Xứ Đoài một vùng địa linh

Thứ Năm, 21/12/2006, 08:13
Xứ Đoài ôm cả ba dòng sông lớn: sông Đà, sông Thao và sông Lô. Ngã Ba Hạc là nơi hợp thành của ba sông để tạo nên nơi tụ thủy ở đầu sông Cái, con sông tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú với một nền văn minh rực rỡ: văn minh sông Hồng.

Lấy kinh đô Thăng Long làm trung tâm thì vùng đất phía Tây kinh thành là xứ Đoài. Xứ Đoài xưa gồm vùng đất rộng lớn. Từ Cầu Giấy, chạy theo đường Đê La Thành lên đường Lạc Long Quân qua sông Hồng đến Phúc Yên hất lên phía Tây tới tận Hưng Hóa. Lại cũng từ Cầu Giấy xuôi theo đường Láng đến Ngã Tư Sở chạy theo đường 6 đến thị xã Hà Đông hất qua vùng Quốc Oai, Hòa Lạc bây giờ. Ấy là xứ Đoài.

Ở đây trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giới thiệu vùng đất chạy theo quốc lộ 32 gồm các quận, huyện: Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng và tỉnh Sơn Tây cũ với một phần tỉnh Phú Thọ thôi. Thành cổ Sơn Tây ngày nay là thủ phủ xứ Đoài.

Vậy là xứ Đoài đã ôm cả ba dòng sông lớn: sông Đà, sông Thao và sông Lô. Ngã Ba Hạc là nơi hợp thành của ba sông để tạo nên nơi tụ thủy ở đầu sông Cái, con sông tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú với một nền văn minh rực rỡ: văn minh sông Hồng.

Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh mà còn là ngọn núi linh của xứ Đoài, của nước Đại Việt ta. Chả vậy, vua nhà Đường đã cử viên tướng kiêm thầy phù thủy Cao Biền sang triệt long mạch nước Nam để nước Nam không thể phát vương. Vua Đường chỉ dụ cho thầy phù thủy Cao Biền phải đào 100 cái giếng ở chân núi Ba Vì. Vua Đường ví núi Ba Vì là một cái đầu rồng hùng mạnh còn thân rồng chạy suốt vào phương Nam tức dải Trường Sơn ngày nay. Cứ theo ý của vua Đường suy ra thì đuôi rồng vào đến tận cực Nam Trung Trung Bộ. Và đất xứ Thanh Nghệ ở đúng lưng rồng.

Nhưng trời không dung, đất không tha ý đồ xấu xa nên Cao Biền cứ đào được gần xong cái giếng nào, cái giếng ấy đều bị sập. Quân của Cao Biền chết vì sập giếng, vì rừng thiêng nước độc, ruồi vàng bọ chó không biết bao nhiêu mà kể. Cao Biền đành bỏ cuộc, ngửa cổ lên trời mà than rằng:

- Đất này không phải đất của ta. Ta không thể nào triệt được long mạch nước Nam...

Bây giờ chỉ xin được kể một số nhân kiệt. Chứ không có ý viết về các làng khoa bảng với các vị trạng nguyên, tiến sĩ.

Hãy bắt đầu từ Đức Thánh Tản. Ngài tên thật là Nguyễn Tuấn, con bà Đinh Thị Đen (có sách viết là Điên). Ngài là biểu tượng anh hùng trị thủy của dân tộc trồng cây lúa nước. Có lẽ vì vậy ngài được nhân dân ta tôn vinh là vị thần thứ nhất trong bốn vị thần bất tử. Còn ở bên kia Ngã Ba Hạc là nơi có nhiều giả thiết cho là kinh đô các vua Hùng. Ngược lên đến Thậm Thình là đền Hùng thờ quốc tổ Hùng Vương.

Có lẽ hiếm có đất nào ở nước ta được như đất xứ Đoài. Bởi ở xứ Đoài có làng cổ Đường Lâm, đất hai vua: Phùng Hưng Bố Cái Đại vương và Ngô Quyền. Kế tục sự nghiệp của bố vợ là Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đánh đuổi giặc Nam Hán, giữ vững nền độc lập. Ngài là người đầu tiên nghĩ ra cách đánh đóng cọc xuống dòng sông để chôn vùi xác giặc ở cửa sông Bạch Đằng.

