Xa xôi mấy cũng quê hương

Thứ Ba, 01/03/2005, 08:11

Sau 45 năm thành lập (3/3/1960), Đoàn nghệ thuật Biên phòng, trước đây là Đoàn văn công Công an nhân dân vũ trang, đã vinh dự được tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới". 45 năm qua, dấu chân các nghệ sĩ của Đoàn đã in dấu trên khắp mọi miền đất nước. Cả đoàn đều tâm niệm "lấy núi đồi làm sân khấu, lấy lửa nhiệt tình làm ánh sáng".

Với nhiệm vụ quan trọng là hoạt động nghệ thuật, góp phần tuyên truyền động viên cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và nhân dân trên các vùng biên cương và hải đảo của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đoàn nghệ thuật Biên phòng đã biểu diễn hàng ngàn tiết mục nghệ thuật cách mạng, phổ biến tinh thần văn hoá Việt đến mọi nơi trên khắp vùng biên cương.

Trong chiến tranh đoàn đã không quản ngại núi cao, đèo sâu ra tận chiến trường để hát "át tiếng bom thù". Đối với nhiều thế hệ người lính trước đây, những tác phẩm kịch múa Rừng thiêng núi nhớ, Ong vò vẽ, Chặng đường biên giới... và những bài hát như Lên đường đánh Mỹ, Khi các anh qua làng, Đêm trên Cha Lo... đã trở thành một phần ký ức rực rỡ, vinh quang của họ.

Một lần, có một thương binh nơi địa đầu Tổ quốc lên cơn sốt cao, trong cơn sốt, anh chỉ mong được nghe một ca sĩ của đoàn biểu diễn. Thế là hệ thống thông tin được nối mạng ngay. Từ một nơi rất xa, người ca sĩ hát nồng nhiệt qua điện thoại cho người thương binh nghe những bài ca về quê hương, đất nước. 

Đèo cao, núi sâu, những cơn mưa rừng khốc liệt, những trận oanh tạc của kẻ thù... chỉ càng làm cho hình ảnh những người nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Biên phòng trở nên thân thiết và gắn bó với nhân dân ở mọi vùng biên cương, gắn bó với cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Những tác phẩm của đoàn không chỉ chan chứa sức mạnh nghệ thuật, chất nhân văn của người Việt, mà còn gắn chặt với thực tại của cuộc chiến tranh cứu nước.

Những năm tháng kỳ diệu ấy đã làm nên tên tuổi của các NSND Lê Đóa, Trần Minh, NSƯT Văn Đức Lương, Nguyễn An, Trần Danh, các nghệ sĩ biểu diễn như Hoàng Long, Huy Giảng, Minh Trân, Kim Ngân, Kim Thùy...

Đất nước thống nhất, một số đoàn nghệ thuật trưởng thành trong khói lửa chiến tranh dần chuyển địa điểm biểu diễn về các thành phố lớn. Nhưng Đoàn nghệ thuật Biên phòng vẫn kiên trì mang những tác phẩm nghệ thuật cách mạng, những tác phẩm nghệ thuật của thời kỳ đổi mới đến vùng sâu vùng xa. Nhiều diễn viên trẻ mới lập gia đình, vừa có con nhưng nếu có nhiệm vụ là lập tức lên đường. Có nhiều buổi diễn ròng rã vài tháng trời, khi mẹ đi con chưa biết nói, khi đi diễn về con đã bập bẹ gọi tên mẹ.

Năm 2001, đoàn chia thành hai đội biểu diễn để đến từng buôn làng xa xôi của Tây Nguyên. Lịch diễn kín đặc: sáng diễn, chiều diễn, đêm diễn, rồi ăn đêm, rồi lên xe ngủ để đến một địa điểm biểu diễn khác. Có những hôm mưa gió, sân khấu cứ dựng lên thì lại bị đổ, Bộ đội Biên phòng vừa dựng vừa giữ sân khấu để các nghệ sĩ diễn. Sau ba tháng diễn ròng rã ở Tây Nguyên, các nghệ sĩ rục rịch chuẩn bị trở về với gia đình thì tiếp tục nhận được nhiệm vụ mới, thế là bao "tình riêng" đành gác lại, lại tiếp tục "gặp núi vượt núi, gặp rừng băng rừng, gội mưa tắm nắng mà đi".

Nhạc sĩ, Thượng tá Phạm Ngọc Châu, Trưởng đoàn tâm sự rằng, đồng bào ở miền biên giới, hải đảo không chỉ xúc động bởi những tác phẩm nghệ thuật được thưởng thức, mà còn cảm phục sự tận tụy, sự lao động vì cộng đồng của những người nghệ sĩ - chiến sĩ trẻ

Thảo Duyên - Hoàng Nhân
.
.
.