Xin chào “vua mới” Euro

Thứ Ba, 01/07/2008, 11:30
Tôi gọi đấy là "ánh vàng" 44 vì đấy là chiếc Cup vàng sau 44 năm bóng đá Tây Ban Nha khát khao chờ đợi. 44 năm, biết bao thế hệ anh tài đã lớn lên, trưởng thành rồi lui vào hậu đài, bóng đá Tây Ban Nha cứ mòn mỏi đi tìm một ánh vàng. Đã có lúc người Tây Ban Nha bất lực, đau đớn trong cái suy nghĩ rằng chiếc Cup vàng chiến thắng có lẽ được Thượng đế nhào nặn để cho kẻ khác, chứ không phải cho mình.

Thế nhưng giữa đất trời nước Áo hôm qua thì người Tây Ban Nha đã thỏa mộng. Không thể tin nổi, Tây Ban Nha đã nhập trận một cách đĩnh đạc, và suốt 90 phút đã chơi hoàn toàn trên chân người Đức. Nước mắt đã rơi vì hạnh phúc. Và giấc mộng 44 năm mòn mỏi giờ đã được đáp đền.

Hôm qua, Toress đã đi vào lịch sử. Bàn thắng ở phút thứ 33 sau một chuỗi các động tác bứt phá và dứt điểm của sát thủ này thực sự đã đánh một vết son và mở ra một trang sử mới cho bóng đá Tây Ban Nha. Thế nhưng hôm qua, và trong toàn Euro này nữa, Tây Ban Nha đâu chỉ có một mình Toress.

Nên nhớ rằng trong quá khứ, Tây Ban Nha là một đội bóng luôn bị giày xéo bởi vấn đề mâu thuẫn nội bộ, kiểu phe này đánh phe kia. Cái mâu thuẫn làm cho họ không thể lên ngôi cho dù có những thời điểm họ sở hữu những hảo thủ thuộc vào dạng "anh tài tuyệt đỉnh" thế giới. Nhưng ở giải lần này thì điều đó đã không xảy ra.

Nó không xảy ra thì HLV Aragones đã dũng cảm loại tượng đài Raul Gonzalez trước khi đem quân dự Euro. Vì quyết định loại người ấy mà có lúc, Aragones bị cả một dân tộc nguyền rủa, nhưng bây giờ, khi Tây Ban Nha hiên ngang, vững vàng lên ngôi thì "nhà hiền triết" đã chứng minh là ông đúng, rằng loại một tượng đài để phần còn lại của đội bóng đoàn kết hơn, đá vì nhau hơn, biết đồng cam cộng khổ hơn là một quyết định cực kỳ sáng suốt.

Quả thực, xem lại toàn bộ 6 trận đấu của Tây Ban Nha ở giải đấu này, chúng ta thấy rất rõ một điều là không có bất cứ một cái đầu - một đôi chân nào mang tư tưởng ông chủ. Trái lại, tất cả đều phải "cày", đều phải chạy và đều phải cống hiến như nhau. Có nghĩa là Tây Ban Nha đã vượt qua được điểm yếu cố hữu của mình, vượt qua những mâu thuẫn vùng miền vốn đã trở thành một thứ "tính cách văn hóa", cái tình cánh ảnh hưởng đến ĐTQG và làm hại ĐTQG ròng rã hàng chục năm qua.

Thế nên chiến thắng của người Tây Ban Nha như gửi đến một thông điệp: Khi người ta biết gạt bỏ những mâu thuẫn cá nhân, khi cả một tập thể có cùng tình yêu, cùng khát vọng, và biết phấn đấu vì tình yêu - khát vọng ấy thì người ta có thể làm nên tất cả. Thông điệp này, bóng đá Việt Nam nên nhìn vào để học

Trịnh Phan Phan
.
.
.