Xin hãy gọi ông là Nguyễn Bính

Thứ Năm, 29/12/2005, 13:10

Đọc trên một số sách báo, thấy viết rằng thi sĩ Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, tôi cảm thấy ngờ ngợ nên đã đem chuyện này hỏi bà Hồng Châu, vợ nhà thơ Nguyễn Bính (hiện bà đang sống tại 123/2A phường 17, quận Gò Vấp, Tp.HCM). Bà cho biết đó là cái tên bịa đặt. Và bà kể cho tôi nghe lai lịch về cái tên bịa đặt đó.

Hồi năm 1951, từ căn cứ kháng chiến vào công tác bí mật tại Sài Gòn, bà kết hợp mua một số sách về bán, vì bà có mở cửa hàng sách tại nhà. Nhân thấy một quyển sách có viết về nhà thơ Nguyễn Bính, bà liền mua về cho chồng. Vượt qua một quãng đường dài hơn ba trăm cây số từ Sài Gòn về Rạch Giá, tới nhà, việc đầu tiên là bà đưa quyển sách cho chồng để cùng chia sẻ niềm vui. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận sách rồi cắm cúi đọc ngay.

Nhưng chỉ một lát sau, khi đang thu dọn đồ đạc trong nhà, bỗng nghe tiếng loạt soạt, bà chạy ra nhà ngoài, chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng: Quyển sách đã bị xé tan thành từng mảnh vụn nằm rải rác trên nền nhà. Còn Nguyễn Bính thì mặt hầm hầm tức giận, ngồi bất động. Niềm vui bỗng tan biến, thay vào đó là nỗi buồn tủi và hụt hẫng. Bà lao vào buồng nằm ôm con khóc! Mãi đến tối, trong bữa cơm, khi nỗi tức giận không còn vương trên nét mặt nữa, Nguyễn Bính mới xin lỗi bà và kể cho bà nghe nguyên nhân của trận lôi đình.

Số là, Nguyễn Bính thuộc hạng người "tài tử đa tình" và cả "tài tử đa cùng" nữa. Nhà thơ đi đến đâu cũng được nhiều cô gái đem lòng yêu thương. Hồi ở Huế, có một cô gái thuộc dòng dõi Tôn Thất yêu ông đắm say. Ở Sài Gòn, ông cũng có cuộc tình với một cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng chẳng cuộc tình nào đi đến hôn nhân, chỉ vì Nguyễn Bính tuy tài hoa nhưng lại nghèo kiết xác, làm sao có thể vượt qua được ranh giới đẳng cấp trong xã hội đương thời!

Sẵn mang tiếng đào hoa, một lần vui chuyện với bạn bè, Nguyễn Bính cao hứng nói đùa: "Tao không muốn thì thôi, chứ nếu muốn thì chỉ vài hôm là sẽ có xe hoa đến đón một nàng". Nghe xong câu nói đó, ông bạn Thanh Bình bèn giễu: “Cậu là người năng thuyết bất năng hành (chỉ nói được chứ không làm được), từ nay đặt tên cho cậu là Nguyễn Bính Thuyết!”. Nguyễn Bính rất bất bình về câu nói đó. Và mỗi lần bạn bè nhắc đến tên Bính Thuyết ông lại nổi giận. Chẳng hiểu sao ai đó lại lấy cái biếm danh này đưa vào sách thành tên thật của nhà thơ Nguyễn Bính?! Đó là nguyên nhân trận lôi đình khiến Nguyễn Bính xé tan cuốn sách. Bởi ông coi đó là một sự xúc phạm!

Thế mà sau này, một số người viết sách, viết báo lại vẫn cho rằng Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết! Cuốn "Tuyển tập Nguyễn Bính" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1986 viết: "Nguyễn Bính thuở nhỏ tên là Nguyễn Trọng Bính, xuất hiện trên văn đàn với bút danh Nguyễn Bính. Thời ở Nam Bộ, để tránh sự lôi thôi của chính quyền thực dân Pháp, đã sửa giấy căn cước thành Nguyễn Bính Thuyết...".

Sách giáo khoa "Văn 11 tập I" do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành cho các tỉnh phía Nam cũng viết: "Nguyễn Bính (1918-1968) tên thật là Nguyễn Trọng Bính (hồi ở Nam Bộ sửa căn cước là Nguyễn Bính Thuyết để tránh bị lôi thôi với chính quyền Pháp)...". (Thông tin này ngoài sự nhầm lẫn về tên nhà thơ, còn nhầm lẫn cả niên đại: Nguyễn Bính mất ngày 20/1/1966 chứ không phải 1968). Tác giả bài "Những văn nghệ sĩ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh" đăng trên Báo "Sài Gòn giải phóng" số 8334 chủ nhật 17/9/2000 viết về Nguyễn Bính: "Ông có tên thật là Nguyễn Bính Thuyết". Và đến nay, Báo An ninh thế giới Cuối tháng số 53 tháng 12/2005 trong mục "Danh sách các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học" cũng viết: "Nguyễn Bính (Nguyễn Bính Thuyết)".

Tôi làm công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học, đồng hương với nhà thơ Nguyễn Bính, quen biết với một số cán bộ văn hóa cùng thời với ông (ở Nam Định) và từng gặp gỡ bà Hồng Châu để viết một số bài về ông, được biết chưa từng có một văn bản gốc hợp pháp nào xác nhận tên thật của nhà thơ Nguyễn Bính là Nguyễn Bính Thuyết! Khác với nhiều nhà thơ khác, bút danh ông có cả họ và tên thật. Thiết tưởng, cứ để tên ông là Nguyễn Bính!

Thang Ngọc Pho
.
.
.