Vua Hàm Nghi còn là họa sĩ tài hoa

Thứ Bảy, 07/03/2015, 09:09
Nhắc đến vua Hàm Nghi (1871 – 1944), người ta nhớ đến chân dung một vị vua yêu nước, thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp. Ít ai biết rằng, trong những năm tháng bị chính quyền thực dân Pháp lưu đày tại Alger (thủ đô Algerie), ông còn là một họa sĩ, một nhà điêu khắc tài hoa với bút danh Tử Xuân.

Người dựng lại chân dung nghệ sĩ của vua Hàm Nghi là cô Amandine Dabat (1987) – nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử mỹ thuật Việt Nam của trường ĐH Sorbonne – Paris IV. Đặc biệt, cô là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi tại Pháp. “Tháng 9 - 2009, tôi đang học về lịch sử dịch thuật và khảo cổ học.  Bà nội tặng tôi  bài thơ “Tử Xuân” của nữ sĩ Judith Gautier tặng vua Hàm Nghi. Tôi thấy hay quá, không ngờ trong gia đình chúng tôi lại có một di sản mà chưa ai tìm hiểu, nghiên cứu.

Tôi hỏi giáo sư hướng dẫn, rằng tôi  có thể nghiên cứu đề tài “Vua Hàm Nghi – một cuộc đời nghệ sĩ” cho luận án tiến sĩ của mình hay không? Giáo sư khuyên trước tiên tôi phải kiểm tra tư liệu. Nếu chỉ có mỗi bài thơ  mà nghiên cứu về một tác giả thì không thỏa đáng. Vậy là tôi bắt đầu lục tìm tư liệu và càng lúc càng ngạc nhiên với tổ tiên của mình”, cô tâm sự.

Nguồn tư liệu mà Amandine Dabat tìm được chủ yếu từ kho lưu trữ của gia đình. Theo Amandine Dabat, vua Hàm Nghi bắt đầu vẽ tranh từ năm 1889. Ông được một người sĩ quan Pháp giới thiệu và học vẽ với Marius Reynaud – một họa sĩ Pháp sống ở Algerie. Sau này, vua Hàm Nghi còn học thêm điêu khắc với điêu khắc gia vĩ đại nhất nước Pháp Auguste Rodin (1840 – 1917). Trong buổi tọa đàm tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Amandine Dabat đã giới thiệu đến công chúng 15 tác phẩm tiêu biểu của vua Hàm Nghi.

Bức “Cây ô liu già” vẽ năm 1905 của vua Hàm Nghi.

Ông thích vẽ tĩnh vật, chân dung và đặc biệt, vẽ phong cảnh Algerie và Pháp. Tranh của ông thường pha lẫn giữa phong cách phương Tây (trường phái ấn tượng) và tinh thần văn hóa Việt Nam. Bối cảnh ông thể hiện trong tranh thường là cây cổ thụ cô độc giữa cánh đồng, xa xa là cánh chim cuối trời gợi nhớ đến hình ảnh làng quê Việt Nam với cánh cò bay lả trên đồng. Màu sắc trong tranh thường trầm buồn, u uẩn và dáng người trong tranh luôn nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, rộng lớn.

Với vua Hàm Nghi, nghệ thuật đã trở thành phương tiện để ông hoài nhớ quê hương, gửi gắm nỗi đau khổ, cô độc của người con mất nước, bị lưu đày. “Lúc đầu, tôi nghĩ rằng ông vẽ như một cách để tìm vui, để giải bày. Nhưng khi đã đam mê thì ông vẽ, điêu khắc cả ngày như một nghệ sĩ thực sự. Ông thường điêu khắc tượng phụ nữ bán thân hoặc toàn thân. Theo tôi, ông đã trở thành họa sĩ theo cách tự nhiên”, cô Amandine Dabat nhận xét.

Nổi bật nhất trong di sản tranh của ông chính là bức “Chiều tà”, sáng tác năm 1915. Nhờ sự kiện bán đấu giá bức tranh này tại  Paris ngày 24/11/2010, công chúng Việt Nam mới biết tới vua Hàm Nghi với tư cách là họa sĩ. Trước đó, tranh của ông chưa từng được công bố và giới thiệu với công chúng bởi sinh thời, vua Hàm Nghi xem nghệ thuật là lĩnh vực để ông bày tỏ tâm tình, chia sẻ với bạn bè, người thân. Các bức tranh của ông không bán mà được dành tặng những người thân hữu. 

Năm 1962, căn nhà ông sống ở Algerie bị cháy và  cướp. Do đó, mặc dù ông sáng tác rất nhiều tranh và tượng nhưng đến nay, chỉ còn giữ lại khoảng 100 bức tranh trong gia đình và bạn bè ông. Riêng tượng điêu khắc thì không còn bức nào.

Quỳnh Nga
.
.
.