắn".

Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng phản pháo quyết liệt: "Anh Bằng Việt phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban chấp hành, trước các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và Hà Tây, trước báo chí và dư luận về những thông tin anh đã đưa ra... Hội viên ở Hà Tây về Hà Nội vẫn là hội viên. Chất lượng hội viên là do chất lượng trang viết quyết định, chứ không phải do cái danh hội viên mang lại. Hội Nhà văn Hà Nội thời gian qua luôn coi trọng chất lượng hội viên ở mỗi kỳ kết nạp, tuy vẫn chú ý đến mặt phong trào chung. Và mỗi người viết khi vào hội đều ý thức được mình qua trang viết để xứng danh là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Mà tôi nghĩ, hội viên ở đâu cũng vậy thôi. Người nào nghĩ đến cái sự "khinh, trọng" ở đây như anh nhắc trong câu hỏi, thì theo tôi, người đó đã không tôn trọng mình, không tôn trọng đồng nghiệp, không tôn trọng những người cầm bút Hà Nội, Hà Tây. Văn chương đo bằng văn chương, không phải đo bằng vùng miền".

Nhà thơ Bằng Việt lại một lần nữa lên báo để "nói lại cho rõ", rằng ông không nói như vậy, và những dẫn chứng trên tờ báo kia là không có căn cứ. Hơn nữa, cách trích dẫn đó là "vẽ rắn thêm chân", xa lạ với cách phát ngôn của ông. Đến đây, "cuộc chiến" chuyển sang tờ báo kia và nhà thơ Bằng Việt.

Tòa soạn tiếp tục công bố những đoạn phỏng vấn với ông Bằng Việt, trong đó có đoạn: "Có lúc thân tình ngồi với nhau, tôi cũng đã nói với ông Thái rằng làm phong trào là phải thu bớt mình lại, để ít nhất là bằng hoặc thấp hơn người ta, chứ cái gì cũng cao hơn là không ai chấp nhận đâu, như thế người ta sẽ lật đổ ông. Nếu ông không phải là Chủ tịch Hội Nhà văn thì thôi, chứ nay mai ông còn phải kế tục chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội khi tôi nghỉ hưu.

Có câu ca dao rất hay là: "Ở đời phải phải phân phân/Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa". Thần không có cây đa, thần cũng mất thiêng, mà cây đa phải có thần thì mới có người mang oản, mang xôi đến. Ý mình muốn nói rằng ông có kiêu căng đến thế nào, có sống trên "tháp ngà" thì tôi cũng không quan tâm. Mà văn chương ở cái thời buổi này cũng có là cái gì đâu, đừng có quá quan trọng hóa nó thế. Chẳng qua cũng chỉ là hoa bày bàn cho vui thôi. Giờ ông sáp nhập với Hà Tây thì ông thấp đi, hèn kém đi à? Có lợi lộc gì đâu chứ"...

Quả là cũng nhiều uẩn khúc trong những câu chuyện về Hội Nhà văn Hà Nội. Nhà văn thì cũng... người ta thường tình, cũng cãi vã và ầm ĩ. Thậm chí, việc đi cùng một hướng trong một hội nghề nghiệp cũng là việc vô cùng khó khăn...

Thảo Điền
.
.
.