Xem nhiều phim dở là có hại

Thứ Tư, 08/06/2011, 11:38
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM bức xúc về chất lượng phim truyền hình: Việc nhà đài chỉ duyệt đề cương kịch bản, nhà sản xuất theo kiểu cuốn chiếu, xong đến đâu phát sóng đến đó, khó kiểm soát chất lượng, dẫn đến nhiều bộ phim lên sóng mấy tập đầu thì chấp nhận được, nhưng càng về sau càng yếu. Những bộ phim dài, dai, dở theo đó ra đời…

Sau một thời gian dài rất nhiều phim truyền hình Việt bị "mổ xẻ", phê phán liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 7/6, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Hội Điện ảnh TP HCM đã chính thức "nhập cuộc" bằng cuộc hội thảo "Chất lượng phim truyện truyền hình thực trạng và giải pháp" tại TP HCM.

Với sự tham gia của đông đảo đại biểu là đại diện cơ quan quản lý, đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, đài truyền hình…, tại hội thảo, nhiều vấn đề bất cập dẫn đến chất lượng nhiều bộ phim bị phê phán "lọt sóng" được chính những người trong cuộc đặt ra, cùng thảo luận để Hội Điện ảnh ghi nhận và chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan, ngõ hầu tìm phương thuốc đặc trị các "chứng bệnh" của phim truyền hình Việt…

Bức xúc vì phim… dài, dai, dở

Không thể không thừa nhận sự phát triển tích cực của phim truyền hình Việt Nam nhiều năm trở lại đây là ý kiến chung của khá nhiều đại biểu.

Phó Giáo sư Trần Luân Kim nhận định rằng, từ những bước thăm dò đầu tiên, rụt rè thử nghiệm làm phim ít tập, nội dung đơn giản, nhân vật thưa vắng, nay đã có nhiều đài, cả Trung ương lẫn địa phương cùng các lực lượng tư nhân đã chế tác hàng loạt phim nhiều tập, có nội dung phức hợp, bao quát nhiều vấn đề, nhiều cảnh đời trong những khung thời gian và không gian ngày một rộng lớn hơn. Giờ đây đã hình thành một xu thế tốt đẹp khó có thể đảo ngược là phim truyền hình Việt Nam đã có phần chiếm ưu thế so với phim nước ngoài về chỉ số giờ trên màn ảnh của các kênh chính…

Cảnh trong phim "Xin thề anh nói thật" bị dư luận phê phán nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung lại đang xuất hiện và xuất hiện ngày càng nhiều những mảng màu tương phản rất thiếu hài hòa, có phần gây phản cảm mà yếu điểm tập trung vào ý thức sáng tác của tác giả kịch bản và nghệ thuật thể hiện của đạo diễn.

Dư luận phàn nàn đề tài nhiều phim bị bó hẹp, chỉ quanh quẩn bám vào cuộc sống thượng lưu ở đô thị, nội dung tản mạn không phản ánh được những vấn đề bức thiết của đời sống hiện thực. Nhân vật nhàm chán, mờ nhạt, không đủ sức hình thành cốt cách bản thể. Cấu trúc phim lộn xộn, chia tập theo cách đơn giản là cắt khúc theo thời gian, thoại dài dòng, sáo rỗng, giao đãi vô tích sự. Diễn xuất hời hợt, nghiêng về khoe mẽ ngoại hình hơn là ăn nhập với nhân vật. Dàn cảnh cẩu thả, trang phục tùy tiện, đạo cụ không phù hợp… Gần đây nhất phải kể đến là phim "Anh chàng vượt thời gian", "Xin thề anh nói thật", "Nợ đa tình"…

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM bức xúc: Việc nhà đài chỉ duyệt đề cương kịch bản, nhà sản xuất theo kiểu cuốn chiếu, xong đến đâu phát sóng đến đó, khó kiểm soát chất lượng, dẫn đến nhiều bộ phim lên sóng mấy tập đầu thì chấp nhận được, nhưng càng về sau càng yếu. Những bộ phim dài, dai, dở theo đó ra đời…

Thiếu, yếu nhân lực và… quá tải?!

