Xem phim tài liệu quốc tế để "nâng tầm" phim tài liệu Việt Nam

Chủ Nhật, 12/06/2011, 15:57
Bí quyết để có phim tài liệu hay chỉ nằm ở việc chọn đúng vấn đề mà xã hội quan tâm và kể một cách hấp dẫn, chân thực, làm sao chạm vào những "huyết mạch" của toàn xã hội. Để làm được như vậy, người làm phim tài liệu phải biết nhiều, thấy nhiều, chọn lựa những chi tiết sâu sắc nhất.

Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam do Hội các Viện Văn hóa châu Âu (EUNIC) phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức, diễn ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 14/6. Góp mặt trong liên hoan có 7 phim tài liệu của Việt Nam và 7 phim tài liệu nước ngoài đến từ các quốc gia như Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Thụy Sỹ, Ba Lan và Đan Mạch.

Những cuộc đối thoại thú vị

Phát biểu với báo giới về Liên hoan phim tài liệu quốc tế, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: "Qua hai lần tổ chức vào năm 2009 và 2010, Liên hoan đã thu hút được nhiều nhà làm phim quốc tế tham gia và được giới truyền thông ủng hộ. Với lần tổ chức thứ 3 này, chúng tôi mong muốn đem lại cơ hội cho các nước thành viên, các nghệ sĩ và khán giả yêu phim tài liệu châu Âu và Việt Nam được cùng nhau thưởng thức những tác phẩm theo phong cách sáng tạo riêng và nét đặc trưng của nền văn hóa mỗi nước, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm về cách biểu đạt trong sự đa dạng của điện ảnh tài liệu. Qua đó, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc sẽ ngày càng trở nên cần thiết trong sự phát triển chung của nhân loại".

Để tạo nên một sự liên tưởng, so sánh thú vị về điểm nhìn của các nhà làm phim và những khác biệt trong văn hóa mỗi nước, mỗi buổi chiếu khán giả sẽ được thưởng thức một bộ phim tài liệu trong nước và một bộ phim tài liệu nước ngoài về cùng một đề tài. Bằng cách đặt những bộ phim cùng đề tài cạnh nhau, Ban tổ chức muốn tạo ra những "cuộc đối thoại" giữa các nhà làm phim trong nước với các nhà làm phim châu Âu.

Các vấn đề được quan tâm nhất trong liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3 thông qua nội dung các bộ phim tham gia trình chiếu có thể kể ra, là vấn đề đấu tranh chống tiêu cực, sự đa dạng trong văn hóa, nghệ thuật, người cao tuổi, những thân phận rời bỏ quê hương vì mưu sinh, các vấn đề của đô thị, nông thôn trong một xã hội đang phát triển…

Đạo diễn người Pháp Stéphanne Gillot mang tới bộ phim "Trên đầu mũi chân", kể về cuộc gặp gỡ giữa hai loại hình múa đương đại và hip-hop được kết hợp trong vở diễn của biên đạo múa Marie - Claude Pietragalla trình diễn trong thế vận hội Bắc Kinh. Đây là một câu chuyện đẹp về các vũ công trẻ, người được học hành bài bản và người của đường phố phải đối mặt với các nguyên tắc khắt khe của múa đương đại. Với nhiều khán giả, bộ phim được xem như một "cú sốc văn hóa thực sự", nó ngợi ca cái đẹp của văn hóa trong sự đa đạng và chiều sâu nhân văn. Đối thoại với Stephanne Gillot là Đào Thanh Tùng và Phan Huyền Thư. Hai đạo diễn trẻ Việt Nam kể chuyện về ca sĩ nhạc rap Kim và các bạn của cô trong chuyến đi xuyên Việt trải nghiệm tín ngưỡng phồn thực của người Việt và lắng nghe quan niệm về sex trong giới trẻ. "Hãy nói" là một bức tranh mới mẻ về sự thay đổi trong quan niệm đời sống của giới trẻ hôm nay.

Một cảnh trong phim của đạo diễn người Pháp Stephane Gillot.

Đạo diễn người Thụy Sỹ Jean-Stephane Bron lại mang tới một bộ phim giàu tính chính luận "Cleveland chống lại phố Wall", kể về một luật sư trong cuộc chiến chống lại sự lũng đoạn của các ngân hàng Phố Wall đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Đối thoại với Bron là "Khoảng cách" của đạo diễn Trần Phi, kể lại hành trình đi tìm công lý của ông Đinh Đình Phú và nhà báo Nguyễn Thị Hải quanh vụ án về một số quan chức ở Đồ Sơn - Hải Phòng ăn chặn đất đai của dân đã từng làm "dậy sóng" trong dư luận mấy năm về trước. Những người đấu tranh cho lẽ phải bị cách ly ra khỏi cộng đồng, bị de dọa… nhưng cuối cùng lòng dũng cảm và sự trung thực đã chiến thắng được lòng tham.

Một bộ phim khác, "Những câu chuyện mưa" của đạo diễn người Italia Isabel Achaval tham gia vào cuộc đối thoại với "Lời ru thì buồn" của đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Ninh và Mạc Văn Chung. Nếu như Avachal kể cho khán giả câu chuyện một cô gái trẻ, đã chọn cách rời bỏ quê hương Argentina của mình để đến sống tại Brussels và những trải nghiệm mà cô phải trải qua để đuổi theo ước mơ của mình thì Mạnh Ninh và Mạc Văn Chung lại kể một câu chuyện buồn về những phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc như một phương kế "xóa đói giảm nghèo". Khi tới bến bờ của hy vọng họ mới nhận ra đó chính là bến bờ của ảo vọng. Đường về nhà quá dài với họ. Đây là bài học cho những ai muốn dùng thân xác để đánh đổi lấy tương lai.