Nhắc tới xứ Đoài, miền địa linh nhân kiệt không thể không nhắc tới hai vị Thượng thư nổi tiếng ở vùng Cổ Đô, nơi tụ thủy của ba sông "... dòng biếc lẫn dòng đào/... nước đen pha nước bạc".

Vị Thượng thư thứ nhất là Nguyễn Sư Mạnh (xin đừng nhầm với Phạm Sư Mạnh ở Hải Dương, xứ Đông). Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn. Ông có công, được ban quốc tính, tước Sùng Tín Hầu. Nguyễn Sư Mạnh đi sứ khi đang là Thượng thư Bộ Lễ. Ông vẫn khinh thường vua Minh nên khi vào yết kiến không cài khuy áo. Vua Minh cả giận cho rằng xấc xược, khinh nhờn thiên tử, bèn kết tội khi quân. Nguyễn Sư Mạnh quỳ xuống tâu rằng:

- Sứ thần nước Nam đầy một bụng chữ thánh hiền đi lâu ngày sợ khú mất nên phải cởi khuy áo ra hong. Xin được đại xá.

Vua Minh thấy ông đối đáp mau lẹ, có lý, không nỡ giết ngay sợ mang tiếng hại người hiền, bèn xuống chiếu:

- Nay thiên triều mất thiên Vi Chính trong sách Luận ngữ nhờ ngươi thuộc thiên kinh vạn quyển chép lại giúp. Hạn trong ba tháng phải xong.

Mấy tháng đầu, Nguyễn Sư Mạnh du chơi thoải mái, xem cảnh Yên Kinh (Bắc Kinh). Vua Minh cho gái đẹp vào quấy, ông cũng chẳng nề hà. Gần hết hạn, ông mới cáo ốm, không rong chơi, không đón gái đẹp, đóng cửa, chép liền mấy đêm. Chương Vi Chính dâng lên. Vua Minh lấy sách ra so, thấy thừa một dấu khuyên ở chữ Cộng. Nguyễn Sư Mạnh không chịu, ông bảo sách của vua sai. Vua Minh sai lấy bản gốc ở thư khố ra xem. Quả nhiên chỗ chữ Cộng có dấu khuyên ấy. Vua Minh tấm tắc khen sứ thần nước Nam. Nhà vua không những bỏ ý định giết ông mà còn phong cho chức Thượng thư. Thượng thư được ban mũ áo, thẻ bài thì chỉ duy nhất có Nguyễn Sư Mạnh. Ở nhà thờ ông còn lưu giữ được bức hoành phi "Lưỡng quốc Thượng thư".

Cũng ở làng Cổ Đô, ở nơi nhìn ra khúc sông thủy tụ ấy còn có Thượng thư lục bộ Nguyễn Bá Lân. Bởi thời ấy, bộ nào yếu kém vua lại cử ông sang để vực lên. Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Tân Hợi (1731). Ông vốn ham học, thông minh. Tuy cha ông vẫn rèn ông rất khắc nghiệt.

Một lần, hai cha con ông qua sông, cha ông thấy đàn dê bên kia sông liền ra đề "Dịch đình dương xa phú" (Bài phú xe dê cung cấm". Cha ông giao hẹn: "Sang bờ bên kia, ai làm xong trước được ném người chưa làm xong xuống sông". Không ngờ khi thuyền cập bến, ông làm xong bài phú, còn cha ông mới được một nửa. Theo quy ước, ông phải ném cha xuống sông. Ông sợ quá, không dám nghe lời. Cha ông cả giận nói: "Mày không vứt tao thì tao vứt mày vậy". Dứt lời, cha ông ôm ông ném xuống sông khiến ông suýt chết đuối và phải uống no một bụng nước. Bài phú của Nguyễn Bá Lân gọi là "Nhất độ giang thành chương phú". (Bài phú hoàn thành trên chuyến đò ngang). Nguyễn Bá Lân còn là tác giả bài "Ngã ba Hạc phú". Đây là "bài phú Nôm" tiếng tăm lừng lẫy đương thời.