Với tư cách người trong cuộc, đạo diễn Nguyễn Minh Cao cũng cho biết: Mặc dù thực trạng thiếu kịch bản phim đã được đề cập từ 5 năm trước nhưng cho đến nay, thời lượng phát sóng phim Việt ngày càng tăng thì việc tìm kiếm được những kịch bản hay đã là bài toán khó cho các nhà sản xuất và đạo diễn.

Hầu hết các biên kịch ở Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, họ là nhà văn, nhà báo, có vốn sống, kinh nghiệm, nhưng kỹ thuật thể hiện lên phim chưa cao, viết theo dạng kịch bản văn học khiến đạo diễn lúng túng trong xử lý. Một số biên kịch trẻ được đào tạo thì thiếu vốn sống và khả năng giao tiếp tốt với nhà sản xuất để có hợp đồng kịch bản.

Những sự lệch pha này không ít lần dẫn đến những sản phẩm "dở dở ương ương"… Biên kịch đắt "sô", phải viết theo đơn đặt hàng của nhà sản xuất, áp lực doanh thu của nhà sản xuất đôi khi đổ lên đầu biên kịch và kịch bản cứ thế nhàn nhạt theo. Dần dà nhà biên kịch chán với chính đứa con của mình…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gay gắt hơn khi thay nhà sản xuất "tố": Phim truyền hình xuống cấp là do cơ cấu của Đài truyền hình. Đài truyền hình đang tự "giết" mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ. Bởi thực tế, Đài truyền hình cấp tiền và giao cho các hãng phim và nhà sản xuất làm với giá 180 triệu đến 200 triệu đồng mỗi tập. Kinh phí đến tay người làm phim phải qua bao nhiêu cửa, tiền cứ thế rơi rụng bớt…

Tác giả Gia Linh cũng kể rằng, một đạo diễn trẻ than thở rằng, không biết trên giấy tờ là bao nhiêu nhưng khi tiền đến tay đạo diễn thì chỉ còn hơn 20 triệu đồng mỗi tập.

Luật của Đài truyền hình là kinh phí của phim được quy từ quảng cáo ra tiền. Các hãng phim và nhà sản xuất sẽ làm cam kết nếu phim phát sóng đủ lượng khách hàng quảng cáo vào giờ đó thì đài sẽ trả đủ tiền như ký kết ban đầu, nếu không đủ phải đền cho đài… Vấn đề là kinh phí đầu tư được cào bằng một mức thì nhà làm phim phải tính toán để không vượt kinh phí…

Chưa kể các hãng phim đang mọc nên như nấm. Người không rành thì nghĩ phim không phát triển, dễ kiếm ăn nên nhào vô kinh doanh. Muốn chen chân, họ là "lính mới" phải chịu nhận ít tiền hơn hay nhận lại của các công ty "nhận sỉ" giờ của đài mà làm không xuể…

Đặc trị bằng "thuốc" nào?

Phim truyền hình dở lên sóng, không chỉ khán giả bất bình mà người làm nghề nghiêm túc, tâm huyết với nghề cũng… khổ tâm. Đó là thừa nhận chung mà chúng tôi ghi nhận được từ những người làm phim truyền hình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có rất nhiều nhưng đã đến lúc không chỉ phê bình "khơi khơi" trên các phương tiện thông tin đại chúng lâu nay.

Đại diện Ban tổ chức hội thảo, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM cho biết, các ý kiến sẽ được tiếp thu, tổng hợp, chọn lọc và đề đạt lên các cơ quan liên quan để có những điều chỉnh phù hợp hơn về chính sách, cơ chế về lĩnh vực này trong thời gian tới. Với cách làm bài bản này, có hy vọng được không phim truyền hình sẽ đột phá mới trong thời gian tới?

Ngọc Nguyễn
.
.
.