Xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn

Thứ Năm, 26/08/2010, 14:55
Ngày 24/8, tại TP HCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Quốc hội khóa XII tổ chức lấy ý kiến về tình hình hoạt động và thi hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà tổ chức biểu diễn, quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tại chương trình, hầu hết đại diện các lĩnh vực hoạt động đều tỏ ra bức xúc trước nhiều văn bản, quy chế lỗi thời, không phù hợp, thậm chí mang tính áp đặt, đồng thời đề nghị: Quản lý bằng các văn bản dưới luật đã không đáp ứng được tình hình thực tế, việc xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn đã trở nên hết sức cần và cấp thiết hiện nay.

Quá nhiều bất cập trong chính sách, pháp luật trong biểu diễn nghệ thuật

Chia sẻ dưới góc độ của nhà quản lý, bà Đặng Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết: Ngành Văn hóa, Thể Thao và Du lịch có một số lĩnh vực hoạt động đặc thù như biểu diễn múa, xiếc…

Họ vừa lao động trí óc, vừa lao động cơ bắp. Công việc đòi hỏi nghệ sĩ có cả năng khiếu lẫn ngoại hình, phải trải qua một quá trình rèn luyện, học tập dài hơn rất nhiều với các loại hình biểu diễn khác, tuổi nghề lại rất ngắn, chỉ từ 10 đến 25 năm nên chỉ đến 40 tuổi là gần như cơ thể đã hết độ dẻo dai để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội lại quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi mới được nghỉ hưu. Nếu là nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại thì nam là 55 tuổi, nữ là 50 tuổi với điều kiện phải đủ 15 năm làm nghề.

Chế độ tiền lương, chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn của diễn viên đều không hợp lý. Tất cả các diễn viên dù được đào tạo theo hệ trung cấp, cao đẳng, hay đại học khi được tuyển dụng vào đều được xếp loại viên chức loại B, mã ngạch 17.159. Trong khi đó, ngạch lương diễn viên lại quá dài. Với tuổi nghề ngắn như thế, hầu như không diễn viên nào đủ điều kiện để nghỉ hưu nên chỉ có thể nghỉ hưu non nếu không tìm cách chuyển… Việc tập luyện, biểu diễn múa, xiếc rất vất vả nhưng chỉ được bồi dưỡng 100.000 đồng hoặc 50.000 đến 70.000 đồng/suất diễn.

Ngay vấn đề phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần xem xét lại. Với các diễn viên, việc tổ chức liên hoan 5 năm một lần đã là quá ít vì khó có thể có đủ số huy chương theo quy định để được phong tặng. Với các diễn viên múa, xiếc có tuổi đời ngắn lại càng khó…

Đồng ý kiến với bà Đặng Thị Phượng, NSND Chu Thúy Quỳnh bức xúc chia sẻ: Với nghệ sĩ múa, xiếc… việc giữ thể hình vừa đẹp vừa đảm bảo sức khỏe để biểu diễn đã rất vất vả. Béo thì không lên sân khấu biểu diễn được, gầy quá lại yếu, không thể đảm bảo sức khỏe cho những động tác cần đến sức. Lương tối thiểu cho nghệ sĩ đổ đồng là 700.000 đồng trong khi họ học ít nhất 7 năm mới ra trường. Thậm chí, như nghệ sĩ Cao Chí Thành, đứng thứ 4 trong cuộc thi lớn của quốc tế, khổ luyện trong và ngoài nước nhưng về lại Việt Nam chỉ được hưởng lương 2 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho biết: Không chỉ vất vả thôi, nghề biểu diễn này rất nguy hiểm. Bản thân anh đã 7 lần bó bột, cột sống, khớp xương đều có vấn đề. Rất may là chuyển qua quản lý, học đến thạc sĩ, có thâm niên đến 34 năm mà vừa qua, phải qua rất nhiều lần đặc cách mới hoàn thiện được hồ sơ, trình Bộ Nội vụ để xét lại ngạch lương.

Chưa kể việc tổ chức thi và chấm thi cho các nghệ sĩ để có huy chương mà làm hồ sơ phong tặng danh hiệu cũng còn nhiều bất cập: Đơn vị ít, tự thi với nhau, tự chấm hay là người ngoài ngành chấm? Việc thi công chức để tính lương cho nghệ sĩ càng không phù hợp vì nghệ sĩ biểu diễn thì giỏi chứ chưa chắc thi công chức đã đạt.

Nghệ sĩ xiếc thời gian đào tạo dài, biểu diễn vất vả, nguy hiểm, tuổi đời biểu diễn ngắn nhưng chế độ ưu đãi chưa xứng đáng.

Cần cấp thiết xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn

Thực tế, không chỉ với riêng những loại hình nghệ thuật đặc thù, hầu hết các lĩnh vực khác cũng đều tồn tại rất nhiều những bất cập về chính sách, quy định cho hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền chia sẻ: Ngay cả quy định về quyền tài sản của người biểu diễn đã có nhưng hiện nay, trong các cuộc liên hoan quốc tế, các tiết mục biểu diễn dự thi ở nước ngoài, các nhà đài vẫn cho người đi theo, quay camera, nói là để đưa tin nhưng sau đó vẫn sử dụng phát sóng toàn bộ như một chương trình giải trí mà không trả tác quyền. Luật đã có từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn còn thiếu những văn bản dưới luật, hướng dẫn cụ thể. Nhiều nghệ sĩ biết tác phẩm của mình bị "xài chùa" nhưng vẫn chưa biết "gõ cửa" nào để đòi.

Theo quy định, việc sử dụng tác phẩm có thể theo thỏa thuận, nếu không nghệ sĩ có thể kiện ra tòa nhưng không mấy ai đủ tiềm lực và thời gian để theo các vụ kiện, trừ một số trường hợp hiếm hoi: ca sĩ Mỹ Tâm được nhà mạng trả 100 triệu đồng vì đã sử dụng ca khúc cô biểu diễn làm nhạc chuông, nhạc chờ…

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, sở dĩ tình trạng hoạt động và quản lý tổ chức biểu diễn nghệ thuật của chúng ta còn nhiều bất cập là bởi lâu nay tất cả vẫn chỉ được xử lý theo các văn bản dưới Luật, thiếu hẳn tính chiến lược lâu dài.

Nhằm khắc phục các bất cập nói trên, rất nhiều giải pháp cũng đã được các đại biểu đặt ra: tổ chức cấp thẻ hành nghề, rút ngắn thời hạn tổ chức liên hoan, hội diễn từ 5 năm xuống còn 3 năm, có cơ chế đãi ngộ với các loại hình biểu diễn đặc thù… Tuy nhiên, còn có một điểm chung được tất cả các đại biểu đồng tình, đó là sự cấp thiết trong xây dựng Luật về biểu diễn nghệ thuật riêng hiện nay

Ngọc Nguyễn
.
.
.