Vũ điệu Salsa quyến rũ và tình yêu âm nhạc ‘không biên giới’

Thứ Bảy, 26/09/2015, 07:14
Giống như nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, ở Colombia, âm nhạc là một phần tất yếu của cuộc sống.

Rời sân bay quốc tế ở Bogotá D.C, khi tôi vừa mở cánh cửa xe taxi để về khách sạn, âm nhạc đã quyện lấy tôi. Bác tài xế tuy là đang lái xe, nhưng người thì không ngừng lắc lư theo điệu Salsa vui nhộn. Ở xứ Salsa này, từ cụ già đến em nhỏ, chỉ cần nghe thấy âm nhạc, như một phản xạ tự nhiên, cơ thể của họ sẽ lập tức chuyển động thuần thục theo điệu nhạc.

Điệu Salsa cũng có nhiều nét giống với điệu Samba ở Brasil hay các vũ điệu khác ở vùng Nam Mỹ. Tôi luôn hình dung sự liên quan chặt chẽ giữa những vũ công Salsa với những cầu thủ tài hoa, giàu kĩ thuật của các đội bóng đá Nam Mỹ nổi tiếng như Leo Messi (Argentina), Ronaldinho (Brasil),…

Điệu nhảy Salsa có đặc điểm tuy nhẹ nhàng, mềm mại nhưng có tiết tấu nhanh, toát lên được vẻ đẹp hình thể cũng như thể hiện được sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Vì thế, khi nhìn vào những vũ công đang thể hiện những vũ điệu ấy, ngay lập tức người xem sẽ có cảm giác như là mình đang được “tiếp lửa”, truyền cảm hứng.

Con phố đi bộ rộng lớn ở trung tâm Bogotá D.C dài hàng cây số và luôn có hàng vạn người đến tham quan. Cũng giống như ở nhiều nơi khác, điều dễ thấy nhất ở đây, đó chính là sự hiện diện không biên giới của âm nhạc. Những người hát tự do, các “ban nhạc” có tổ chức khoảng vài ba thành viên… tất cả họ là những người có “sứ mệnh” truyền cảm hứng âm nhạc đến cho những người xung quanh.

Bên cạnh đó, những người đứng xem sẽ ủng hộ bằng cách đặt tiền vào một chiếc hộp để sẵn. Người nghệ sĩ đường phố có thể phải đứng hát, biểu diễn, nhảy Salsa từ sáng đến tối, nhưng họ luôn thể hiện thái độ nhiệt huyết, hết mình. Còn khán giả cũng chăm chú theo dõi, thưởng thức bộ môn nghệ thuật đường phố với cảm hứng và sự trân trọng cao nhất...

Người Colombia quan niệm vũ trường là một nơi lành mạnh. Vì vậy, khi bất cứ ai muốn vào cổng, sau khi cầm vé trên tay, nếu người bản địa sẽ phải xuất trình chứng minh nhân dân, còn người nước ngoài như tôi phải xuất trình hộ chiếu. Tiếp nữa, nhân viên an ninh sẽ kiểm tra để đảm bảo không ai có thể mang những đồ vật nguy hiểm hay ma túy, những đồ cấm vào trong vũ trường. Người Colombia còn cho rằng, vũ trường là nơi họ đến để gặp gỡ bạn bè thân thiết, cùng nhau đắm mình trong những vũ điệu Salsa không bao giờ ngừng lại, để giải trí, để thoải mái đầu óc. Tôi không nhìn thấy ở trong những vũ trường mà tôi đến có người hút thuốc. Họ chỉ uống bia, uống rượu, nhảy nhót và trò chuyện vui vẻ.

Khi thấy tôi là người nước ngoài, đang nhảy gượng gạo vũ điệu Salsa giữa hàng trăm nam thanh nữ tú nơi vũ trường, một nhóm bạn 4 người Colombia liền đến làm quen. Họ rót rượu mời tôi, chúng tôi cụng ly, hỏi han xã giao những câu đơn giản nhất trong tiếng nhạc ầm ĩ. Cô gái có tên Natalia trong nhóm đề nghị nhảy cùng tôi. Thú thực, cái thân thể vốn cứng như đá của tôi khiến cho đám bạn mới không khỏi cười nắc nẻ. Nhưng cô bạn gái kia thì vẫn kiên trì hướng dẫn, khích lệ tôi cho đến khi tôi không còn ngại ngùng nữa. Điệu Salsa khi nhảy có đôi, có cặp là một trong những điệu nhảy quyến rũ nhất đối với những người khác giới. Vì thế, nếu một chàng trai biết nhảy Salsa giỏi, anh ta rất dễ dàng để lấy được cảm tình và ấn tượng tốt với một cô gái. Ở Colombia, âm nhạc hiện diện mọi nơi như ga tàu, bến xe bus, hầm đi bộ, siêu thị hay trên đường phố. Có lẽ vì âm nhạc nên nhìn con người nơi đây cũng mềm mại, nhẹ nhàng, thanh thoát và nên thơ như điệu Salsa quyến rũ lòng người.

Cảnh Vũ (từ Colombia)
.
.
.