Vụ viết thơ trên vách đá đảo Cát Bà: Có thật "chuyện bé xé ra to"?

Chủ Nhật, 13/07/2008, 09:45
Thời gian qua, giới cầm bút ở Hải Phòng cũng như cả nước đã ít nhiều bị thu hút bởi một vụ việc: Ông Phạm Xuân Trường, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng (và cũng là hội viên Hội Nhà văn VN) trong thời gian đi thăm con hiện đang công tác tại một đơn vị quân đội ở đảo Cát Bà, đã dùng sơn viết thơ của mình và một đôi bài thơ của bạn bè lên vách núi đá khu vực đường từ bãi Cát Cò I sang bãi Cát Cò II (đảo Cát Bà).

Phản ảnh vụ việc này trên một tờ báo, nhà thơ Dư Thị Hoàn - Chi hội trưởng Chi hội Thơ Hải Phòng cho biết: "Chúng tôi ngạc nhiên thấy rất nhiều bài thơ bằng sơn trắng sơn đỏ sơn đen viết rải rác trên vách đá. Chữ viết trung bình to bằng hai bàn tay. Có bài viết nắn nót thẳng hàng, có bài lem nhem chữ chen chúc xiên xẹo, diện tích rộng bằng mảnh chiếu đôi".

Đấy là về mặt hình thức, còn về nội dung thì - vẫn theo nhà thơ Dư Thị Hoàn: "Hỡi ôi, sao lại có loại thơ ẩm ương thế này, bằng con mắt săm soi "nghề ngỗng", chúng tôi cho đó là thơ phường xã của bà con huyện đảo và mỗi lần đọc to lên lại ôm bụng cười phá ra vì các bài thơ đều xuất hiện những câu, những chữ bộc lộ tình yêu hiếm thấy ở tuổi mãn chiều xế bóng".

Ngoài bài viết của nhà thơ Dư Thị Hoàn, vụ việc còn thu hút ý kiến (cả trên báo giấy lẫn báo mạng) của một số cây bút ở Hải Phòng cũng như của chính "người trong cuộc" (như tác giả Thúy Ngoan, người cũng được nhắc tên trong bài viết nói trên).

Nhà văn Đình Kính, thay mặt BCH Hội Nhà văn Hải Phòng, cũng đã ra kết luận: "Đây là việc làm tùy tiện, bột phát thiếu suy nghĩ, đáng trách của nhà thơ Phạm Xuân Trường, ít nhiều cũng để lại suy nghĩ không mấy thiện cảm trong dư luận trên đảo Cát Bà và trong anh chị em văn nghệ sĩ. Tuy vậy, sự ngẫu hứng ấy không có gì đáng để xôn xao dư luận, nếu như những người biết sự việc ấy, trên tinh thần đồng nghiệp, chân tình khuyên bạn xóa đi là êm thấm… Tiếc là đã không có sự bình tĩnh và thân tình như vậy. Có người viết báo và có người đã đưa ý kiến mình lên mạng".

Ông Vũ Tiến Bảy, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện đảo Cát Hải cũng bày tỏ sự nuối tiếc: "Sự việc diễn ra trên địa bàn chúng tôi quản lý, lẽ ra chúng ta giải quyết êm nhẹ là xong, chúng tôi xóa, nếu biết được đích danh người gây ra sự việc, ta rút kinh nghiệm, cứ gì phải ầm ĩ đến vậy". Về phần mình, sau khi đọc được những ý kiến này, nhà thơ Dư Thị Hoàn tiếp tục thể hiện bức xúc của mình trong bài viết "Người đáng chê trách là ai?".

Như vậy, tính tới thời điểm này, sự việc xem ra vẫn "chưa có hồi kết". Và nếu có, thì cũng là gượng gạo, bất đắc dĩ, bởi chắc chắn về phía những người liên quan đến vụ việc, chưa ai thực sự  "tâm phục khẩu phục".

Riêng người viết bài này xin được trình bày một đôi ý kiến của mình như sau:

Nếu nói vụ việc không nên làm ầm ĩ, không nên đưa lên báo thì thiết nghĩ, chúng ta còn có cách nhìn xuê xoa, xem nhẹ vấn đề. Ông Phạm Xuân Trường là một nhà thơ, lại là hội viên Hội Nhà văn Trung ương, đáng ra ông không được cho phép mình làm một việc "tùy tiện, bột phát thiếu suy nghĩ" như vậy.

Những cậu bé, cô bé tuổi mới lớn có thể "ngứa tay" viết loằng ngoằng đôi dòng đôi chữ lên bức tường nhà hàng xóm hoặc của khu tập thể, ta còn ít nhiều thông cảm. Đằng này, theo phản ảnh thì ông Phạm Xuân Trường đã chủ động sắm sửa bút, cọ, chuẩn bị tới 3 màu sơn, và không chỉ viết một bài thơ, ông viết cả thảy tới 12 bài, không chỉ viết ở một khu vực mà kéo dài trên một đoạn đường tới cả vài trăm mét, và viết liên tiếp trong các ngày 25, 26 rồi 28 (tháng 5/2008).

