Xem xét kỹ việc chuyển đổi các NXB sang Công ty TNHH

Thứ Năm, 24/12/2009, 10:45
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW Phùng Hữu Phú yêu cầu: Bộ TT-TT cùng Ban Tuyên giáo TW và các cơ quan nghiên cứu khoa học cần làm rõ khái niệm "NXB là doanh nghiệp có điều kiện". Xem xét kỹ việc chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH một thành viên được gì và chưa được gì.

Ngày 23/12, Ban Tuyên giáo TW và Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) năm 2009. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT-TT và đại diện một số Bộ, ngành đã tham dự.

Hội nghị đã nhìn nhận lại thực trạng xuất bản năm 2009: Cả nước có 60 NXB hoạt động theo nhiều mô hình, tôn chỉ mục đích khác nhau, dẫn đến hạn chế sự đầu tư, phát triển của ngành. Chỉ có 22/60 NXB có trụ sở đảm bảo điều kiện hoạt động.

Nhiều NXB đặt hiệu quả kinh tế lên trên hiệu quả chính trị, xã hội. Việc ứng dụng công nghệ làm sách hiện đại còn hạn chế. Vốn hoạt động của các NXB là vấn đề khó khăn nhất, khi toàn ngành chỉ có 392,530 tỷ đồng. Đội ngũ biên tập viên cũng như lãnh đạo NXB có năng lực, chuyên sâu, có bản lĩnh còn thiếu.

Qui trình xuất bản chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là xuất bản phẩm liên kết. Hiệu quả kinh tế của ngành Xuất bản thấp: Năm 2008, toàn ngành chỉ lãi 45 tỷ đồng, trong đó, 25 tỷ đồng là của NXB Giáo dục.

Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đề nghị Ban Bí thư xem xét lại việc chuyển đổi mô hình tổ chức của các NXB sang Công ty TNHH một thành viên, vì nhiều quy định không phù hợp Luật Xuất bản; cần có cơ chế, chính sách phù hợp với đội ngũ biên tập, lãnh đạo NXB.

Cần có quan điểm chính thống, giới hạn những vấn đề quan trọng, nhạy cảm trong nội dung xuất bản, để tránh làm cho đời sống xuất bản nghèo nàn, do người viết né tránh hoặc phản ánh không đúng quan điểm chính thống, đồng thời, tránh được tùy tiện trong kiểm tra và xử lý. Các NXB phải xác định cụ thể trách nhiệm các bên trong liên kết, trước mắt, xem xét tỷ lệ liên kết không vượt quá 50% kế hoạch hàng năm.

Hội nghị đã lắng nghe ý kiến trao đổi của nhiều cơ quan chủ quản của các NXB: Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục XDLL - CAND, Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Thế giới, Sở TT-TT Nghệ An v.v...

Các ý kiến tập trung vào những vấn đề mà ngành xuất bản đang phải đối mặt: Mỗi năm, các NXB đều xuất bản rất nhiều sách, nên cơ quan chủ quản không đủ thời gian để đọc hết, dẫn đến sai sót. "Cơn bão lịch" khiến nhiều NXB "tiêu điều"; chưa bao giờ, sách văn học giảm sút như hiện nay.

Các NXB đều chung đề nghị: Quản lý là cần thiết, nhưng quản lý phải để phát triển, thống nhất, đồng bộ; việc xử lý cần tinh tế, không tạo thành biểu tượng văn hóa vì sẽ không có lợi. Trình độ biên tập không cao bằng độc giả đang là vấn đề của các NXB, vì thế, cần có cơ chế chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập...

Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND (Bộ Công an) cho biết tình hình hoạt động của NXB CAND: Bộ Công an luôn quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho NXB CAND hoạt động. Tự NXB năng động, mỗi năm xuất bản khoảng 300 đầu sách các loại.

Tuy nhiên, NXB CAND cũng có nhiều khó khăn: công tác tiếp thị chưa nhạy bén, nên nhiều sách chất lượng chưa được người đọc biết đến; sách khó bán, nợ đọng, chiết khấu cao nên lãi ít. Đề nghị có chính sách ưu đãi cho sự phát triển của hệ thống xuất bản, báo chí.

Tổng kết hội nghị, đồng chí Phùng Hữu Phú khẳng định đóng góp to lớn của ngành Xuất bản khi trong một năm đầy thách thức, vẫn cho ra đời những ấn phẩm có giá trị. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận đều giảm là hạn chế của ngành Xuất bản.

Đồng chí Phùng Hữu Phú chỉ ra những nhiệm vụ mà tới đây, các cơ quan chủ quản cần quan tâm: Bộ TT-TT cùng Ban Tuyên giáo TW và các cơ quan nghiên cứu khoa học cần làm rõ khái niệm "NXB là doanh nghiệp có điều kiện". Xem xét kỹ việc chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH một thành viên được gì và chưa được gì. Ban Bí thư chỉ yêu cầu tạm dừng chuyển đổi mô hình, để rút kinh nghiệm, chứ không phải là không tiếp tục chuyển đổi. Việc chuyển đổi cần được nghiên cứu cấu trúc, mối quan hệ theo hướng hiện đại, có tầm nhìn xa.

Bộ Tài chính tổng rà soát các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực xuất bản để điều chỉnh những bất hợp lý; có chính sách thuế và cơ chế ưu đãi đối với xuất bản, cơ chế hỗ trợ đặt hàng hiệu quả; đào tạo đội ngũ biên tập xuất bản. Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các cơ quan chỉ đạo Nhà nước, cơ quan chủ quản và các NXB

Thanh Hằng
.
.
.