Những cuộc đối thoại khác như "Mumbai - Đứt kết nối" của đạo diễn Đan Mạch Camilla Nielsson - Frederik Jacobi và "Đất lạnh" của đạo diễn Nguyễn Thước, "Hiệu ứng Chopin" của đạo diễn Ba Lan Krzysztof Dzieciolowski và "Kèn đồng" của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, "Thu vàng" của đạo diễn người Đức Jan Tenhaven và "Chuyện của mọi nhà" của đạo diễn Vương Khánh Luông, "Nghệ thuật bị đánh cắp" của đạo diễn Bỉ Simon Backès và "Điệu múa cổ" của Nguyễn Văn Hướng… cũng đã tạo ra một sức hút đặc biệt với khán giả. Riêng với những người làm phim trong nước, từ những cuộc "đối thoại" này chắc chắn họ sẽ học hỏi được rất nhiều về cách làm phim tài liệu của bạn bè quốc tế.

Những bài học quý

Nhà biên kịch Vũ Thu Phong nhận xét: "Tôi cho rằng nhược điểm lớn nhất của phim tài liệu Việt Nam là dùng quá nhiều lời bình. Người nước ngoài khi làm phim tài liệu, họ thường để cho nhân vật tự kể câu chuyện của mình mà ít dùng lời bình. Như vậy câu chuyện sẽ trở nên khách quan hơn. Các nhà làm phim Việt Nam không cần phải "định hướng" khán giả bằng lời bình. Chính vì điều này mà phim tài liệu của ta thường mang tính chủ quan, tản mạn, áp đặt, khiến nhiều khán giả không tin vào câu chuyện mà đạo diễn kể. Phim tài liệu mà không làm khán giả tin thì đó là một thất bại. Tôi thấy các đạo diễn quốc tế họ nhìn vấn đề một cách rộng mở và phóng khoáng hơn, họ không bị gò như các đạo diễn của ta. Phim họ làm vì thế mà tự nhiên hơn". 

Đạo diễn - NSND Đào Trọng Khánh thì thẳng thắn: "Tôi nghĩ rằng lời bình không phải là vấn đề của phim tài liệu Việt Nam. Mà vấn đề sâu xa hơn là quan điểm làm phim tài liệu của các nhà làm phim Việt Nam. Khi khai thác một vấn đề nào đó, chúng ta vì quá e ngại mà có lúc không đề cao các quan điểm nghệ thuật bằng quan điểm chính trị. Như thế thì phim không hay và bị chủ quan. Trong khi đòi hỏi của phim tài liệu là sự khách quan. Bệnh chung của phim tài liệu, cũng giống như bệnh chung của văn học nghệ thuật hiện nay là sự nhạt. Một số đạo diễn chưa thực sự tâm huyết, chưa thực sự sống chết với công việc của mình. Tôi cảm giác họ không đề cao kịch bản. Một kịch bản vô hồn, đơn giản thì đương nhiên những thước phim cũng sẽ đơn giản. Nhìn vào danh sách các phim tài liệu được chiếu trong liên hoan lần này, tôi thấy rằng họ cũng không có gì "ghê gớm" hơn ta trong việc chọn lựa đề tài đâu. Có chăng là quan sát cách làm, cách tư duy của người ta thôi. Chúng ta có thể làm những phim tài liệu hay, vấn đề chỉ là cách khai thác vấn đề của người đạo diễn thôi. Nếu anh nhìn nhận lịch sử, văn hóa và những hiểu biết khác ở tầm thấp, không đạt đến cái "siêu việt" thì phim anh không thể hay. Tôi cảm giác như chúng ta mới chỉ tư duy theo "chiều ngang", chứ chưa theo chiều "thẳng đứng", nên phim thiếu sự đột phá, thiếu những xúc cảm bất ngờ. Nếu đạo diễn nghĩ rằng vì phim tài liệu là kể những câu chuyện về người thật việc thật nên thiếu chỗ để thăng hoa thì chắc chắn là sẽ không làm cho khán giả thăng hoa được. Sự sáng tạo, đổi mới phải được nằm trong chính tư duy của người làm phim".

Nhiều khán giả đến với Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần này có chung một nhận xét, họ thích xem phim của các đạo diễn trẻ trong nước hơn vì họ có cái nhìn trực diện hơn, hiện đại hơn trước một vấn đề. Bí quyết để có phim tài liệu hay chỉ nằm ở việc chọn đúng vấn đề mà xã hội quan tâm và kể một cách hấp dẫn, chân thực, làm sao chạm vào những "huyết mạch" của toàn xã hội. Để làm được như vậy, người làm phim tài liệu phải biết nhiều, thấy nhiều, chọn lựa những chi tiết sâu sắc nhất.

Trong quá khứ chúng ta đã có nhiều bộ phim tài liệu hay được cả thế giới biết đến. Năm ngoái, trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ nhất, đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Minh Hải đã giành giải Phim tài liệu xuất sắc với bộ phim "Luôn ở bên con". Thực tế cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi người làm phim tài liệu phải lý giải, và chúng ta có quyền hy vọng, sự giao lưu học hỏi từ bạn bè quốc tế sẽ là điều kiện tốt để điện ảnh tài liệu Việt Nam có thêm được nhiều bộ phim hay hơn nữa trong tương lai. Giống như thông điệp của Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần này: "Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh"

Phương Trang
.
.
.