Chưa hết, có lúc ông còn múa bút trước sự chứng kiến của các tay máy nước ngoài, như thể một ông đồ đang… cho chữ vậy. Thiết nghĩ, ngay ở một tập thơ mà tác giả phải bỏ tiền ra in, nhiều khi chúng ta còn phải cân nhắc xem nên đưa chữ nào, đưa hình gì ra ngoài bìa, thì việc đưa những bài thơ có nội dung quá đỗi riêng tư phơi trên vách đá công cộng, với tiết diện to bằng cả… chiếc chiếu, đập vào mắt bàn dân thiên hạ là một việc không những phạm luật mà còn chưa thật tinh tế đối với một phẩm cách thi sĩ.

Nhân đây cũng cần nói thêm: Những việc làm tương tự nhà thơ Phạm Xuân Trường, trước nay báo chí cũng từng phản ảnh và có thái độ nghiêm khắc. Trong đợt thi tuyển sinh đại học cách đây một vài năm, báo chí từng nêu hiện tượng có thí sinh đã viết những lời cầu khấn lên cả những đầu rùa trong Văn Miếu và Tháp Bút bên Hồ Gươm. Còn xa hơn nữa, nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã phải làm thơ "mắng mỏ" những anh chàng sính thơ đã viết nhăng nhít lên tường chùa "Muốn sống đem vôi quét trả đền".

Về ý kiến phản ảnh vụ việc của nhà thơ Dư Thị Hoàn, tôi phải công nhận rằng, cũng đã có những chỗ chị Hoàn hơi… quá lời. Việc nào đi việc nấy. Ông Phạm Xuân Trường đã có những việc làm đáng chê trách, chị Hoàn lên tiếng phê phán là đúng. Song việc chị mở đầu bài viết bằng mấy câu thơ "Tiếng tăm càng lòi cái ngu/ Viết thơ tán gái bội thu mười bài/ Dụ ả ra tận Bãi hai/ Cát Bà đảo ngọc trổ tài bút nghiên", cũng như khi chị cho hay: Phạm Xuân Trường (61 tuổi, mới được kết nạp Hội Nhà văn cuối năm ngoái) và Thúy Ngoan (58 tuổi, mới tặng tôi tập thơ thứ ba tháng trước do PXT vẽ bìa, cũng đang nộp đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam), người đọc cảm thấy có gì đó không được khách quan.

Đặc biệt, khi chị cho đây là một hiện tượng "bội thực" thơ và "thủ dâm" thơ thì rõ ràng, sự việc đã bị chị đẩy đi… xa quá! Giá chị Hoàn chỉ khoanh vùng vào riêng vụ việc này và bớt những lời lẽ có phần cay nghiệt nói trên thì chắc chắn sự góp ý của chị sẽ được mọi người đồng tình hơn.

Cũng từ những lời lẽ thái quá của nhà thơ Dư Thị Hoàn, tôi xin được nói thêm rằng: Bấy lâu nay, đọc những ý kiến tâm sự (hoặc tranh luận) của một số nhà văn, nhà thơ trên các báo, đây đó tôi lại bắt gặp những lời lẽ quá ư nặng nề, khiến người đọc không khỏi có ý nghĩ người được nhắc đến đang là một tên tội đồ nguy hiểm, trong khi thật ra, đó chỉ là sự yếu kém về chuyên môn, hoặc sơ sểnh trong tác nghiệp.

Như có nhà phê bình, sau khi trách cứ một nhà phê bình khác là có cách cảm thụ tác phẩm không đúng, đã gọi việc làm đó là "lập lờ đánh lận con đen". Có nhà văn không nhận tài trợ sáng tác của một Hội Văn nghệ và phát biểu như thể nếu nhận thì đó là việc làm "hại dân hại nước". Có nhà văn gọi một tác giả có cùng một bài thơ in trên hai tờ báo là "lừa đảo".

Trụ sở Hội Nhà văn trước đây ở 65 Nguyễn Du thường tối tối có những ả làm tiền đứng ở gần đó đợi khách, vị bảo vệ cơ quan Hội không ngăn chặn được, và thế là, tại một hội nghị, đã có nữ nhà văn tuổi trên 60 đứng dậy phát biểu, đại để rằng, từ lâu bà không muốn đặt chân đến Hội vì sợ mọi người nhầm mình là… ca ve.

V.v và v.v…

Chính những cách nói gay gắt (và có phần ngoa ngoắt trên), mặc dù là xuất phát từ những con người chính trực, đã ít nhiều khiến công chúng có cách nhìn khác về các nhà văn, nhà thơ, trong khi đúng ra, sự việc cũng không đến nỗi "khủng khiếp" cho lắm…

Phạm Khải
.
.
.