Nói đến xứ Đoài, không thể không nhắc đến những người thợ mộc làng Chàng. Chính họ đã dựng chùa Tây Phương và tạc tượng La Hán cho làng mình, quê mình. Họ cũng được triều đình tin cậy giao cho làm Văn Miếu Quốc Tử Giám và chùa Kim Liên ở Hà Nội. Và gần đây, họ được vinh dự chọn làm nhà Thái Miếu.

Về người thợ mộc làng Chàng có một chuyện huyền thoại thật hay. Năm đó, Đức Tản Viên Sơn Tinh đi khắp trong thiên hạ để chọn thợ mộc làm nhà cho mình trên núi Ba Vì. Thợ mộc làng Chàng đã lọt vào mắt ngài. Kíp thợ được ngài lựa có anh thợ cả tài hoa, khéo tay mà còn rất trẻ và mới cưới vợ. Ngài cho phép người vợ theo chồng để lo gạo củi cơm nước cho kíp thợ. Một chiếc cầu bằng mây trắng được ngài bắc từ đỉnh núi Ba Vì đến làng Chàng làm đường đi cho kíp thợ. Cây trong rừng sẵn. Nhà Thánh dặn dùng cây nào mới được hạ. Không được ngả lung tung, hại rừng.

Chàng trai trẻ thợ cả, không hiểu nghĩ thế nào đã cắt hụt cả mấy cây cột cái. Chàng lo sợ bần thần, mồ hôi đổ như tắm. Người vợ hiểu được tâm trạng của chồng. Nàng ý tứ để cái đấu đong gạo lên đỉnh đầu. Chồng nàng sung sướng trút được nỗi lo. Thế là các chân cột không đặt trực tiếp xuống nền nhà nữa mà mỗi cột đều có một cái đế chạm trổ tinh xảo. Đức Thánh Tản rất hài lòng. Từ đó người đời học theo, làm chân cột bằng những phiến đá cực đẹp để chống ẩm và chống mối.

Cách chùa Tây Phương không xa về phía Đông là chùa Thầy với sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh. Và dòng họ Phan Huy nổi tiếng. Cụ tú kép Phan Huy Chú đã để lại cho đời bộ "Lịch triều hiến chương loại chí". Ở chùa Thầy còn để lại dấu tích hai cột trò vảy với vết rìu của hai vị thiền sư. Trước cửa chùa có hai cái cầu Nhật Tiên kiều và Nguyên Tiên kiều của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Các học giả xưa như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và Quốc sử quán triều Nguyễn đều đánh giá cụ là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, kinh tế, quân sự ngoại giao kiệt xuất.

Nói đến xứ Đoài xưa không thể không nhắc đến hai danh thần nổi tiếng làm quan đồng triều là Tô Hiến Thành quê ở Đại Mỗ và Đỗ Kính Tu quê ở Vân Canh.

Đấy là chuyện xưa. Còn chuyện nay...

Người được xếp hàng đầu là nhà thơ Tản Đà với bài "Thề non nước" nổi tiếng và hàng loạt những công trình dịch thuật. Kế đến là thi sỹ Quang Dũng. Quang Dũng đã để lại cho đời bài thơ "Tây Tiến" có thể sánh với thiên cổ hùng văn và bài "Đôi mắt người Sơn Tây" viết về xứ Đoài, quê hương xứ sở của mình. Rồi một loạt các họa sỹ tài danh: Sĩ Tốt, Trần Đông Lương, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái. Rồi anh em các nhạc sỹ Trần Hiếu, Trần Tiến, Phú Ân, Phú Quang. Rồi nhà cách tân sân khấu chèo Tào Mạt... Còn những ngôi đình cổ, chùa cổ, to đẹp nhất nước cùng các nhà văn, nhà thơ đương đại tôi sẽ trình bày ở một bài viết khác. Để kết thúc bài này, xin được trích hai câu thơ của Quang Dũng thay cho tâm tưởng những người con của xứ Đoài:

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Trời xanh không thấy đỉnh Ba Vì

Nha Trang, 10/12/2006
.
.
.