Xiếc thời… vắng khách

Thứ Ba, 07/06/2005, 07:11

Cả năm có lẽ chỉ ngày 1/6 là rạp xiếc chật kín khán giả. Những ngày còn lại rạp luôn trong cảnh đìu hiu, thưa vắng. Lịch diễn thì vẫn cứ lên nhưng công chúng thì không mặn mà với xiếc bởi chương trình cũ quá và ngành xiếc cũng ít chịu tiếp thị mình.

NSƯT Vũ Hợp, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, người thâm niên hơn 30 năm trong nghề xiếc nhớ lại "thời hoàng kim" của môn nghệ thuật mạo hiểm này: "Có nhiều lần khán giả yêu cầu diễn lại, diễn không cần nhạc và dường như nhạc là những tràng pháo tay liên tục. Hai vòng nhào lộn có thể đã là đỉnh cao, nhưng vé vẫn không đủ mà bán". Và ông lý giải rằng có lẽ ngày xưa cảm xúc của khán giả khác bây giờ. Khi người ta thiếu, họ sẽ thấy thích thú, nhưng khi đã đủ đầy thì họ xem là bình thường.

Điều đó cũng có lý, nhưng nếu vào những dịp 1/6 vào rạp xem các cháu thiếu nhi háo hức với xiếc như thế nào thì mới thấy hình như các cháu thiếu xiếc thì đúng hơn. Vẫn từng đó thôi, bấy nhiêu vòng nhào lộn, đu dây, ít trò ảo thuật, 4 con voi đá bóng, một đàn chó ngộ nghĩnh trong đám cưới của đôi "vợ chồng" dê, gấu đi xe đạp, quen đến nhẵn mặt trong các chương trình dành cho thiếu nhi trên vô tuyến truyền hình, nhưng 1.300 ghế của rạp xiếc Trung ương hôm đó không còn chỗ.

Một em nhỏ khi được hỏi em có thích xem xiếc và muốn thường xuyên đến rạp xiếc hay không, em nói rằng, em rất thích nhưng muốn đến không được bởi cả ngày em phải học ở trường, tối về lại phải làm bài tập. Khi sân chơi của các em bị thu hẹp lại, thì các diễn viên xiếc diễn trước những hàng ghế trống không có gì khó hiểu.

Và sau ngày lễ dành cho trẻ thơ, rạp xiếc Trung ương lại vẫn đỏ đèn, ai thích xem thì cứ mua vé đến mà xem, mà nếu không ai xem thì… vẫn diễn. Đây không phải là sự lãng phí lao động, mà là một cơ hội luyện tập, nhưng không thể không thấy ngậm ngùi vì với một diễn viên xiếc tập đến 8 năm mới thuần một tiết mục, lại tai nạn nghề nghiệp liên miên, để đến khi trình làng lại không thu hút được khán giả. Tại sao? Câu trả lời không chỉ là do thiếu nhi ngày càng ít được vui chơi hơn mà còn do chính bản thân ngành Xiếc không biết làm mới mình.

Bao giờ làm mới và làm mới như thế nào?

Thực ra với xiếc Việt Nam, không phải là một bức tranh ảm đạm hay nhạt màu mà suốt chiều dài 50 năm qua, các nghệ sĩ vẫn miệt mài, kiên trì và lặng lẽ với công việc của mình. Trong những năm gần đây, xiếc Việt Nam đã có tiếng nói chung với xiếc quốc tế, tại các kì Liên hoan xiếc quốc tế bao giờ cũng được giải và ít nhất cũng được giải khuyến khích. Để phấn đấu được thành tích như vậy là một chặng hành trình dài đầy khó khăn.

Năm ngoái, thành công vang dội trong đăng cai Liên hoan xiếc quốc tế, "chơi đẹp" và thắng lợi thuyết phục với 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ và được báo chí bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật trong năm, nhưng rồi cuộc vui tàn, xiếc lại trở về với đời sống thường nhật của nó.

Khán giả quốc tế đã đến với xiếc Việt Nam rất nhiệt tình sau liên hoan ấy, đặc biệt là với những tiết mục đạt HCV và HCB trong suốt các kì liên hoan đã được BTC Festival Noel của Đức mời sang biểu diễn. Sau đó, tại Festival Monaco, 2 tiết mục "đế thống" (tung hứng chậu hoa), đế trụ (thăng bằng sào) đã thuyết phục tuyệt đối khán giả ở vương quốc này. Sắp tới lại thêm 2 lời mời nữa tại Italia và Trung Quốc.

Liên đoàn xiếc Việt Nam xác định, bên cạnh những tiết mục làm rạng danh cho ngành Xiếc Việt Nam trên sân khấu xiếc quốc tế, không ngừng luyện tập các tiết mục mới, tổ chức những chương trình mới mẻ để thu hút sự quan tâm của khán giả trong nước.

"Phát súng" của cuộc "cách mạng xiếc" đã nổ, đó là tiết mục "Phiên chợ Ba Tư", một tiết mục xiếc mang tính cổ tích, vận dụng bản nhạc cổ điển bất hủ "Phiên chợ Ba Tư" và câu chuyện nàng công chúa Ba Tư để kể lại bằng ngôn ngữ của xiếc. Đó là vận dụng ảo thuật khi nàng công chúa bị tên cướp chặt ra làm ba khúc hay mụ phù thủy bắt nàng nằm trên 3 thanh kiếm (thăng bằng), hay những cảnh nhào lộn. Tiết mục này đã thuyết phục được rất nhiều bạn nhỏ trong hôm ra mắt đầu tiên.

Sau thành công đó, các nghệ sĩ mới giật mình, Việt Nam có cả một kho cổ tích, và chất xiếc trong các truyện cổ đó rất cao, tại sao lại không vận dụng nó trong nghệ thuật xiếc để vừa giáo dục thẩm mỹ cho thiếu nhi, lại vừa kéo khán giả về phía xiếc ngày một nhiều hơn. Và thế là, truyền thuyết đẻ trăm trứng, chàng Đam San, nàng Bạch Tuyết, Tấm Cám... sẽ là những món quà mới được các nghệ sĩ xiếc mang đến cho khán giả trong tương lai gần.

Còn một điều phải "làm mới" nữa là ngay rạp xiếc, hiện nay, do rạp quá… lớn, nên không tiện cho những chương trình biểu diễn phục vụ du lịch. Lãnh đạo của Liên đoàn xiếc đã nghĩ đến một chiếc rạp tạp kĩ ngay trong khuôn viên rạp xiếc, thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Theo ông Vũ Hợp, sau khi trao đổi với Bộ Văn hóa - Thông tin về ý tưởng này, họ đã thấy thuận tai nhưng không biết đến bao giờ họ sẽ thuận ý..

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.