Kỷ niệm 1.300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu (713 - 2013) và lễ hội đền Vua Mai 2013:

Vua Mai Hắc Đế với ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia

Chủ Nhật, 03/03/2013, 02:28
Vừa qua, tại thị trấn Nam Đàn (Nghệ An), Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc”.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng kỷ niệm Đại lễ 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 1.290 năm Ngày mất của Mai Hắc Đế và lễ hội đền vua Mai của huyện Nam Đàn trong dịp Xuân Quý Tỵ 2013. 

Khởi nghĩa Hoan Châu là cuộc khởi nghĩa quy mô và thắng lợi lớn của dân tộc ta chống ách đô hộ của nhà Đường thế kỷ VIII. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Mai Thúc Loan, từ Hoan Châu khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra nhiều châu, huyện. Đích thân Mai Thúc Loan cầm quân tấn công chiếm được phủ thành Tống Bình (Hà Nội), liên kết với các nước lân cận Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân chiếm giữ vùng biển phía Nam.

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Mai Thúc Loan đã xưng đế với đế hiệu là Mai Hắc Đế. Ông tự là ông vua họ Mai với ý nghĩa là người đứng đầu quản lãnh công việc vùng đất phương Nam, không chịu thua kém các đế vương phương Bắc. Ông là người xưng Hoàng đế thứ hai sau Lý Nam Đế trong thời Bắc thuộc, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về việc biểu thị trình độ tư duy về tinh thần độc lập dân tộc, ý thức chủ quyền quốc gia sánh ngang với hoàng đế phương Bắc.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu diễn ra đầu thế kỷ VIII đã thu hút được sự tham gia đông đảo của nhân dân ta ở các vùng then chốt đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thanh - Nghệ Tĩnh với hàng chục vạn người.

Lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu.

Sức mạnh của ý chí độc lập tự chủ của nhân dân ta là nguyên nhân chính dẫn đến bước chuyển biến quan trọng, chiếm được phủ thành An Nam lật đổ được ách thống trị của nhà Đường, thành lập chính quyền độc lập, tự chủ trong gần một thập kỷ (713 - 722) và lên ngôi Hoàng đế, xây dựng thành Vạn An làm quốc đô.

Việc Mai Hắc Đế cho lập Quốc đô tại vùng Sa Nam, đặt tên Quốc hiệu là Vạn An (muôn đời bình yên), thể hiện khát vọng của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, độc lập tự do. Việc đặt tên Quốc đô là Vạn An của Mai Hắc Đế phải chăng là sự kế thừa truyền thống trước đó 170 năm của vua Lý Nam Đế khi đặt tên nước ta là Vạn Xuân (muôn đời mùa xuân) chăng?

Tuy Mai Hắc Đế chưa định được niên hiệu và đúc tiền riêng như Lý Nam Đế, nhưng với việc xưng Đế hiệu là một thách thức đối chọi với đế chế Trung Hoa hùng mạnh thời bấy giờ. Điều đó càng nói lên sự trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin vững chắc ở khả năng tự vươn lên, phát triển một cách độc lập.

Nhiều nhà Sử học cho rằng, việc Lý Bí và Mai Thúc Loan xưng “Đế” là sự ngang nhiên phủ định quyền “bá chủ toàn thiên hạ” của các hoàng đế Trung Quốc, vạch rõ sơn hà, cương vực là sự khẳng định dứt khoát rằng, dân tộc Việt ở phương Nam là một thực thể độc lập, là chủ nhân của đất nước và nhất quyết giành quyền làm chủ vận mệnh của mình.

Nét khá độc đáo của khởi nghĩa Hoan Châu không chỉ thu hút sự tham gia của nhân dân Hoan Châu, Diễn Châu, Ái Châu, Giao Châu, Phong Châu… mà còn có sự phối hợp với nhân dân các quốc gia láng giềng Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung các thế lực bành trướng phía Bắc.

Tuy sử sách không ghi chép số quân cụ thể của từng quốc gia tham gia khởi nghĩa, nhưng sự liên kết rộng rãi của các nước trong khu vực đã nâng cao vị thế và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa trên trường quốc tế.

Như vậy, đầu thế kỷ VIII, Mai Thúc Loan đã xây dựng thành công liên minh lực lượng ở một số nước Đông Nam Á tạo nên một khối đoàn kết, hữu nghị vững chắc, góp phần đẩy lùi mưu đồ bành trướng và đồng hóa của các thế lực phương Bắc tại đây.

Cùng với thắng lợi ban đầu của khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bí, công cuộc giành và giữ chính quyền của Khúc Thừa Dụ - Khúc Hạo và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, khởi nghĩa Hoan Châu dưới sự lãnh đạo của Mai Thúc Loan là một trong những cuộc khởi nghĩa vào loại lớn nhất của thời chống Bắc thuộc của các triều đại phong kiến Trung Quốc, có vị trí quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

Đã 13 thế kỷ trôi qua (713 - 2013) kể từ khi Mai Thúc Loan dấy cờ khởi nghĩa ở Hoan Châu giành thắng lợi, sự nghiệp vĩ đại của người con ưu tú trên quê hương xứ Nghệ cùng chiến tích của khởi nghĩa Hoan Châu mãi mãi là di sản quý báu của nhân dân xứ Nghệ, nhân dân cả nước tự hào và trân trọng giữ gìn.

Ngày nay, vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, để tưởng nhớ đến công lao của Mai Thúc Loan, chính quyền và người dân xứ Nghệ tổ chức lễ hội đền vua Mai và lễ hội này được xếp vào hệ thống lễ hội tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, bởi trong tâm thức dân gian, khi sống họ là anh hùng hào kiệt giúp dân, cứu nước và khi thác về trời, họ trở thành thần thánh, phù trợ quốc thái dân an.

Việc thường xuyên ôn lại lịch sử, tri ân và tôn vinh các bậc tiền nhân bằng xương máu và mồ hôi nước mắt của mình đã có công khai phá, dựng xây và gìn giữ, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau một non sông gấm vóc giàu đẹp và những bài học sâu sắc về lòng yêu nước, ý chí độc lập tự chủ nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong thời kỳ hội nhập hiện nay

Trần Trung Hiếu
.
.
.