Xoay quanh việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

Xét tặng danh hiệu, chỉ nhìn giấy là máy móc

Thứ Bảy, 18/07/2015, 09:55
Mỗi lần xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) dư luận lại một phen dậy sóng, kẻ vui, người buồn; kẻ khóc, người cười.

Có những nghệ sĩ được phong tặng NSND, NSƯT ở những đợt đầu trước đây cả chục năm cảm thán: “Bây giờ NSND, NSƯT nhiều quá. Danh hiệu là cao quý, có nghệ sĩ khi được phong tặng danh hiệu thì làm sang cho danh hiệu, nhưng cũng có những nghệ sĩ được danh hiệu lại làm xấu danh hiệu ấy”…

NSND Phạm Thị Thành và NSƯT Minh Vượng.

Theo danh sách Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa công bố, có tất cả 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Có một sự khác biệt của lần xét tặng danh hiệu đợt này là người được xét tặng phải được 90% thành viên hội đồng bỏ phiếu thông qua, khác với những lần trước là 75%.

Người được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT phải có đơn gửi lên trình hội đồng, kèm theo bảng thành tích và ý kiến nơi người nghệ sĩ đang công tác. Ngay sau khi có bảng danh sách dự kiến tên nghệ sĩ trúng NSND, NSƯT đợt này, lập tức nhiều nghệ sĩ trong nghề đã phản ứng. NSƯT Chí Trung có bài thơ cười đời trên facebook cá nhân.

Danh hài Xuân Hinh kéo tên danh sách 30 người trúng NSND đợt này trên trang facebook của anh và kèm theo bình luận: “30 NSND ai có biết mặt, biết tên hay không?”. Phóng viên điện thoại hỏi, anh cười bảo: “Ối dồi, NSND mà nhân dân không biết mặt cũng chẳng biết tên. NSND có khi đổi lại thành nghệ sĩ không dân”. Trong số danh sách NSND, NSƯT đợt này rà soát lại thì có đến  2/3 là những nghệ sĩ đương nhiệm làm quản lý tại các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật. Giới nghệ sĩ lại xôn xao “NSND, NSƯT phong tặng cho các nhà quản lý”.

NSND Phạm Thị Thành sau khi thấy tên hai học trò của mình NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng trượt NSND đã bày tỏ băn khoăn rằng những người cầm cân nẩy mực xét tặng danh hiệu nghệ sĩ lĩnh vực sân khấu phải là người am tường sân khấu, chịu khó đi xem để biết cả quá trình hoạt động của một nghệ sĩ, thì mới biết ai thực chất xứng đáng và ai chưa đủ tiêu chuẩn. Còn xét trên quy định đủ huy chương để xét duyệt tặng danh hiệu là cách làm việc quá cứng nhắc và máy móc. Xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ mà chỉ nhìn vào giấy thì không đúng.

Theo NSND Phạm Thị Thành, NSƯT Minh Hằng đóng cậu con trai trong vở “Đứa con tôi” của tác giả Sĩ Hanh. Vai diễn rất hay, vở diễn diễn liên tiếp 200 đêm, nhưng lúc bấy giờ có ai tặng Huy chương vàng cho Minh Hằng đâu. Còn với Chí Trung (NSƯT Chí Trung, PGĐ Nhà hát Tuổi Trẻ) gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” từ nhiều năm nay.

Chí Trung có hàng chục vai diễn chính cả kịch Việt Nam và kịch nước ngoài, là một diễn viên đóng hài cũng giỏi mà diễn bi cũng rất hay, biểu diễn phục vụ khán giả xem hàng nghìn buổi, được bạn nghề và khán giả công nhận nhưng bị trượt đợt NSND đợt này có phải là một sự thiệt thòi? 

NSƯT Minh Vượng cũng cho rằng còn nhiều bất cập trong việc phong tặng danh hiệu, vì trong cuộc đời một diễn viên có khi họ chỉ tham gia được một hoặc hai lần hội diễn, và điểm rơi vào ai thì may mắn của người ấy. Nghệ sĩ ai cũng muốn làm vai chính, ai cũng muốn làm vai hay, nhưng không phải ai cũng được Tổ đãi, hai ba năm lại có một vai chính, điều đấy khó lắm. Các bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương có phải lúc nào đào kép cũng rơi vào người già đâu. Đào kép thì phải đào đẹp, bắt mắt. May mắn trong đời có thể đếm trên đầu ngón tay còn với một hai huy chương với một người nghệ sĩ đã là vinh dự. 

Đưa ra một loạt nghệ sĩ được công chúng mến mộ như NSƯT Trần Hạnh, Văn Hiệp, Phương Thanh, Anh Dũng… NSƯT Minh Vượng cho rằng cần phải thay đổi cách làm. Bởi “NSƯT Trần Hạnh là người được phong tặng danh hiệu NSƯT đầu tiên của Việt Nam và tham gia đóng rất nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Ông về hưu đã lâu, qua nhiều đợt xét tặng NSND người ta bỏ quên ông.

Nghệ sĩ Thành Lộc tuy không có danh hiệu NSND nhưng đã sống trong lòng nhân dân từ lâu rồi. Nghệ sĩ Văn Hiệp mài mặt ra rút xương, rút thịt ra để diễn, lúc sống không phong đến lúc mất rồi bạn bè mới làm đơn xét truy phong, truy tặng. Hay Phương Thanh và Anh Dũng đôi vợ chồng tài hoa đấy cứ đợi đến khi người ta chết mới truy phong, truy tặng”.

NSND Phạm Thị Thành cảm thán: “Bây giờ phong danh hiệu cho nghệ sĩ để động viên người ta lúc đang sống cống hiến nhiều hơn, tốt hơn. Đừng đợi đến khi chết xuống mới làm văn tế người…”.

Mỹ Hiền
.
.
.